“Quả ngọt” từ những nỗ lực không ngừng

PHAN MINH ĐẠO 04:39, 10/01/2023

Năm 2022 khép lại với tin vui đến với Trường Đại học Đà Lạt là cả hai giảng viên Nguyễn Văn Anh và Nguyễn Thị Phương Thảo đều được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư (PGS). Điều đặc biệt, họ cùng chung một mái ấm gia đình bởi cái duyên của một thời cắp sách đến trường và bởi nơi đất lành chim đậu đó là Trường Đại học Đà Lạt thân yêu.

 Vợ chồng PGS, TS. Nguyễn Văn Anh và Nguyễn Thị Phương Thảo
Vợ chồng PGS, TS. Nguyễn Văn Anh và Nguyễn Thị Phương Thảo

CÙNG NỖ LỰC ĐỒNG HÀNH

Cả hai giảng viên đều còn trẻ, sinh năm 1983. Nguyễn Văn Anh quê ở tỉnh Quảng Bình còn Nguyễn Thị Phương Thảo quê ở tỉnh Quảng Trị nhưng sinh ra tại TP Đà Lạt. Lương duyên có lẽ bắt đầu từ cả hai đều học khóa 25, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đà Lạt, cùng tốt nghiệp năm 2005 và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Sau đó thầy giáo Nguyễn Văn Anh học thạc sĩ tại Việt Nam còn cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo học thạc sĩ ở Hàn Quốc. Năm 2014, hai giảng viên quyết định sang Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Quản trị kinh doanh, hai năm sau họ đều bảo vệ luận án thành công để nhận bằng tiến sĩ và về nước tiếp tục tham gia giảng dạy. 

Vừa giảng dạy vừa thu xếp công việc của mái ấm gia đình nhỏ, Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh và Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn giữ được niềm đam mê không ngừng nỗ lực nghiên cứu khoa học. Họ hoàn thiện trình độ tiếng Anh, tích cực hướng dẫn 12 học viên làm luận văn cao học với những kết quả xuất sắc. Cùng việc bồi dưỡng chuyên môn nâng cao năng lực giảng dạy, hai giảng viên tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và có nhiều bài báo khoa học, đặc biệt là các bài báo quốc tế. Những thành tựu của cả hai đã xứng đáng và vinh dự năm 2022 đều được công nhận chức danh PGS ngành Kinh tế, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. 

Dĩ nhiên để có những “quả ngọt” ấy là chặng đường nỗ lực không ngừng nghỉ của hai giảng viên, hai nhà khoa học trẻ. Họ biết phát huy những thế mạnh nội lực để hỗ trợ nhau, tạo lập một nhóm nghiên cứu hiệu quả. Cùng với đó, như PGS Nguyễn Văn Anh chia sẻ, họ biết nắm bắt những điều kiện may mắn từ khách quan, đó là được tiếp cận nhiều bài báo quốc tế, những tài liệu và kiến thức mới về lĩnh vực kinh tế từ nước ngoài để đáp ứng được các điều kiện phong hàm phó giáo sư. Đó còn là sự ủng hộ, động viên và tạo điều kiện thuận lợi của gia đình và đồng nghiệp... Những yếu tố này là sự tiếp lửa để hun đúc hoài bão và niềm đam mê theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học ở hai giảng viên. Khi đã xác định được mục đích và định hình lộ trình, hai Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh và Nguyễn Thị Phương Thảo bỏ rất nhiều thời gian để quyết tâm vươn tới đích đến. Đồng thời với nhiều phương pháp, giải pháp khoa học, từ bố trí, sắp xếp thời gian nuôi hai con nhỏ đang ở tuổi mẫu giáo đến giảng dạy, hướng dẫn sinh viên học tập; tích cực tham gia các hội thảo khoa học, học hỏi những giáo sư quốc tế và tiếp cận ứng dụng các công cụ phân tích dữ liệu... Những bài học quý báu đó thực sự giúp hai tiến sĩ ngày càng trưởng thành trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở mỗi người.
    
VÀ TIẾP TỤC NHỮNG LỘ TRÌNH MỚI 

Kinh nghiệm quý tiếp tục bồi đắp động lực và năng lực đối với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh và Nguyễn Thị Phương Thảo. Hiện nay, cả hai PGS đảm nhận vai trò giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh và nhà trường, đồng nghiệp tín nhiệm giao những cương vị quan trọng. Nguyễn Văn Anh là Trưởng Khoa Du lịch và Nguyễn Thị Phương Thảo là Phó Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp. Chia sẻ với chúng tôi những định hướng nghiên cứu trước mắt, PGS. TS. Nguyễn Văn Anh cho biết, họ tiếp tục cố gắng theo đuổi những lộ trình mới. Đó là tập trung nghiên cứu về lĩnh vực hành vi của người tiêu dùng trong bối cảnh xã hội tiếp cận và ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin trong kỷ nguyên 4.0. Đó là lĩnh vực trách nhiệm của xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam đối với cộng đồng, xã hội. Và đó còn là vai trò quan trọng của lĩnh vực marketing dịch vụ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. 

PGS. TS Nguyễn Văn Anh cũng chia sẻ thêm đối với ngành Du lịch, điều mong đợi là hướng đến xây dựng ngành kinh tế mũi nhọn này ngày càng phát triển chất lượng và bền vững. Đã đến lúc cần định hình lại giá trị của thương hiệu du lịch, trong đó TP Đà Lạt cần đặc biệt chú trọng đến yếu tố này về mặt chiến lược và hoàn thiện được tính hệ thống. Dĩ nhiên, không chỉ là tiếng nói của nhà đào tạo, giới khoa học mà cần đến tầm vĩ mô của cả hệ thống liên quan thì mới đề ra và hành động bằng những giải pháp tối ưu nhất. Đối với lĩnh vực của mình, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Thảo cũng chia sẻ câu chuyện “khát vọng” được Chính phủ đã và đang rất quan tâm đối với dân tộc, trong đó đặc biệt là thế hệ trẻ. Trung tâm khởi nghiệp là địa chỉ tin cậy làm cầu nối giữa sinh viên, thanh niên với doanh nghiệp để từ đây nhen nhóm sự tự tin, niềm đam mê trong giới trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp tuyển trạch được đội ngũ người lao động vừa có tài, vừa có đức làm lợi cho đơn vị... 

Những thành công của PGS.TS. Nguyễn Văn Anh và PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo đã truyền cảm hứng về nhiệt huyết, đam mê trong giới khoa học nói chung đặc biệt thế hệ trẻ là giảng viên, sinh viên. Kết quả được công nhận PGS của hai giảng viên cũng là cơ sở để Trường Đại học Đà Lạt hướng đến mở ngành đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế sắp tới đây.