Hỗ trợ thanh niên lập thân, khởi nghiệp

02:05, 01/05/2020

Nguồn vốn chính là điểm tựa, đồng thời là chìa khóa để giải quyết bài toán lập nghiệp, khởi nghiệp của thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn...

Nguồn vốn chính là điểm tựa, đồng thời là chìa khóa để giải quyết bài toán lập nghiệp, khởi nghiệp của thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ khởi nghiệp hiện vẫn còn một số khó khăn.
 
Thanh niên nông thôn rất cần vốn hỗ trợ để khởi nghiệp, lập nghiệp.
Thanh niên nông thôn rất cần vốn hỗ trợ để khởi nghiệp, lập nghiệp.
 
Nhiều năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đoàn viên, thanh niên. Nhiều cuộc thi nhằm tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo từ Trung ương đến địa phương được tổ chức đã trở thành nguồn động viên, khuyến khích thanh niên nông thôn đổi mới tư duy, chủ động tìm kiếm cho mình những cơ hội để phát triển. 
 
“Trong kế hoạch lập nghiệp, khởi nghiệp thì 50 triệu đồng là con số không đáng kể nhưng với em thời điểm đó, nó là khoản tiền hỗ trợ kịp thời trong khi em đang cần vốn để mua thêm giống và đầu tư cải tạo vườn, từ đó vượt qua khó khăn trước mắt, từng bước mở rộng kinh doanh”, thanh niên Bàn Ngọc Thư (xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) chia sẻ. Năm 2017, Thư bắt tay vào lập vườn kinh doanh lan rừng từ đam mê của mình. Sau đó 1 năm, cậu tham gia lớp tập huấn về khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn tổ chức. Được tiếp cận với các kiến thức về khởi nghiệp, được tìm hiểu về các mô hình khởi nghiệp mới lạ, quy mô hơn nhiều đã giúp Thư có cái nhìn khác hơn và quyết tâm phát triển mô hình của mình ngay trên quê nhà. Thư mạnh dạn làm hồ sơ xin hỗ trợ vốn. Nhờ đó, đến nay vườn lan rừng của Thư cũng nâng cao giá trị, lợi nhuận mỗi tháng đủ để hai vợ chồng chăm lo cho con nhỏ, có tiền tiết kiệm cho tương lai.
 
Tương tự, từ khi có ý tưởng khởi nghiệp bằng hoa giấy thủ công, Trần Minh Thành đã tìm hiểu chương trình cho thanh niên vay vốn. Năm 2019, dự án của Thành đoạt giải ba Hội thi Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo do Tỉnh Đoàn tổ chức. Sau cuộc thi Thành  cũng được cán bộ Huyện đoàn Đơn Dương đến tận nhà hướng dẫn một cách chi tiết hồ sơ, thủ tục vay vốn. 
 
“Thanh niên mới bắt đầu khởi nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải tự nghiên cứu, học hỏi và chưa có nhiều kinh nghiệm, phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Với mô hình của mình, khởi nghiệp không dựa vào nông nghiệp cũng như ở quy mô cá nhân, rất khó để có thể tiếp cận các nguồn vốn vay như khi thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Trước mắt, trong quá trình chờ đợi mình sẽ tìm nguồn vay bên ngoài để có chi phí hoàn thành bộ sưu tập hoa giấy, tranh hoa giấy mà mình ấp ủ bấy lâu”, Thành chia sẻ.
 
Anh Trương Quốc Tùng, chuyên viên Tỉnh Đoàn phụ trách vốn vay ủy thác và phong trào khởi nghiệp cho biết, hiện nay thanh niên chủ yếu được tiếp cận vốn từ 2 nguồn: Một là chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, hai là nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn. 
 
Nhiều năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai công tác vay vốn ủy thác đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là các đối tượng nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tổ chức cơ sở đoàn thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách về các chương trình tín dụng ưu đãi để người vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích cũng như trách nhiệm trả nợ khi đến hạn. Đồng thời, triển khai Đề án Thành lập Tổ hợp tác tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng... Qua đó, nhiều hộ thanh niên nghèo, cận nghèo đã có điều kiện lập nghiệp, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, thông qua nguồn vốn vay chính sách, nhiều thanh niên đã vươn lên lập nghiệp, trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương. Dư nợ ủy thác do Đoàn Thanh niên quản lý đến nay là 29.897 triệu đồng. 
 
Với nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm của Trung ương đoàn cấp cho tỉnh Lâm Đồng được triển khai từ năm 2016, tổng số vốn hiện tại là 769 triệu đồng, với đối tượng vay là thanh niên có dự án khởi nghiệp, lập nghiệp khả thi tại địa phương. Hiện Tỉnh Đoàn đã tổ chức xét duyệt, giải ngân cho 9 trường hợp với số tiền 50 triệu đồng/dự án; có 2 dự án được vay với mức 200 triệu đồng/dự án đang trong quá trình thẩm định chất lượng hồ sơ.
 
Thời gian qua, Tỉnh Đoàn cũng chú trọng duy trì các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại “Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo” như Chương trình “Giao lưu thực tế, kết nối khởi nghiệp”, Câu lạc bộ “Thanh niên khởi nghiệp”, Mô hình “Chi hội giúp đỡ hộ nghèo”... Hằng năm tổ chức các lớp tập huấn kiến thức liên quan về khởi nghiệp, tổ chức 1 cuộc thi khởi nghiệp, tìm kiếm các ý tưởng độc đáo, sáng tạo trong thanh niên. Tỉnh Đoàn cũng đã linh động giới thiệu các dự án đoạt giải cao tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do nhiều đơn vị khác tổ chức, để từ đó thanh niên có thể tiếp cận thêm nguồn hỗ trợ.
 
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho thanh niên như: Các chương trình hỗ trợ vay vốn còn ít, chưa đa dạng. Số vốn vay thực tế khá ít, trung bình từ 50 - 100 triệu đồng, trong khi nhiều mô hình, ý tưởng của thanh niên cần số vốn lớn hơn gấp nhiều lần. Quá trình giải ngân từ một số chương trình còn chậm, kéo dài, cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của đoàn viên, thanh niên trong quá trình khởi nghiệp. Trong thời gian tới,Tỉnh Đoàn sẽ triển khai Đề án Vườn ươm khởi  nghiệp giai đoạn mới, phối hợp với các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp để đồng bộ các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời huy động các nguồn lực từ bên ngoài thúc đẩy phong trào đi lên.
 
HÀ THANH