Nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

06:05, 21/05/2020

Căn cứ Khu VI, nơi in đậm giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần quật cường của quân và dân Khu VI, một địa chỉ đỏ, một điểm đến không thể thiếu trong hành trình tìm về cội nguồn cách mạng...

Căn cứ Khu VI, nơi in đậm giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần quật cường của quân và dân Khu VI, một địa chỉ đỏ, một điểm đến không thể thiếu trong hành trình tìm về cội nguồn cách mạng. Đây cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước đặc biệt, đầy tự hào đối với đoàn viên thanh niên.
 
Các đồng chí lãnh đạo của tỉnh trong một lần về thăm căn cứ Khu VI
Các đồng chí lãnh đạo của tỉnh trong một lần về thăm căn cứ Khu VI
 
Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Khu VI là một phần cửa ngõ phía Nam của Chiến khu D, bao gồm các tỉnh Lâm Đồng, Bình Tuy, Bình Thuận, Tuyên Đức, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Long, Phước Long và Ninh Thuận. Địa bàn Khu VI là nơi tiếp nhận, chuyển tải sức người, sức của và phương tiện từ Trung ương chi viện cho các chiến trường Đắk Lắk, Phước Long, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Bình Thuận, Bình Tuy, Ninh Thuận. Với vị trí đặc biệt quan trọng như vậy, quân và dân Khu VI đã anh dũng chiến đấu bảo vệ an toàn đường hành lang chiến lược Bắc - Nam; đồng thời, trực tiếp sản xuất lương thực, thực phẩm, xây dựng lực lượng cách mạng ngày một lớn mạnh, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Chỉ bằng các vật khí hết sức thô sơ, nhưng quân và dân Khu VI đã kiên cường đánh địch, bảo vệ an toàn hành lang chiến lược Bắc - Nam, bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan đầu não Khu ủy Khu VI”, bà Đoàn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Cát Tiên, đơn vị quản lý Khu Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI, chia sẻ. 
 
Theo bà Đoàn Thị Thu Hằng, Khu Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI được tỉnh Lâm Đồng đầu tư, xây dựng tại địa bàn thị trấn Phước Cát và xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên với tổng diện tích gần 50 ha, bao gồm 10 hạng mục chính và các hạng mục phụ trợ. Công trình khởi công năm 2009, năm 2019 thì hoàn thành, mở cửa đón khách tham quan. Từ ngày đưa vào sử dụng đến nay, đơn vị thường xuyên đón các đoàn khách đến tham quan. Các đoàn khách đến đây chủ yếu là học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên. Đơn vị cũng bố trí đội ngũ nhân viên giới thiệu về lịch sử của các hiện vật là vũ khí được trưng bày tại đây, cũng như các hiện vật là đồ dùng cá nhân của các đồng chí từng hoạt động tại Khu VI. “Với cách làm này, các thanh niên, sinh viên và học sinh sẽ hiểu rõ hơn về các hiện vật đó. Tuy chúng là những vật khí thô sơ, các đồ dùng giản dị nhưng đã giúp các chiến sĩ năm xưa sinh sống, chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, giúp chúng ta có được cuộc sống yên bình ngày hôm nay. Hiện, Nhà truyền thống Khu VI đang trưng bày hơn 100 hiện vật, hình ảnh, phù điêu, sơ đồ, phản ánh quá trình sinh sống, chiến đấu, xây dựng của quân và dân Khu VI trong giai đoạn từ năm 1963 đến 1966”, bà Đoàn Thị Thu Hằng cho biết. 
 
Ông Trần Đình Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cho rằng việc đầu tư, xây dựng Khu Di tích lịch sử căn cứ Khu VI không những góp phần tôn vinh truyền thống đấu tranh cách mạng, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ thanh niên, thiếu nhi, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, mà còn giúp Cát Tiên mở hướng phát triển du lịch - dịch vụ theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cát Tiên đề ra.
 
Theo ông Trần Đình Thái, trong các hoạt động mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng như Hội trại Tòng quân, Trại hè thanh thiếu niên hàng năm, hoạt động về nguồn của Đoàn Thanh niên... cũng được địa phương tổ chức tại Khu Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI, nhằm giúp thế hệ trẻ tìm hiểu tường tận về cuộc sống, quá trình chiến đấu gian khổ của thế hệ cha ông, để thế hệ trẻ ý thức hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ và lý tưởng của tuổi trẻ khi được sống trong cảnh đất nước thanh bình. Hàng năm, huyện Cát Tiên vinh dự đón tiếp hàng chục đoàn cán bộ lão thành, hưu trí, thanh niên xung phong, tuổi trẻ trên khắp cả nước về thăm chiến khu xưa Khu VI. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ, Khu VI là căn cứ cách mạng “chứng tích” hào hùng của cha ông để lại để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
 
TRIỀU KA