40 năm tự hào truyền thống thanh niên xung phong Đà Lạt

08:03, 20/03/2017

Mỗi thời kỳ lịch sử đặt lên vai tuổi trẻ những trọng trách riêng. Những ngày này 40 năm về trước, khí thế sôi sục của công cuộc dựng xây và hàn gắn vết thương chiến tranh đã thổi vào thế hệ trẻ Đà Lạt tinh thần cống hiến, phong trào thanh niên xung phong đã làm nên một trang truyền thống đẹp của tuổi trẻ thành phố hoa.

Mỗi thời kỳ lịch sử đặt lên vai tuổi trẻ những trọng trách riêng. Những ngày này 40 năm về trước, khí thế sôi sục của công cuộc dựng xây và hàn gắn vết thương chiến tranh đã thổi vào thế hệ trẻ Đà Lạt tinh thần cống hiến, phong trào thanh niên xung phong đã làm nên một trang truyền thống đẹp của tuổi trẻ thành phố hoa. 
 
Tuổi trẻ Đà Lạt. Ảnh: Q.U
Tuổi trẻ Đà Lạt. Ảnh: Q.U
40 năm đã trôi qua, không ai có thể quên hình ảnh hàng vạn thanh niên Đà Lạt rời thành phố sương mù lên đường tiến về những nông trường, những vùng đất mới, hoang vu chưa có dấu chân người; họ mang trên tay những dụng cụ lao động thô sơ như cuốc, xẻng, rựa, xà beng cùng bầu máu nóng và trái tim nhiệt huyết. Với tinh thần “Thế hệ trước đã không tiếc máu xương, thế hệ đi sau sao dám tiếc mồ hôi”, thanh niên xung phong Đà Lạt vượt qua nhiều gian khó tuyên chiến với núi cao rừng rậm, khai hoang mở đất, làm thủy lợi, đào mương đắp đập, xây dựng kinh tế mới, tuyên chiến với đói nghèo.
 
Hàng trăm tiểu đội TNXP được thành lập, đa số thanh niên xung phong lúc bấy giờ là những học sinh mới tốt nghiệp, những sinh viên đang học dang dở đại học, là thanh niên lao động thành thị, là binh lính sĩ quan chế độ cũ, là con em gia đình cách mạng, tu sĩ các dòng tu ở Đà Lạt, hầu hết chưa từng chịu thiếu thốn gian khổ, nhưng họ háo hức lên đường đón nhận cuộc sống TNXP một cách đầy tự hào. Rất nhiều gia đình có đến 2 người con, thậm chí 3 - 4 người con cùng tham gia vào lực lượng TNXP, có những thanh niên mới 16 - 17 tuổi cũng hăng hái xin vào. Những cái tên địa danh: Núi Chai, Hà Giang, Quảng Hiệp, Thiện Chí, Tà Nung, hồ Chiến Thắng, Tu Tra (Đơn Dương), Đạ Đờn, Phước Lộc (Bảo Lộc khi ấy), Gia Hiệp (Di Linh), Đạ Tẻh và các đơn vị thanh niên tình nguyện trên công trình thủy lợi Đất Làng, hồ Xuân Hương, Tà Nung... trên miền đất “đồng rừng”, ở đâu có gian khó, ở đó có những người con của thành phố hoa, sức trẻ rời non lấp bể. 
 
Những chàng trai cô gái tuổi chớm đôi mươi, chưa hề biết lao động, vậy mà khi xuống bìa rừng đã chặt cây dựng lán, khai hoang, dựng nhà để đón đồng bào từ khắp nơi đến lập nghiệp. Nhiệm vụ khai hoang, sản xuất của TNXP được đặt lên hàng đầu, sản xuất lúa gạo, khoai sắn, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các vùng kinh tế mới, khai hoang mở rộng diện tích, làm thủy lợi, làm cầu đường, làm nhà cửa. Các đơn vị TNXP đã cấy trồng chăm sóc gần 300 ha lúa và hoa màu, đào đắp hàng trăm ngàn mét khối đất làm thủy lợi, khai hoang hàng trăm ha đất, đắp hàng trăm km cầu đường, làm nền nhà, khai thác tranh tre, mây để làm hàng ngàn nhà ở cho dân. Ông Trần Văn Hòa (cựu TNXP, hiện cư trú tại Phường 7 - Đà Lạt) bồi hồi nhớ: “Rừng thiêng nước độc, bom mìn còn sót lại, những cơn sốt rét rừng dai dẳng, fulro luôn rình rập... thiếu thốn, nhưng chúng tôi luôn lạc quan, đoàn kết, thương yêu nhau, chia ngọt sẻ bùi”.
 
Ngày vác cuốc xẻng, xà beng lao động sản xuất; đêm đến, tay ôm súng tuần tra, canh gác bảo vệ địa bàn nơi đóng quân, tham gia vào các đợt truy quét fulro cùng bộ đội, phối hợp làm công tác dân vận, tách fulro ra khỏi vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dấu chân thanh niên xung phong Đà Lạt đi qua, mồ hôi của họ đổ xuống ngày nay đã thành những đồi chè xanh mát, những vườn cây ăn trái ở Lộc Phước (Đạ Huoai) dưới chân đèo Bảo Lộc, là cánh đồng mênh mông ở vùng III - hình thành nên xã An Nhơn vựa lúa của huyện Đạ Tẻh, cánh đồng lúa K’Long, Định An (Hiệp An - Đức Trọng), những con mương và những đập thủy lợi lớn nhỏ (Đạ Đờn, hồ Tuyền Lâm...) dẫn nước về tưới cho hàng trăm ha làm cho đất đai màu mỡ, cây đơm hoa kết trái và hầu hết tất cả những vùng kinh tế mới trong tỉnh... 
 
Những cái tên đồng đội như Khiếu Văn Chí, Nguyễn Văn Toàn, Tôn Thất Tú, Hoàng Anh Tài (gia đình có 4 anh chị em đều tham gia TNXP), Đặng Văn Cường, Mai Thế Hùng, Thái Ngô Bính, Đỗ Phú Quới, Nguyễn Thị Bạch Yến (3 chị em cùng tham gia TNXP), Nguyễn Văn Ninh, Lê Thị Nga, Võ Thanh Tùng, Nguyễn Thiết, Lê Phan Thanh, Phạm Ngọc Trân... không thể kể hết được những “thủ lĩnh” của đại đội, liên đội, trung đội luôn gương mẫu hăng hái đi đầu, miệng nói tay làm. Để làm nên những thành quả, bao giờ cũng có sự hy sinh mất mát, 4 thanh niên xung phong đã hy sinh, 5 người bị thương trở thành thương binh trong các đợt truy quét fulro, 8 thanh niên đã tử nạn tại đơn vị do không qua nổi những cơn sốt rét rừng ác tính. Cũng trong lao động sản xuất và chiến đấu, tình yêu sẽ nảy nở, 40 cặp đã thành vợ thành chồng, cùng gắn bó với nhau. 
 
Thanh niên xung phong là một trường học lớn cho tuổi trẻ, trong gian nan thử thách đã nảy sinh những sáng kiến. Tự hào hơn, mô hình TNXP là một sáng tạo của Thành Đoàn Đà Lạt lúc bấy giờ, là một trong những lực lượng TNXP đầu tiên của các tỉnh, thành phố miền Nam được thành lập sau ngày đất nước thống nhất.
 
Khi Tỉnh Đoàn Lâm Đồng thành lập lực lượng thanh niên xung phong của tỉnh thì lực lượng TNXP TP Đà Lạt trở thành nòng cốt, trong đó rất nhiều cán bộ có kinh nghiệm trưởng thành từ phong trào đã trở thành chỉ huy của các tổng đội, liên đội TNXP hoạt động trên các vùng đất mới như Tà Hine, Tà Nung, Đạ Đờn, Lộc Phước, Tu Tra, K’Long, Tân Rai, các nông trường chè ở Bảo Lộc, Bảo Lâm. 
 
Giai đoạn đẹp nhất của đời người là thời tuổi trẻ, thời gian đẹp nhất của họ là thời thanh niên xung phong, họ đã làm cuộc đời mình có ý nghĩa khi cống hiến sức trẻ cho quê hương. 40 năm trôi qua, trong ngày gặp mặt những mái đầu xanh giờ đã bạc, những ánh mắt rưng rưng cùng xúc động nhớ thời trai trẻ. Những gì mà thanh niên xung phong Đà Lạt cống hiến đã làm nên trang truyền thống đẹp đẽ tự hào để thế hệ trẻ Đà Lạt hôm nay tiếp bước, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì xây dựng thành phố Đà Lạt giàu đẹp, thanh bình.
 
QUỲNH UYỂN