Bí thư chi đoàn vùng sâu đa năng

08:03, 10/03/2016

Đến thôn Păng Bah, xã Đạ K'Nàng, huyện Đam Rông, không ai không biết đến anh Triệu Văn Lưu (1987). Chàng thanh niên trẻ người Dao này nổi tiếng với việc vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng trên chính mảnh đất nghèo khó Đam Rông. Không những thế, anh còn là một Bí thư chi đoàn năng nổ và đầy trách nhiệm.

Đến thôn Păng Bah, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, không ai không biết đến anh Triệu Văn Lưu (1987). Chàng thanh niên trẻ người Dao này nổi tiếng với việc vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng trên chính mảnh đất nghèo khó Đam Rông. Không những thế, anh còn là một Bí thư chi đoàn năng nổ và đầy trách nhiệm.
 
Anh Lưu thường xuyên nghiên cứu những giống cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao
Anh Lưu thường xuyên nghiên cứu những giống cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ngồi nghe người thanh niên 30 tuổi kể chuyện chăm sóc những vườn cà phê, ao cá, trồng gừng..., không ai nghĩ anh gây dựng mọi thứ từ con số không. Theo gia đình vào Lâm Đồng lập nghiệp từ năm 1997, lúc Đam Rông còn là vùng rừng núi hoang vu, hẻo lánh, Triệu Văn Lưu thấy rõ hoàn cảnh khó khăn của gia đình và của cả địa phương nơi mình sinh sống. Đất trồng chưa có sẵn, anh vừa đi học, vừa phụ giúp gia đình trồng lúa và khai phá rừng làm nương rẫy, đời sống kinh tế vô cùng bấp bênh và thiếu thốn. Cho đến năm 2011, khi cây cà phê bắt đầu có dấu hiệu mang lại giá trị kinh tế ổn định, gia đình anh bắt đầu chuyển qua trồng cây cà phê trên 2 hecta đất. Đây cũng là thời gian Triệu Văn Lưu vừa làm vừa tự học hỏi, đúc rút kinh nghiệm chăm sóc cây cà phê cho bản thân. Năm 2005, chàng trai 18 tuổi quyết định tách ra làm riêng với gia đình. “Lúc đó, mình chỉ nghĩ bản thân là thanh niên trẻ, phải tự mình gây dựng mọi thứ, chứ bố mẹ khổ quá rồi, không được dựa dẫm nữa.” - anh Lưu chia sẻ. Nghĩ là làm, anh tự mình trồng và chăm sóc 5 sào cà phê dựa trên kinh nghiệm có được từ những năm tháng phụ giúp gia đình. Thu hoạch, có thu nhập, anh lại dùng nguồn tiền thu được để mua thêm đất canh tác, đầu tư sản xuất. “Năm 2008, mình lập gia đình và tách ra ở riêng, đó mới chính là khoảng thời gian khó khăn thật sự vì thiếu vốn mở rộng sản xuất. Mình phải vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phân bón, giống,… May mắn là sau lứa cà phê đầu tiên, mình đã trả được 30 triệu đồng và trả hết sau 2 năm.” - anh Lưu nhớ lại. Từ 5 sào đất ít ỏi đó, đến nay, Triệu Văn Lưu đã là chủ của 3ha cà phê, mang lại thu nhập trung bình 200 triệu đồng/năm.
 
Không dừng lại ở cà phê, anh Lưu tiếp tục tham khảo các mô hình làm kinh tế hiệu quả tại các địa phương khác để học hỏi. Từ năm 2011, nhận thấy mắc ca là loại cây được nhiều nơi trồng xen với cây cà phê, mang lại giá trị kinh tế cao, Triệu Văn Lưu quyết định trồng xen loại cây này trên cả 3ha đất cà phê hiện có của mình. Sau 4 năm, diện tích cây mắc ca của anh bắt đầu cho trái, hứa hẹn được mùa. Bên cạnh đó, chàng thanh niên trẻ này còn tỏ ra là một người nhanh nhạy khi nhanh chóng nắm bắt cơ hội làm kinh tế. Nhận thấy được nhu cầu xay cà phê của bà con tại địa phương, năm 2012, anh đầu tư 70 triệu đồng mua máy móc, tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi trong 2 tháng cuối năm để xay cà phê cho bà con. Việc này không chỉ mang lại thu nhập khoảng 15 triệu đồng/mùa cho anh, mà còn giúp bà con nơi đây giảm bớt khó khăn và chi phí trong thu hoạch cà phê. Chưa hài lòng với những gì mình làm được, từ năm 2015, Triệu Văn Lưu còn bắt đầu đầu tư trồng thử nghiệm củ gừng, đào ao nuôi cá, đầu tư vốn nuôi bò. Nói về chàng thanh niên cần cù này, ông Triệu Phước Bình, một người hàng xóm cũng là đồng hương của anh Lưu tấm tắc: “Lưu còn trẻ mà giỏi giang lắm, hầu như không để thời gian chết, cứ rảnh ra là lại tìm việc để làm. Lưu giỏi vậy nên bây giờ người trong thôn rất nể, tiếng nói rất có uy tín”.
 
Bận rộn với công việc gia đình nhưng Triệu Văn Lưu vẫn là một Bí thư chi đoàn rất năng nổ. Bắt đầu tham gia công tác Đoàn từ năm 2008, đến năm 2011, anh trở thành Bí thư Chi đoàn thôn Păng Bah. Kể từ đó đến nay, người cán bộ đoàn trẻ tuổi này vẫn luôn khẳng định và thực hiện tốt vai trò của một người trẻ đối với địa phương. Anh thường xuyên truyền đạt lại những kinh nghiệm sản xuất tiến bộ cho bà con nơi đây, đồng thời vận động thanh niên địa phương tham gia tốt các phong trào Đoàn, hội. Với trách nhiệm và uy tín của mình, hiện Triệu Văn Lưu nhận quản lý 1,3 tỷ đồng vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đam Rông hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, anh còn tham gia nhận giao khoán bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn rừng Tà Đùng từ năm 2015. Anh làm việc tựa một con ong rừng chăm chỉ!
 
Với những hiệu quả kinh tế đạt được, cùng với những thành tích nổi bật trong công tác Đoàn, Triệu Văn Lưu thường xuyên được Huyện Đoàn, UBND huyện Đam Rông khen thưởng là thanh niên làm kinh tế giỏi và hoạt động Đoàn tốt. Năm 2015, anh vinh dự được Tỉnh Đoàn trao bằng khen Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Anh Ngô Văn Thành, Bí thư xã đoàn Đạ K’Nàng nhận xét: “Triệu Văn Lưu là một thanh niên tiêu biểu của xã về làm kinh tế có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, anh cũng là một cán bộ Đoàn có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào Đoàn của địa phương và tạo được uy tín bằng chính những công việc đang diễn ra hàng ngày”.
 
VIỆT QUỲNH