Chàng trai lưu giữ một thời xưa cũ

06:12, 12/12/2019

Tốt nghiệp kỹ sư thiết kế nội thất, anh Phạm Hoàng Luân đang chọn cho mình con đường lập nghiệp gắn với những món đồ xưa cũ của ông bà mình để lại...

Tốt nghiệp kỹ sư thiết kế nội thất, anh Phạm Hoàng Luân đang chọn cho mình con đường lập nghiệp gắn với những món đồ xưa cũ của ông bà mình để lại. Đến với quán cà phê của anh, mọi người đều có cảm giác được quay về thời xưa cũ của ông cha, từ những năm 50 của thế kỷ trước. 
 
Anh Luân với những đồ vật mà cha ông đã từng sử dụng trong căn nhà gỗ xưa cũ. Ảnh: Đ.T
Anh Luân với những đồ vật mà cha ông đã từng sử dụng trong căn nhà gỗ xưa cũ. Ảnh: Đ.T
 
Sau bao tháng năm học tập và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, anh Luân quyết định quay về Đà Lạt, nơi mình sinh ra và lớn lên để sống và lập nghiệp. Bắt đầu từ chính ngôi nhà gỗ từ những năm 50 của thế kỷ XX do ông bà nội để lại còn nguyên vẹn, anh Luân thấy được ở đó có những món đồ cổ quý giá như đèn dầu, máy may, bát đĩa, bàn ghế, tủ kệ, tranh ảnh, đồ trang trí… cần được bảo tồn.
 
Được sự ủng hộ của gia đình, anh Luân nảy ra ý tưởng mở một quán cà phê nhỏ ngay chính căn nhà gỗ xưa cũ của ông bà. Từ đó, anh Luân đã gom hết những vật dụng trong căn nhà trưng bày tại các góc nhỏ trong quán cà phê. Không chỉ lưu giữ, trưng bày những vật dụng xưa cũ gắn với hoài niệm, không gian quán cà phê của anh Luân còn có cả một khu vườn với đầy đủ các giống hoa đặc trưng của xứ lạnh. Trên 1.000 chậu hồng môn, hàng nghìn chậu hoa phong lan, giống cây hoa thược dược đủ màu sắc mà Luân đã đưa về từ các địa phương của Lâm Đồng để làm đa dạng cho khu vườn của mình. Đặc biệt, quán cà phê của anh Luân cũng không hề được trang bị internet. Nói về cách thiết kế quán cà phê của mình, anh Luân cho biết: “Cuộc sống xô bồ hiện nay, đang khiến cho con người ta muốn quay về những điều giản dị, mộc mạc của ngày xưa. Vì thế, tôi muốn mọi người khi đến quán cà phê của mình sẽ cảm nhận và nhớ về một thời xưa cũ. Từ đó, giúp mọi người thả lỏng tâm hồn và quên đi những mệt mỏi, áp lực trong công việc, cuộc sống. Đây cũng là lý do tôi đặt tên quán cà phê của mình là Home (Nhà Xưa)”.
 
Quán cà phê của anh Luân nằm trên đường Cô Giang, Phường 9, TP Đà Lạt. Chính không gian cổ kính cùng với những “cổ vật” của gia đình được anh Luân trưng bày khắp quán đã và đang mang lại cảm giác bình yên đến lại cho mọi người đến thưởng thức cà phê tại quán của anh. Theo anh Luân, hầu hết những vị khách lần đầu đến với Nhà Xưa của anh đều thể hiện sự tò mò về những đồ vật anh trưng bày tại quán. Nhiều người còn nhầm tưởng, anh là một người chuyên chơi và kinh doanh đồ cổ thứ thiệt. Thậm chí, không ít người còn hỏi giá để mua những món đồ anh trưng bày tại quán cà phê. 
 
Luân tâm sự: “Ban đầu, nhiều vị khách lạ đến thường hỏi tôi, tại sao lại chọn cách khởi nghiệp từ câu chuyện cũ như vậy? Mình trả lời với họ là do mình yêu Đà Lạt và bằng khát khao muốn lưu lại một chút gì đó cho mảnh đất này. Đơn giản chỉ vậy thôi. Vì bây giờ là thời đại của bê tông, cốt thép nên mình muốn lưu lại căn nhà gỗ để người phương xa đến biết rằng Đà Lạt những năm tháng về trước là như thế nào, cuộc sống của họ như thế nào, sinh hoạt gia đình như thế nào hay không gian tiếp khách của người Đà Lạt khác như thế nào so với các vùng miền khác”. 
 
Miệt ý tưởng của mình, quán Nhà Xưa của anh Luân đã và đang mang lại cho nhiều người những phút giây được sống trong không gian hoài niệm đầy bình yên, thi vị. Chị Nguyễn Thị Thu Trang, một vị khách đến từ vùng biển Nha Trang cảm nhận: “Đến Đà Lạt tôi được tiếp xúc nhiều với không gian văn hóa và con người Đà Lạt. Đặc biệt, khi đến quán cà phê Nhà Xưa của anh Luân, tôi lại hiểu thêm về phong cách sống, về nét đẹp văn hóa, nhà ở, vườn tược của người Đà Lạt đã được các bạn trẻ bảo lưu và tái hiện. Không gian, vật dụng xưa cũ của quán không hề cũ kỹ mà tạo cho mọi người sự bình yên, thoải mái”.
 
Dẫu biết rằng công việc kinh doanh là nhằm thu lại lợi nhuận nhưng kinh doanh trên nền tảng bảo lưu nét văn hóa độc đáo của Đà Lạt một thời xa xưa là một điều hết sức trân trọng ở những người trẻ tuổi như anh Luân. Việc bảo lưu văn hóa xưa cũ đang giúp anh Luân kiếm tiền, làm ăn sinh lãi để giữ lại những nét xưa cũ của ông cha.
 
ĐỨC TÚ