Lá cờ đầu trong phong trào hiến máu tình nguyện

06:03, 16/03/2020

"Lâm Hà luôn là địa phương dẫn đầu về cả số lượng đơn vị máu lẫn các nội dung trong phong trào hiến máu tình nguyện...

“Lâm Hà luôn là địa phương dẫn đầu về cả số lượng đơn vị máu lẫn các nội dung trong phong trào hiến máu tình nguyện. Ở đây dường như hiến máu trở thành thói quen của người dân cũng như cán bộ, công chức”, ông Đỗ Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh khẳng định.
 
Hiến máu nhân đạo cứu người đã thực sự trở thành phong trào được người dân Lâm Hà hưởng ứng mạnh mẽ
Hiến máu nhân đạo cứu người đã thực sự trở thành phong trào được người dân Lâm Hà hưởng ứng mạnh mẽ
 
Luôn vượt chỉ tiêu đề ra
 
Năm 2019, Lâm Hà đã tổ chức vận động 4 đợt hiến máu tình nguyện, thu được 2.341 đơn vị máu trị giá hơn 327 triệu đồng, vượt kế hoạch được giao là 176%. Đặc biệt là đợt hiến máu vào tháng 5/2019 tại Nhà văn hóa xã Tân Hà, chiến dịch giọt máu hồng hè tại cụm Tân Hà đã cung cấp 907 đơn vị máu cho Viện Huyết học truyền máu trung ương. 
 
Bà Bùi Thị Kim Nghiên - Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Lâm Hà cho biết, nhiều năm liền địa phương luôn triển khai và vận động được đông đảo người dân tham gia, số đơn vị máu thu được của năm sau luôn cao hơn năm trước, đạt và vượt xa kế hoạch được giao. Các xã, thị trấn điển hình với số lượng đơn vị máu thu được luôn cao có thể kể đến như Hoài Đức, Liên Hà, Tân Hà, thị trấn Đinh Văn… 
 
Để có được kết quả như ngày hôm nay, theo bà Nghiên đó là công sức đóng góp của thành viên ban chỉ đạo hiến máu các cấp. “Trước đây chúng tôi phải đi vận động từng nhà hoặc thông báo bằng tin nhắn điện thoại. Với thông tin được khai từ người hiến máu, trước mỗi đợt hiến máu khoảng vài ngày là chúng tôi chủ động soạn 1 tin nhắn thông báo kèm theo lời mời các cá nhân đến tham gia. Làm như thế liên tục nhiều năm liền. Bây giờ khi mạng xã hội phát triển thì mình mở rộng kết nối đến các địa phương. Song song với đó là gửi đến từng nhà thư mời đi hiến máu, thể hiện sự trân trọng những tấm lòng đã đóng góp cho một hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng”, bà Nghiên cho hay. 
 
Trong suốt quãng thời gian công tác của mình, bà Nghiên nhớ mãi những gương mặt, những câu nói của người dân: “Lần sau có hiến máu lại thông báo cho tôi nữa nhé!”. Những người đã hiến một lần rồi thì phần lớn sẽ tiếp tục hiến thêm lần 2, lần 3. Bà Nghiên nhận thấy rằng bên cạnh việc cán bộ đã làm tốt và chu đáo công tác hiến máu thì quan trọng hơn cả là người dân địa phương đã nâng cao được nhận thức về hiến máu nhân đạo, cứu người. Ở Lâm Hà cũng chia ra từng khu vực và xác định rõ từng nhóm đối tượng để tiến hành vận động hiến máu. Ví dụ như ở khu vực 2 thị trấn Nam Ban và Đinh Văn, số đông là cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị, còn tại cụm Tân Hà thì chủ yếu là người dân. Với mỗi nhóm có cách thức tuyên truyền khác nhau.
 
Các thành viên Ban chỉ đạo hiến máu ở Lâm Hà bảo rằng bây giờ rất “khỏe”, bởi công tác tuyên truyền làm cho người dân hiểu là đi hiến máu không có hại mà có lợi cho sức khỏe dường như đã ăn sâu vào nếp nghĩ. Ngân hàng máu sống của huyện cũng duy trì với gần 20 thành viên luôn kịp thời hỗ trợ trong những trường hợp khẩn cấp.
 
Cả gia đình cùng đi hiến máu
 
Mỗi năm, Hội CTĐ huyện Lâm Hà tổ chức khen thưởng, tri ân những người có cống hiến cho phong trào hiến máu ở địa phương. Đặc biệt có những gia đình nhiều năm liền tích cực tham gia hiến máu cứu người. 
 
Cho đến hôm nay, vợ chồng bà Lê Thị Liên và ông Ngô Phát (thôn Liên Kết, xã Liên Hà vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu đi hiến máu vào năm 2014. Người phụ nữ ngoài 40 tuổi khi ấy cũng mang tâm lý hoang mang bởi không biết có xảy ra vấn đề gì về sức khỏe hay không. Cùng đi hiến máu với ông bà hôm ấy có rất nhiều người trong thôn, xóm. Sau đó ông Phát lên mạng tìm hiểu thông tin, hỏi thêm cán bộ Hội CTĐ rồi về nhà khuyên bảo các con của mình cùng đi hiến máu. Kể từ đó, cứ mỗi đợt hiến máu diễn ra tại xã Tân Hà hằng năm, gia đình ông bà khi thì 5 người, lúc 7 người lại chở nhau vượt quãng đường gần 15 km đi hiến máu. Ông khoe với chúng tôi giấy khen của xã, huyện một cách đầy tự hào.
 
Ông Ngô Phát bảo: “Cho đi là nhận lại mà. Mình sống đến tuổi này rồi cũng cần gì nữa đâu, đằng này lại chẳng mất gì. Mỗi lần hiến máu xong thấy khỏe hơn, vui hơn vì ít nhất mình đang giúp đỡ được cho người khác”.
 
Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Chủ tịch Hội CTĐ xã Liên Hà cho biết, ở đây đa phần người dân lao động một nắng hai sương nhưng cứ mỗi năm một lần, họ sẵn sàng bỏ 1 ngày công lao động để tham gia tình nguyện vì cộng đồng. Người dân đã thực sự hiểu được đây là việc làm vì trách nhiệm cộng đồng, hiến máu là cứu người. Hàng tháng, cán bộ Hội CTĐ luôn gọi điện hỏi thăm tình hình của từng người, động viên mọi người giữ sức khỏe và đến ngày hiến máu thì thông báo để mọi người được biết. 
 
Nói về công tác hiến máu ở Lâm Hà, ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết, ít địa phương nào làm được như địa phương này khi bên cạnh đội ngũ cán bộ của ban chỉ đạo hiến máu hoạt động tích cực thì còn có sự chung tay của các cấp chính quyền. Mỗi năm, số người hiến máu là lãnh đạo Huyện ủy, UBND, các phòng, ban chuyên môn đều rất cao. Với vai trò nêu gương, tinh thần trách nhiệm đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đóng góp cho phong trào hiến máu nhân đạo nói riêng và các phong trào tình nguyện vì cộng đồng nói chung.
 
HỒNG THẮM