"Nối dài" tiếng chiêng

05:10, 24/10/2019

Có thời gian rảnh rỗi là những người trẻ ở xã Đạ Long (huyện Đam Rông) lại cùng nhau đi học đánh cồng chiêng. Đây là cách để giữ gìn, "nối dài" thêm tiếng chiêng của đồng bào người K'Ho... đang dần mai một.

Có thời gian rảnh rỗi là những người trẻ ở xã Đạ Long (huyện Đam Rông) lại cùng nhau đi học đánh cồng chiêng. Đây là cách để giữ gìn, “nối dài” thêm tiếng chiêng của đồng bào người K’Ho... đang dần mai một.
 
Các bạn trẻ của xã Đạ Long tham gia lớp cồng chiêng. Ảnh: H.Yên
Các bạn trẻ của xã Đạ Long tham gia lớp cồng chiêng. Ảnh: H.Yên
 
Thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đam Rông đã phối hợp với UBND xã Đạ Long tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng cho các thanh niên đồng bào K’Ho trên địa bàn. Lớp học thu hút 40 bạn trẻ nam, nữ địa phương tham gia học đánh và trình diễn cồng chiêng. Vào buổi tối các ngày trong tuần, Hội trường Nhà văn hóa xã Đạ Long lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Những ngày đầu, tiếng chiêng còn ngắt quãng, vụng về nhưng các bạn trẻ đều chăm chú theo dõi từng động tác của nghệ nhân. Để giúp các bạn trẻ phân biệt và nắm vững âm điệu của từng cái chiêng, nghệ nhân Liêng Hót Ha Khen đã dùng phấn đánh từng con số để tạo hình cho bộ chiêng. Theo nghệ nhân Ha Khen, cái quan trọng của đánh cồng chiêng chính là khả năng hòa âm và tùy thuộc vị trí từng người. “Dạy cồng chiêng khó lắm. Những buổi học đầu tiên, lớp chỉ có khoảng 10 em tham gia. Để có được lớp học đông đúc như hiện tại, chúng tôi cùng với lãnh đạo thôn phải đến từng nhà vận động các em đến lớp. Bây giờ thì không cần nhắc nhở nữa, mà các em tự dắt nhau đến học. Lớp học mới diễn ra một thời gian ngắn, nhưng nhiều em đã bắt đầu mê cồng chiêng của đồng bào mình và cùng nhau say sưa tập luyện” - nghệ nhân Ha Khen cho biết. 
 
Hiện tại, Đội cồng chiêng xã Đạ Long đang quy tụ thành viên có độ tuổi rất trẻ từ 10 - 17 tuổi. Con trai thì học đánh cồng chiêng, con gái cùng nhau tập múa xoan. Tại lớp học, nghệ nhân tỉ mỉ, kiên trì chỉ đừng động tác cho các em mới lần đầu tập. Các nghệ nhân còn dành thời gian nghe các bài chiêng của học viên để có cách điều chỉnh cho các em. Em Cil Ka Vân (17 tuổi, xã Đạ Long) chia sẻ: “Em rất yêu thích tiếng cồng chiêng và điệu múa xoan của dân tộc mình, nhưng trước giờ không biết học ở đâu nên khi có lớp là em đăng ký học ngay. Khi tham gia đội cồng chiêng, em và các bạn cùng hòa nhịp vừa đánh chiêng, vừa múa xoang. Em và các bạn sẽ cố gắng luyện tập để có thể “nối dài” tiếng chiêng truyền thống của dân tộc mình”. Còn đối với em Long Dinh Ha Khiêm thì khi học, lúc nào em cũng phải lắng nghe, vì chỉ mất tập trung một chút thôi là không thể hòa nhịp theo cả giàn cồng chiêng. Em nói: Em thích nhạc trẻ, còn cồng chiêng thì từ nhỏ đến giờ mới chỉ được nghe các nghệ nhân đánh vào dịp lễ hội. Ban đầu, thấy các bạn đăng ký học, em cũng học theo cho có phong trào thôi nhưng càng học, em càng mê và mong muốn sẽ trở thành một nghệ nhân cồng chiêng. 
 
Ông Trương Văn Sáng, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long phấn khởi: “Từ nhu cầu của bà con, địa phương đã đề xuất với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho con em. Thông qua lớp học, lớp trẻ đã nhận thức được giá trị của văn hóa dân tộc mình. Từ chỗ không biết cầm chiêng, gõ chiêng nhưng qua lớp học các em đã đánh thành thạo một số bài chiêng truyền thống. Những lớp học như thế này không những giúp thế hệ trẻ của xã ý thức về trách nhiệm của cá nhân trong việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, nhằm gìn giữ và phát triển văn hóa cồng chiêng trong tương lai, giúp các em sau này có thể phát triển du lịch văn hóa đem lại thu nhập cho bản thân và gia đình”.
 
Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được cộng đồng quốc tế biết đến. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cồng chiêng. Điều đó, cần có sự chung tay đón nhận, học tập của lớp trẻ. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đam Rông khẳng định: Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của bà con đồng bào dân tộc thiểu số rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Đối với các bạn trẻ, phải thường xuyên tập luyện, trau dồi kỹ năng, kiến thức về cồng chiêng. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn trong việc nhân rộng truyền dạy cồng chiêng cho các lớp trẻ.
 
Lớp truyền dạy cồng chiêng xã Đạ Long năm 2019 là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc trên địa bàn huyện Đam Rông đến năm 2020”. Lớp học góp phần kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người K’Ho.
 
HOÀNG YÊN