Ka Hương và hành trình lưu giữ văn hóa Châu Mạ

06:10, 31/10/2019

Niềm đam mê văn hóa dân tộc từ nhỏ đã thôi thúc Ka Hương có nhiều sáng kiến lưu giữ các giá trị, tập tục truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một của người Mạ. 

Niềm đam mê văn hóa dân tộc từ nhỏ đã thôi thúc Ka Hương có nhiều sáng kiến lưu giữ các giá trị, tập tục truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một của người Mạ. 
 
Ka Hương thường xuyên dẫn du khách tới căn nhà dài duy nhất tại xã để giới thiệu về văn hóa truyền thống của người Mạ nơi đây. Ảnh: C.Phong
Ka Hương thường xuyên dẫn du khách tới căn nhà dài duy nhất tại xã để giới thiệu về văn hóa truyền thống của người Mạ nơi đây. Ảnh: C.Phong
 
Lộc Bắc một ngày đầu tháng 8 tiết trời trong xanh, một cô gái nhỏ nhắn người Mạ nở nụ cười tươi, đứng dưới tán cây xoài cổ thụ, bao quanh có hơn chục người xúm lại lắng nghe. Đó là những du khách tới từ TP Hồ Chí Minh trong một lần ghé thăm căn nhà dài cuối cùng còn sót lại của bà Ka Dít ở buôn Bơ Đăng (Thôn 2, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm). Điều lạ là thay vì một già làng hay chủ nhà giải đáp những câu hỏi từ những vị khách lạ thì lần này một cô gái còn khá trẻ đứng ra làm công việc hướng dẫn viên. 
 
Năm nay 29 tuổi, am hiểu rõ về các loại dụng cụ cổ cũng như tập tục của người Mạ và quan trọng có kỹ năng mềm để mọi người chú ý tới câu chuyện mình muốn chuyển tải là điều chúng tôi ấn tượng khi lần đầu tiếp xúc với Ka Hương - cô gái sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Lộc Bắc, nơi dân tộc bản địa người Mạ chiếm tới 72,5%. 
 
Ông K’Tư, Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc cho hay, không riêng gì đoàn khách từ TP Hồ Chí Minh mới tới căn nhà dài buôn Bơ Đăng mà gần như tất cả các đoàn khách trong và ngoài tỉnh ghé thăm, ông đều cử Ka Hương - hiện là viên chức, phụ trách lĩnh vực văn hóa thông tin của xã đi theo hỗ trợ, hướng dẫn. “Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt năm 2013 với kết quả học tập xuất sắc, Hương có cơ hội về Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bảo Lâm làm việc nhưng vẫn chọn ở lại xã là điều rất đáng quý. Hương là người lớn lên tại địa phương, được đào tạo bài bản, đặc biệt có nhiệt huyết, tình yêu với văn hóa truyền thống” - ông K’Tư cho biết thêm.
 
Cô đã có một số sáng kiến hữu ích, được lãnh đạo xã tin tưởng, giao phó công việc trong thời gian qua. Đặc biệt, trong Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Lâm Đồng lần thứ III trong tháng 9 vừa qua, Ka Hương được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc của Đảng năm 2019.
 
Dẫn chứng thực tế, ông K’Tư cho rằng hiện mỗi năm có hàng ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế trên cung đường du lịch Lâm Đồng, đi qua Đắk Nông đều ghé vào xã Lộc Bắc tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống người bản địa. Tiềm năng phát triển du lịch mở ra như vậy nhưng thực tế một số tập tục độc đáo, gắn với đời sống người Mạ có nguy cơ biến mất giữa đời sống người dân hiện đề cao tính thực dụng, sự tiện lợi. Nhiều thanh thiếu niên tại xã thường chạy theo lối sống hiện đại nên việc truyền lại những giá trị xưa đối với họ không phù hợp và gặp nhiều khó khăn. Đến nay trên địa bàn xã vẫn chưa có địa điểm lưu, cất giữ hiện vật, trưng bày hiện vật. Trong khi các nghề thủ công trong mỗi gia đình chủ yếu như nghề đan lát về các đồ dùng sinh hoạt như mây tre, các sản phẩm dệt để phục vụ cho may y phục truyền thống dần bị mai một.
 
“Tôi ví dụ như cả xã chỉ còn một căn nhà dài đúng nghĩa của người Mạ tại Thôn 2 nhưng đang xuống cấp từng ngày, hay như Lễ Mừng lúa mới thì chỉ còn một người dân còn trồng lúa đồi nên đang mai một thấy rõ. Thấy được thực trạng đó, năm 2018, Ka Hương đã bỏ nhiều công sức xây dựng lên đề án bảo tồn gắn với phát triển du lịch tại Lộc Bắc và được Phòng Văn hóa Thông tin huyện cũng như chúng tôi đánh giá rất cao” - vị Chủ tịch xã Lộc Bắc cho biết.
 
Nói về Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mạ, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn xã Lộc Bắc”, Ka Hương chia sẻ với chúng tôi đó là tâm huyết của cô suốt nhiều năm qua. Trong đề án dài gần 20 trang giấy, cô đề ra các mục tiêu căn cứ thực tế cô ghi chép tỉ mỉ về mặt con số trong quá trình thu thập dữ liệu.
 
Ở mục tiêu cụ thể, Đề án đặt ra việc bảo tồn và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng đến năm 2020. Sau đó, các năm sau sẽ tiến hành phục dựng nhà dài truyền thống của người Mạ để bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Trong đó, trọng tâm là việc liên kết với tổ chức, cá nhân, các đơn vị lữ hành tổ chức các tour du lịch homestay kết hợp với du lịch sinh thái, làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp... 
 
Ấp ủ phát triển du lịch hiện đại phải dựa trên việc bảo tồn những giá trị truyền thống ngay chính quê hương mình, Ka Hương trải lòng: “Kinh phí đầu tư triển khai là điểm nghẽn lớn nhất nhưng mình đã dự tính được chuyện này và sẽ tiếp tục triển khai hướng đi trên bằng cách đi tìm kiếm nguồn kinh phí xã hội hóa trong thời gian tới. Trước mắt, chính quyền xã sẽ tiếp tục duy trì đội cồng chiêng cho thanh niên sinh hoạt đều đặn trong tuần ở cả 4 thôn, khi mọi việc đi vào nề nếp mình sẽ nhân rộng mô hình các đội văn nghệ dân gian truyền thống khác”.
 
C.PHONG