Bác sỹ của buôn làng

09:09, 29/09/2016

Nối tiếp ước mơ con chữ còn dang dở của mẹ, anh Điểu K'Pên (31 tuổi, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên) đã không ngại đường sá xa xôi để tìm đến con chữ. 

Nối tiếp ước mơ con chữ còn dang dở của mẹ, anh Điểu K’Pên (31 tuổi, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên) đã không ngại đường sá xa xôi để tìm đến con chữ. Ngay từ khi học lớp 4, anh đã xa gia đình để đi học nội trú. Sau một quá trình dài học tập tại Trường DTNT huyện Đạ Tẻh, DTNT tỉnh Lâm Đồng rồi đến Học viện Quân Y Hà Nội, anh đã về lại với buôn làng, đem kiến thức của mình phục vụ bà con nơi đây. Hiện, anh là Trưởng Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng, rất được bà con yêu quý và tin tưởng trong công việc chuyên môn lẫn mối quan hệ xã hội.
 
Anh Điểu K’Pên kiểm tra cơ số thuốc tại trạm phục vụ cho người dân
Anh Điểu K’Pên kiểm tra cơ số thuốc tại trạm phục vụ cho người dân

Tháng 3/2014, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y Hà Nội theo chương trình cử tuyển, anh Điểu K’Pên được nhận về làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên. Sau đó, anh được điều động về Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng. Với anh, được trở về làm việc tại nơi mình đã sinh ra và lớn lên là một hạnh phúc lớn. Bởi lẽ, nơi đây có gia đình, có cộng đồng dân tộc của anh. Hơn hết, anh được đem kiến thức chuyên môn đã học được phục vụ cho bà con ở xã đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong việc chăm sóc sức khỏe. Anh Điểu K’Pên chia sẻ: “Truyền thống cách mạng của gia đình đã hun đúc cho mình tính tự giác trong học tập ngay từ nhỏ. Thế nhưng, động lực lớn nhất buộc mình phải vượt qua nhiều khó khăn để học đến nơi đến chốn chính là mẹ. Mẹ được đi học rất ít, sau đó tham gia cách mạng và làm y tá ở trong rừng. Vì thế, mẹ cứ khuyên bảo các con phải học và riêng mình thì muốn tiếp bước nghề của mẹ. Trong gia đình, ngoài mình đã làm bác sỹ thì còn có em trai đang làm Phó Công an xã và em gái đã học xong trung cấp sư phạm và đang tập sự làm cô giáo tại xã”.
 
Với đặc thù là vùng sâu, vùng xa, đường đi lại khó khăn nên công tác chăm sóc khỏe nhân dân tại Đồng Nai Thượng cũng còn hạn chế. Trước đây, nhiều y, bác sỹ đã được tăng cường từ Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên về xã Đồng Nai Thượng. Nhiều trang thiết bị y tế hiện đại cũng đã được trang bị cho trạm để đáp ứng cơ bản nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tháng 5/2016, anh Điểu K’Pên chính thức được bổ nhiệm làm trạm trưởng. Với anh, đây vừa là niềm vui vừa là trọng trách nặng nề. Nhưng, có lẽ vui hơn hết chính là những người dân trong xã, bởi lẽ, đã lâu lắm rồi mới có một người con của quê hương trở về phục vụ trên chính mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này. Ông Điểu K’Bôi, cựu chiến binh ở xã Đồng Nai Thượng cho biết: “Người dân địa phương, nhất là những người già, đa phần là người dân tộc Mạ thường không rành tiếng Kinh. Do đó, khi có một bác sỹ là người dân bản địa, nói rành hiểu rõ tiếng đồng bào mình thì việc thăm khám, hướng dẫn sử dụng thuốc cho bà con thuận lợi hơn rất nhiều. Về lâu dài, nếu bác sỹ Điểu K’Pên gắn bó với nơi đây thì chắc chắn sẽ giúp ích cho người dân rất nhiều”. Còn theo chị Rơ Ông K’Mhô, Bí thư Đoàn xã Đồng Nai Thượng, anh Điểu K’Pên là hình mẫu để nhiều thanh niên trong xã noi theo. Từ nhỏ, anh K’Pên đã đi học xa nhà nhưng mỗi dịp hè trở về anh đều tham gia rất nhiệt tình các hoạt động Đoàn tại địa phương, nhất là các hoạt động thể thao và vận động quyên góp từ thiện. Khi về làm bác sỹ tại trạm, anh rất nhiệt tình và trách nhiệm. Khi có người già ốm nặng không thể đến trạm y tế thì anh đến tận nhà để thăm khám. Khi gặp bệnh nặng, anh tư vấn cho người dân chuyển viện ngay. Cũng là người đồng bào nên việc trao đổi dễ dàng hơn, bà con rất tin tưởng và yên tâm khi được anh khám bệnh - chị Rơ Ông K’Mhô chia sẻ. Còn với chị Đinh Thị Thu Huyền, điều dưỡng tại Trạm Y tế Đồng Nai Thượng, dù mới tiếp quản công việc nhưng Điểu K’Pên làm khá tốt. Điểu K’Pên là người đồng nghiệp luôn hòa đồng và vui vẻ với tất cả anh, chị em khác trong trạm.
 
Xã Đồng Nai Thượng hiện có 404 hộ dân với 1.845 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại 5 thôn. Xã nằm cách trung tâm huyện Cát Tiên 30 km với giao thông đi lại khó khăn, địa hình phức tạp. Vì vậy, nhất là vào mùa mưa lũ, việc vận chuyển thuốc men và chuyển viện cho bệnh nhân nặng gặp rất nhiều khó khăn với nguy cơ rủi ro cao. Anh Điểu K’Pên tâm sự: “Qua 2 năm rưỡi làm việc tại trạm, mình nhận thấy nhận thức của người dân về việc chăm sóc sức khỏe còn rất hạn chế. Vẫn còn những tập quán cũ trong sinh đẻ, vẫn còn nhiều trở ngại trong công tác vận động kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao hơn 44% và đặc biệt là tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao hơn 17%. Đây là những hạn chế mà mình và các anh chị em tại trạm đang nỗ lực khắc phục. Công việc chính vẫn là tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ hậu quả của việc tăng dân số và sinh con thứ 3. Hy vọng với sự đồng điệu về ngôn ngữ, sự đồng cảm trong tuyên truyền, vận động lẫn công tác khám chữa bệnh, người dân sẽ ngày càng nâng cao hiểu biết và ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe”.
 
HỮU SANG