Khởi nghiệp - "Điểm nhấn" của tuổi trẻ Đà Lạt

05:07, 27/07/2020

Khởi nghiệp - làm giàu kinh tế gia đình, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, đất nước đang là mục tiêu của tuổi trẻ cả nước...

Khởi nghiệp - làm giàu kinh tế gia đình, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, đất nước đang là mục tiêu của tuổi trẻ cả nước. Đặc biệt, tuổi trẻ Đà Lạt đã biết nắm bắt cơ hội, vận dụng lợi thế địa phương vươn lên làm giàu. “Khởi nghiệp” thực sự trở thành “điểm nhấn” trong phong trào tuổi trẻ thành phố ngàn hoa…
 
Thanh niên xã Trạm Hành làm nên thương hiệu hồng treo sấy gió được khách du lịch ưa thích
Thanh niên xã Trạm Hành làm nên thương hiệu hồng treo sấy gió được khách du lịch ưa thích
 
Khởi nghiệp bằng ý chí, khát khao
 
Những năm gần đây, cụm từ “Khởi nghiệp” (Start-up) nổi lên và trở thành phong trào rộng lớn trong tuổi trẻ cả nước. Khởi nghiệp, lập nghiệp thực sự là nhu cầu thiết thân của tuổi trẻ. Do đó, hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp hết sức cần thiết đối với lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp.
 
Chính phủ đã chọn năm 2016 là “Năm quốc gia khởi nghiệp”. Ông Đỗ Hoài Nam (chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực khởi nghiệp) đã nói: “Phải phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”. Theo ông Nam, nước ta có đội ngũ trí thức trẻ sáng tạo và khát khao lập nghiệp. Họ có sức trẻ, tài năng, luôn năng động; có khả năng hấp thụ những kiến thức mới, những xu hướng mới…
 
Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước thành phong trào hành động có ý nghĩa, Trung ương Đoàn đã phát động “Chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2021”. Nhằm thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh: “Lâm Đồng phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu về khởi nghiệp…”, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã phát động phong trào “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2021” trong các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh.
 
Là địa phương có lợi thế về điều kiện tự nhiên, dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), lực lượng lao động trẻ chiếm khá cao trong nền kinh tế của tỉnh; được sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, những năm qua, Thành đoàn Đà Lạt đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong tuổi trẻ; ban hành các kế hoạch, hướng dẫn triển khai chương trình khởi nghiệp đến tất cả các cơ sở đoàn và đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn thành phố.
 
 Đà Lạt hiện có số lượng thanh niên rất đông với 69.427 người (từ 16 đến 30 tuổi), chiếm gần 30% dân số toàn thành phố - lực lượng lao động trẻ năng động, sáng tạo và khát khao khởi nghiệp, lập nghiệp. Thành đoàn Đà Lạt đã tích cực chỉ đạo các cơ sở đoàn thành lập các loại hình hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), tổ thanh niên sản xuất…; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ vốn, kiến thức KHKT giúp ĐVTN đầu tư vào sản xuất, phát triển NNCNC, khởi sự doanh nghiệp. 
 
Thành đoàn chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan: Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng; Phòng Lao động - TB&XH Đà Lạt tổ chức các lớp chuyển giao công nghệ về trồng, chăm sóc các loại rau, hoa cao cấp; các lớp tập huấn khởi nghiệp, dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho ĐVTN. Đến nay, 6.860 thanh niên được giải quyết việc làm, 209 hộ ĐVTN được vay hơn 8 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH để đầu tư khởi nghiệp, lập nghiệp. 
 
Nhiều năm qua, Thành đoàn và các cụm đoàn trực thuộc trong thành phố đã tổ chức nhiều đợt đưa ĐVTN tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu tại huyện Đức Trọng, Đơn Dương; các mô hình kinh tế công nghệ cao tại Đà Lạt như: Cầu Đất Farm, HTX Nông nghiệp dịch vụ Trường Sơn - Cầu Đất, HTX hồng sấy gió Cầu Đất…
 
Những mô hình, điển hình tiêu biểu
 
Tuổi trẻ Đà Lạt có “mặt bằng” học vấn khá cao, có ý chí và khát vọng lập thân, lập nghiệp; khi được khơi gợi và “trợ lực” của cấp ủy, chính quyền, tổ chức Đoàn, từng bạn trẻ ngoài tự thân nỗ lực khởi nghiệp còn biết liên kết, “hợp lực” để hình thành các mô hình kinh tế tập thể giúp nhau làm giàu, tạo ra giá trị kinh tế và giá trị xã hội.
 
Trên địa bàn TP Đà Lạt hiện nay đã hình thành và hoạt động có hiệu quả nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế, tạo việc làm và đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương; đó là các HTX, THT thanh niên, tổ thanh niên khởi nghiệp… ở các phường, xã. Trong đó, một số sản phẩm đã xuất khẩu sang các nước châu Âu như: Giống công nghệ sinh học INVITRO của Công ty TNHH Sinh học F1 (Lữ Gia - Phường 9); HTX Dịch vụ nông nghiệp Tổng hợp Thủy Canh Việt (Phường 9). HTX này tập hợp 7 ĐVTN đều có trình độ từ cử nhân đến thạc sĩ tự góp đất (30.000 m 2) để sản xuất các loại rau, củ, quả công nghệ thủy canh, mỗi năm mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho mỗi thành viên. Đó là HTX hoa Phường 12 của 14 ĐVTN cùng nhau sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm hoa cao cấp, giải quyết việc làm cho 30 lao động (lương 6 triệu đồng/người/tháng). Đó là HTX Dịch vụ nông nghiệp Tổng hợp Trường Gia Phát (xã Trạm Hành), do 3 thanh niên thành lập, tập hợp 40 hộ gia đình thành viên (góp 60 ha đất) để sản xuất cà phê thương hiệu Arabica. Năm 2017, HTX Trường Gia Phát là một trong 10 đơn vị đầu tiên của TP Đà Lạt được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận “Cà phê Cầu Đất”. Đó là THT thanh niên xã Trạm Hành (9 ĐVTN tham gia) hỗ trợ nhau kiến thức, kỹ thuật chăm sóc rau, hoa, cà phê, hồng sấy gió; hướng sản xuất theo mô hình du lịch nông nghiệp.v.v…
 
Từ mô hình khởi nghiệp trong thanh niên đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu, đó là những trí thức - nông dân thế hệ mới như: Phan Thanh Sang (Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt), một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2015; ông chủ của 3 trang trại trồng hoa lan (diện tích hơn 10 ha), doanh thu 60 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 80 lao động. Đó là thạc sĩ kinh tế Nguyễn Đức Huy (sinh 1984), Giám đốc (GĐ) HTX Dịch vụ nông nghiệp Tổng hợp Thủy Canh Việt quy tụ bạn bè góp vốn, hỗ trợ nhau công nghệ trồng rau, củ, quả bằng công nghệ thủy canh, thu nhập mỗi năm 1 tỷ đồng. Đó là Lê Văn Chung - GĐ HTX Dịch vụ nông nghiệp Tổng hợp Trường Gia Phát (xã Trạm Hành) thành lập HTX, huy động hàng chục hộ dân sản xuất, làm nên thương hiệu cà phê Arabica Cầu Đất. Hay nữ đoàn viên Hồ Thị Minh Hạnh (Phường 6) với mô hình hoa giấy handmade (Dự án lọt vào vòng chung kết Cuộc thi “Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng” năm 2019)…
 
Có thể thấy, phong trào khởi nghiệp thực sự là “điểm nhấn” của tuổi trẻ Đà Lạt; qua đó hình thành một đội ngũ nông dân trẻ giàu tri thức, giỏi công nghệ, nhạy bén, năng động trong sản xuất, kinh doanh. Họ là đại diện thế hệ nông dân thời đại 4.0 đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương…
 
THANH DƯƠNG HỒNG