Thanh niên Lâm Hà làm giàu trên quê hương

02:07, 10/07/2012

Sau khi rời xa mái trường đại học, nhiều thanh niên ở Lâm Hà đã trở về khởi nghiệp làm giàu chính trên quê hương mình. Sau đây là 2 trong số những “tỉ phú khoác áo Đoàn” khởi nghiệp thành công trên quê hương Lâm Hà.

Sau khi rời xa mái trường đại học, nhiều thanh niên ở Lâm Hà đã trở về khởi nghiệp làm giàu chính trên quê hương mình. Sau đây là 2 trong số những “tỉ phú khoác áo Đoàn” khởi nghiệp thành công trên quê hương Lâm Hà.

Một cán bộ Huyện Đoàn Lâm Hà tham quan mô hình nuôi ong của đoàn viên trẻ Phạm Văn Bảo Trung
Một cán bộ Huyện Đoàn Lâm Hà tham quan mô hình nuôi ong của đoàn viên trẻ Phạm Văn Bảo Trung


Người thổi hồn cho hạt gạo và hạt cà phê

Hạt gạo và hạt cà phê từ lâu đã là những thực phẩm quen thuộc của con người chúng ta, nhưng với đoàn viên trẻ Hồ Nghĩa ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, hạt gạo và hạt cà phê đã đi vào nghệ thuật và làm nên những hội họa độc đáo, đặc sắc.
    
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Khoa Thiết kế thời trang, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai, thay vì đi xin việc ở một công ty thời trang nào đó thì Hồ Nghĩa đã trở về quê hương để lập nghiệp với việc làm tranh gạo và cà phê. Từ những hạt gạo và hạt cà phê quen thuộc, Nghĩa đã rang, sao với từng mẻ khác nhau để tạo gam màu khác nhau, sau đó xử lý bằng hóa chất để chống mối mọt và tăng độ bền của hạt để tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ. Để có một bức tranh bằng hạt gạo và cà phê, Hồ Nghĩa đã phải bỏ ra bao nhiêu công sức và làm qua nhiều công đoạn khác nhau. Để làm tranh hạt gạo và hạt cà phê phải có chất lượng tốt, hạt to, đều và tạo ra các gam màu khác nhau. Để tạo được những gam màu đậm nhạt của hạt, Hồ Nghĩa xử lý bằng cách rang hạt gạo và hạt cà phê với độ lửa to nhỏ khác nhau. Với 14 công thức rang để tạo các gam màu từ màu trắng, trắng sữa, nâu nhạt, nâu vàng, nâu tím… Công đoạn cuối cùng là dùng keo ghép những hạt đã được xử lý lên những khung gỗ đã được phác họa nội dung.

Thể loại tranh mà Nghĩa sáng tạo cũng rất phong phú, từ chân dung đến phong cảnh, cổ động, thư pháp, tranh hoạt động của con người... Nghĩa tâm sự: “Tranh chân dung làm từ chất liệu gạo và cà phê không hề đơn giản bởi tranh gạo và tranh cà phê không giống như vẽ tranh cát hay tranh thêu, chỉ khi có sự cảm nhận sâu sắc cùng sự chuyển màu tinh tế thì người nghệ sĩ mới có thể làm chủ được hình khối của hạt gạo, hạt cà phê”.

Đến nay, sau hơn hai năm phát triển loại hình tranh gạo và tranh cà phê, Hồ Nghĩa đã sáng tác được hàng trăm bức tranh với nhiều thể loại khác nhau. Những bức tranh do anh sáng tác đã được khách hàng rất mến mộ và đã có mặt ở nhiều thị trường như thành phố Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh… Với giá bán trung bình một bức tranh từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng thì tranh gạo và tranh cà phê rất phù hợp với túi tiền và thị hiếu thẩm mỹ khác nhau của người yêu tranh. Và từ những bức tranh gạo và cà phê đã mang lại cho anh thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay anh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn và mặt bằng để mở rộng phòng tranh với mong muốn đưa những bức tranh gạo, tranh cà phê đi xa hơn ở các thị trường trong và ngoài nước.

Với việc sáng tác tranh gạo và tranh cà phê, chàng thanh niên Hồ Nghĩa đã chọn được một hướng đi mới mẻ cho riêng mình. Anh không cần phải bôn ba đi tìm việc ở thành phố lớn mà trên quê hương mình anh vẫn khởi nghiệp và làm giàu thành công.

Khát vọng làm giàu từ ong

Sau một thời gian loay hoay với việc tìm hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi làm mô hình kinh tế trang trại, đoàn viên Phạm Văn Bảo Trung ở khu phố An Lạc, thị trấn Đinh Văn, đã đến với mô hình nuôi ong lấy mật.

Là một đoàn viên trẻ (sinh năm 1993) Phạm Văn Bảo Trung luôn băn khoăn trăn trở để làm sao vươn lên làm giàu chính trên mảnh đất quê hương mình. Năm 2009 có người ở địa phương khác đến thị trấn Đinh Văn nuôi ong lấy mật, với bản tính ham học hỏi Bảo Trung đã để ý đến mô hình này. Từ đó, anh đã tìm hiểu và theo học kỹ thuật nuôi ong. Sau một thời gian tìm hiểu và học được một số kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong, đầu năm 2010 Trung đã thuyết phục gia đình đầu tư vốn để làm trang trại nuôi ong. Ban đầu do thiếu vốn và cũng chưa tin là Trung có thể tự nuôi ong được nên cha mẹ Trung đã không đồng ý với quyết định táo bạo của con trai mình. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, Trung đã thuyết phục được gia đình đầu tư, cha mẹ Trung đã đi vay mượn ngân hàng và anh em, bạn bè để đầu tư 200 triệu đồng cho Trung nuôi ong.

Ban đầu, Trung đã mạnh dạn nuôi 80 thùng ong Ý vì giống ong này có sức đề kháng tốt và cho thu mật cao. Chỉ sau hơn 1 năm nuôi ong, Trung đã hoàn trả được hết số vốn đã vay và bắt đầu có lãi. Hiện tại Trung đã phát triển đàn ong của mình lên hơn 300 thùng và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 thanh niên ở địa phương. Tổng doanh thu từ sữa ong chúa và mật qua hơn một năm nuôi ong của đoàn viên Phạm Văn Bảo Trung khoảng trên 700 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí như thức ăn cho ong, thuê nhân công… Trung có lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm. Đây quả là con số rất ấn tượng đối với mô hình kinh tế của một đoàn viên trẻ.

Với việc thành công và đem lại thu nhập cao từ mô hình nuôi ong của Bảo Trung, thêm một lần nữa khẳng định, để làm giàu trên quê hương Lâm Hà là một điều không khó đối với các đoàn viên có ý chí nghị lực vươn lên, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm.

“Chúng tôi rất vui mừng vì ngày càng có nhiều thanh niên khởi nghiệp làm giàu thành công trên quê hương mình. Chúng tôi luôn quan tâm tạo điều kiện để các đoàn viên thanh niên có cơ hội vươn lên làm giàu và phát triển kinh tế tại địa phương. Từ những mô hình kinh tế đã thành công của các đoàn viên thanh niên, chúng tôi sẽ tổ chức nhân rộng cho các đoàn viên khác học tập, làm theo. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những đoàn viên thanh niên khởi nghiệp thành công và trở thành những “tỉ phú khoác áo Đoàn” trên quê hương Lâm Hà”, đó là những lời chia sẻ của chị Giáp Thị Thủy - Bí thư Huyện Đoàn Lâm Hà.

DUY DANH