Rin coffee và chàng trai mơ về nông sản hữu cơ

06:08, 11/08/2020

Ở vùng cà phê bạt ngàn giữa cao nguyên đất đỏ xã Đà Loan, Đức Trọng có nông trại nhỏ mang tên Bùi Farm của chàng thanh niên Bùi Anh Tuấn...

Ở vùng cà phê bạt ngàn giữa cao nguyên đất đỏ xã Đà Loan, Đức Trọng có nông trại nhỏ mang tên Bùi Farm của chàng thanh niên Bùi Anh Tuấn. Nơi đây cà phê được chăm sóc gần với hoang dã, tạo ra nông sản hữu cơ để từ đó xây dựng thương hiệu Rin coffee mà Tuấn luôn mơ ước.
 
Bùi Anh Tuấn trong vườn cà phê
Bùi Anh Tuấn trong vườn cà phê
 
Trồng cà phê hữu cơ
 
Bùi Anh Tuấn sinh năm 1986 chia sẻ, anh đã đi học và ở lại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương một thời gian. Rồi anh quyết tâm quay trở lại với mảnh vườn cà phê ở thôn Đà Tiến, xã Đà Loan, nơi cha mẹ già đang chăm sóc. Lý do trở lại của Tuấn cũng rõ ràng: Chuyển hướng canh tác và chế biến cà phê, không giữ cung cách trồng, phơi khô, xay nhân bán xô như cha mẹ và bà con xóm làng.
 
Vậy là từ năm 2015, Bùi Anh Tuấn bắt tay cải tạo diện tích 2,7 ha cà phê của gia đình. Tuấn bảo, gia đình vốn không sử dụng thuốc diệt cỏ nhưng để bảo đảm năng suất còn cần rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên là tỉa thưa vườn cà phê, nhường diện tích cho cây che bóng. Vậy là 2.500 cây cà phê, Tuấn chặt 500 cây và đang tiếp tục tỉa thưa. Thay vào đó là bơ, mắc ca, những loại cây cao, có bóng mát, vừa mang lại thu nhập vừa tạo tán, che mát cho cà phê. Vườn cà phê để nguyên lớp cây cỏ mọc dưới gốc, chỉ dùng máy cắt bớt chiều cao nếu cần. Vườn để tự nhiên, không sử dụng thuốc trừ bệnh nên cũng xuất hiện sâu bệnh hại, song giống trong tự nhiên, sâu bệnh hại tự có thiên địch nên duy trì ở thế cân bằng, không bùng thành dịch nặng. 
 
Và đặc biệt, Tuấn hoàn toàn không sử dụng phân hóa học, chỉ sử dụng phân hữu cơ thu gom, ủ từ đàn bò của gia đình. Theo Tuấn, để lớp cỏ dưới gốc giúp chống rửa trôi lớp đất màu, làm mát đất, giữ môi trường sinh thái tự nhiên. Còn phân hóa học sử dụng nhiều sẽ “chai” đất, cây không sử dụng được lượng phân dư thừa nên năm sau càng phải bỏ nhiều hơn năm trước. 
 
Tuấn chia sẻ: “Trồng cà phê theo hướng hữu cơ, năng suất thấp hơn so với kiểu canh tác phổ thông nhưng chi phí thấp hơn hẳn. Bình thường 1 ha cà phê phải đầu tư 40-50 triệu đồng/vụ nhưng nhà tôi chỉ đầu tư 10 triệu đồng/vụ”.
 
 Hiện với gần 2 ngàn gốc cà phê, Tuấn chỉ duy trì ở mức 2,2 tấn nhân/vụ, một năng suất quá thấp nếu so với trồng cà phê phổ thông. Tuấn cho biết, làm cà phê hữu cơ không quá chú ý tới năng suất mà chú ý xây dựng hệ sinh thái, chú trọng tới sử dụng các yếu tố đầu vào có sẵn tại địa phương như phân hữu cơ ủ từ phân bò, phân trùn và nguồn cỏ dại… vừa giảm chi phí, vừa rất phù hợp với thực tế. 
 
Hướng tới thị trường cho nông sản hữu cơ
 
Với tầm nhìn của một người trẻ, Bùi Anh Tuấn xác định bước đi ngay từ ban đầu, đó là trồng, chế biến và cung cấp cho thị trường một sản phẩm cà phê hữu cơ với hương vị thuần, chất lượng cao. Hai vụ cà phê 2015, 2016, Tuấn dành để cải tạo vườn, tạo “khoảng đệm” giúp cà phê thay đổi. Nhân thu được vẫn bán theo giá nhân xô và chỉ tới năm 2017, khi chắc chắn chất lượng cà phê đã ổn định, Tuấn mới chuyển hướng làm cà phê rang xay cung cấp ra thị trường. 
 
Tuấn giới thiệu, Đức Trọng mùa thu hoạch cà phê hay mưa, farm chỉ hái trái chín, rất rải rác nên phải dựng cả một nhà kính chuyên dành phơi cà phê để an tâm về chất lượng sau thu hoạch, khỏi lo mắc mưa, hạt thâm đen biến chất. Với mỗi đơn hàng, Tuấn đều trao đổi kỹ, tìm ra gu uống của khách để rang xay, đảm bảo khách hài lòng nhất khi thưởng thức. Thương hiệu Rin coffee của Tuấn như một lời giới thiệu thứ cà phê thuần, được chăm sóc theo kiểu “ngày xưa”, đơn giản, gần với hoang dã, mang lại cho ly cà phê hương vị tự nhiên. Hiện Tuấn bán cà phê rang xay thương hiệu Rin coffee rộng rãi, chủ yếu cho các nhà hàng cà phê và người sử dụng cá nhân.
 
Và Bùi Anh Tuấn còn là một trong những sáng lập viên của Phiên chợ hữu cơ Đà Lạt. Ban đầu là một nhóm anh em chuyên làm, sử dụng nông sản hữu cơ ngồi lại trò chuyện với nhau và ý định về một phiên chợ, nơi trao đổi các sản phẩm hữu cơ ra đời. Tới tháng 7/2020, đã có 13 phiên chợ hữu cơ được tổ chức và sẽ tiếp tục họp sau khi dịch COVID-19 đi qua. Bùi Anh Tuấn chia sẻ: “Nhu cầu sử dụng nông sản hữu cơ của thị trường là rất lớn. Anh em chúng tôi hiện mới chỉ cung cấp được một phần rất nhỏ và mục tiêu là chúng tôi tạo sân chơi, giúp người bán - người mua tìm đến nhau, mở rộng thị trường nông sản hữu cơ, góp phần thúc đẩy nông sản hữu cơ Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung ngày càng phát triển”.
 
DIỆP QUỲNH