Giấc mơ gieo chữ nơi Cổng Trời

08:09, 14/09/2017

Việc chuyển tải con chữ, xóa dần khoảng cách về văn hóa và giao tiếp cho trẻ em ở thôn Cổng Trời (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) là cả một vấn đề. Chính những thầy cô giáo trẻ với bầu nhiệt huyết của mình đã và đang từng bước thêu dệt những giấc mơ cho tương lai của các em. 
 

Việc chuyển tải con chữ, xóa dần khoảng cách về văn hóa và giao tiếp cho trẻ em ở thôn Cổng Trời (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) là cả một vấn đề. Chính những thầy cô giáo trẻ với bầu nhiệt huyết của mình đã và đang từng bước thêu dệt những giấc mơ cho tương lai của các em. 
 
Thầy giáo Hiển hướng dẫn thêm các phép toán cho học sinh lúc ngoài giờ. Ảnh: Đ.T
Thầy giáo Hiển hướng dẫn thêm các phép toán cho học sinh lúc ngoài giờ. Ảnh: Đ.T

Chúng tôi có dịp vào thôn Cổng Trời khi tiếng ve gọi hè đã ngớt, một mùa tựu trường mới, tiếng ê a con chữ và những phép toán lại vang lên trong lớp học. Phân hiệu thôn Cổng Trời thuộc Trường Tiểu học Hang Hớt năm nay có 5 lớp học với 72 học sinh. 5 giáo viên chủ nhiệm, 4 giáo viên chuyên trách vừa đảm nhiệm công việc dạy học vừa như những người bạn tâm tình của các em học sinh. Họ say sưa nói về các em học sinh, nói về việc dạy và học nhưng lại rất ngại nói về bản thân mình. Trong số những thầy cô giáo ở đây, thầy Hiển là người được chú ý nhiều nhất, bởi lẽ, ngoài sức trẻ, thầy còn là người rất nhiệt tình và năng nổ. Trong mắt của Già làng M Bon Ha Jum (đã ngoài 80 tuổi), thầy Hiển không chỉ gieo con chữ mà còn gieo vào lòng con trẻ sự ham học, ham tập luyện thể dục thể thao. Già bảo: Ngoài giờ lên lớp, Hiển còn cho các em chơi bóng để rèn sức khỏe. Nhưng cái quan trọng nhất là vui chơi để được gần gũi, để hiểu các cháu hơn mà dạy học cho tốt. 
 
Hàng ngày, già M Bon Ha Jum vẫn thường xuyên lui tới trường để thăm các thầy cô giáo và nhắc các cháu học. Trong trí nhớ của già, giấc mơ con chữ dường như là điều xa vời với bà con nơi đây. “Những người lớn tuổi như già và cả bố mẹ của tụi nhỏ đã bao giờ được đến trường, được học con chữ đâu. Thế mà hôm nay, cháu chắt của già, con cháu của thôn Cổng Trời này ngồi ngay ngắn trên ghế, miệng đọc ê, a với vở sạch, chữ đẹp, phấn trắng và bảng đen. Hạnh phúc đến thế là cùng. Tiền thì mùa cà phê, khoai sắn ta có thể kiếm được nhưng con chữ thì khó lắm, phải nhờ đến các thầy giáo, cô giáo thôi”.
 
Trở lại với thầy Hiển, thầy cũng “thạo làm hơn thạo nói” như các thầy cô giáo ở đây. Sinh năm 1991, sau khi tốt nghiệp một trường sư phạm tại Hà Nội, Hoàng Xuân Hiển trở về vùng đất quê hương Lâm Hà để viết tiếp ước mơ đứng trên bục giảng của mình. Khi mới về vào năm ngoái, Hiển dạy tại điểm trường chính, đến năm học này, Hiển được cấp ủy, lãnh đạo trường phân công vào giảng dạy tại phân hiệu thôn Cổng Trời với hy vọng sức trẻ sẽ xung kích trên mọi công tác, nhất là việc vận động, đưa các em đến trường. Ngay buổi đầu tiên vào trường, thử thách đầu tiên của thầy không phải là việc dạy học nơi khó khăn mà là phải làm sao để đưa các em đến trường, các em chịu học. Em Ha Dân là một học sinh quá tuổi so với các bạn cùng trang lứa ở lớp 4 mà em đang theo học. Em bỏ học, thầy Hiển đến nhà thì em thẳng thừng bảo “thầy giáo về đi, em không đi học đâu”. Nói chuyện với em, thầy mới hiểu ra rằng em tự ti về thân hình to lớn hơn các bạn cùng trang lứa nên ngại đến trường, vì sợ các bạn trêu chọc. Thầy Hiển nhớ như in lời nói của Ha Dân: “Thầy về đi, em còn phải lên nương rẫy giúp cha mẹ, em lớn rồi, em không đi học”. Nghe thế, thầy Hiển bảo: “Đi học không phân biệt tuổi tác hay thân hình đâu em, ai cũng phải học cả, đến ngay cả thầy lớn như thế này mà cũng phải đi học, để có kiến thức dạy các em chứ. Ngay trong thôn mình, cha mẹ của các em ngày thì lên nương tối đến lại tập trung với nhau để học chữ đó, người ta gọi là xóa mù chữ. Em cứ nghĩ đi, bây giờ em có thể học, vài năm nữa em lớn rồi thì phải lo công việc, lo vợ con, muốn học cũng khó lắm em à”. Nghe xong lời giải thích của thầy Hiển, Ha Dân chạy đi bỏ lại tiếng gọi của thầy, hướng về những cánh rừng. Thầy Hiển chờ mãi cho đến chiều tối nhưng Ha Dân vẫn không về. Có lẽ vì thấu hiểu tình cảm của thầy giáo trẻ, Ha Dân nhờ một bạn gái trong thôn đến bảo với thầy Hiển rằng thầy hãy về đi, trời sắp tối rồi, mai Ha Dân sẽ đến trường. 
 
Đảm đương cương vị là giáo viên chủ nhiệm lớp 4C của phân hiệu, thầy giáo Hiển luôn dồn sức lực, mang tất cả kiến thức và kinh nghiệm sư phạm được đào tạo của mình để truyền dạy đến các em. Thầy tâm sự rằng đa phần gia đình các em đều nghèo, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chính vì vậy ngoài sự học ra giáo viên cần tìm hiểu hoàn cảnh từng em một để có thể giúp đỡ một cách hiệu quả nhất. Ví dụ như thấy các em không đến trường, đến lớp thì nhất thiết có hai nguyên nhân, một là theo cha mẹ lên nương rẫy, hai là các em bị đau ốm. Khi đó, mình sẽ nói chuyện cùng cha mẹ các em, hay nhờ sự can thiệp của già làng, người có uy tín trong thôn. Không chỉ làm thầy giáo, mình phải kiêm luôn nhiệm vụ của thầy thuốc để chăm lo sức khỏe cho các em, nếu nhẹ thì mình đến nhà thuốc mua thuốc, nặng hơn thì nhất thiết phải đưa đến trạm xá, bệnh viện. 
 
Ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Mê Linh, cho biết: “Toàn xã có 10 thôn thì có 4 thôn là đồng bào dân tộc thiểu số với 341 hộ dân, chiếm 1/3 dân số. Thời gian qua, điều kiện sống, cơ sở vật chất của thôn Cổng Trời, nơi có 100% đồng bào dân tộc thiểu số, được cải thiện một cách rõ rệt. Trong đó, vấn đề giáo dục được quan tâm một cách sát sao. Thành công bước đầu hôm nay nhờ một phần không nhỏ của đội ngũ giáo viên ở phân hiệu này, trong đó sức trẻ, tính xung kích như thầy giáo Hiển rất được chính quyền địa phương ghi nhận”.
 
ÐỨC TÚ