Nữ sinh Lâm Đồng giành Vòng Nguyệt quế ''Đường lên đỉnh Olympia''

05:05, 21/05/2021

Với sự tự tin và đầy bản lĩnh, nữ sinh Ðỗ Thị Phương Nga - lớp 11A13 Trường THPT Trần Phú (Ðà Lạt) đã "lội ngược dòng" xuất sắc giành Vòng Nguyệt quế tuần 3 tháng 2 quý III năm 2021 của chương trình "Ðường lên đỉnh Olympia". 

Với sự tự tin và đầy bản lĩnh, nữ sinh Ðỗ Thị Phương Nga - lớp 11A13 Trường THPT Trần Phú (Ðà Lạt) đã “lội ngược dòng” xuất sắc giành Vòng Nguyệt quế tuần 3 tháng 2 quý III năm 2021 của chương trình “Ðường lên đỉnh Olympia”. 
 
Phương Nga và bố mẹ trong niềm vui khi giành được Vòng Nguyệt quế “Đường lên đỉnh Olympia”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Phương Nga và bố mẹ trong niềm vui khi giành được Vòng Nguyệt quế “Đường lên đỉnh Olympia”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
 
Cũng đã khá lâu, Lâm Đồng lại có người chiến thắng trong sân chơi “Đường lên đỉnh Olympia”. Cô gái bé nhỏ đến từ Đà Lạt - Đỗ Thị Phương Nga đã làm cả trường quay cũng như khán giả xem chương trình truyền hình “Đường lên đỉnh Olympia” phát sóng trên kênh VTV3 vào ngày 9/5 vừa qua hồi hộp và đầy bất ngờ khi “lội ngược dòng” giành Vòng Nguyệt quế. 
 
Nga chia sẻ: “Ngày còn nhỏ, em rất hay xem chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” và mơ ước một ngày nào đó sẽ được đứng ở trường quay tham gia cuộc thi này. Ước mơ đã theo em đến tận bây giờ, em cảm thấy rất vui khi được có mặt tại cuộc thi và càng hạnh phúc hơn khi giành được Vòng Nguyệt quế”. 
 
Có mặt tại chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” tuần 3 tháng 2 quý III năm 2021, ngay khi nhạc hiệu bắt đầu vào vòng “Khởi động” được vang lên, Phương Nga là thí sinh xuất phát đầu tiên trên chặng đường leo núi. Mặc dù hồi hộp xen lẫn lo lắng nhưng nữ sinh Lâm Đồng vẫn rất tự tin để đặt những bước chân đầu tiên và giành được vị trí thứ hai của “đoàn leo núi” trong vòng thi này.
Qua hai chặng “leo núi” tiếp theo là “Vượt chướng ngại vật” và “Tăng tốc”, Phương Nga bị tụt lại phía sau, thành người về cuối. Cô gái bé nhỏ vẫn bình tĩnh với suy nghĩ “đã đến được đây thì phải chơi hết mình” và vững tin cùng các cầu thủ đội mình “leo” tiếp chặng cuối cùng. Thế là ở vòng thi cuối “Về đích”, Nga đã thận trọng chọn gói câu hỏi phù hợp và mạnh dạn chọn “ngôi sao hy vọng”. Với bao cảm xúc lo lắng, hồi hộp, hụt hẫng khi theo dõi ba chặng đua của “đoàn leo núi”, chẳng ai tin rằng vận động viên cuối cùng đã khiến mọi người trong trường quay và cả khán giả xem truyền hình phải vỡ òa cảm xúc với cú “lội ngược dòng” ngoạn mục vươn lên dẫn đầu. Với số điểm cao nhất, nữ sinh Lâm Đồng Đỗ Thị Phương Nga đã xuất sắc giành được Vòng Nguyệt quế. 
 
Để nuôi dưỡng ước mơ trở thành “nhà leo núi” “Đường lên đỉnh Olympia”, Nga đã nỗ lực trong học tập để tích lũy kiến thức. Luôn là học sinh giỏi các năm học, Nga từng đoạt giải Khuyến khích Olympic Vật lý online năm lớp 7, giải Nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử năm lớp 9, giải Khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tiếng Anh lớp 11, học sinh nhất khối 7 và khối 10... Bên cạnh học tập, Nga còn tích cực tham gia các phong trào của lớp, của trường; em từng đoạt giải Giọng hát hay toàn trường năm lớp 10, là cầu thủ đóng vai trò tiền đạo trong đội bóng đá nữ của lớp... Và trong cuộc thi của trường để tuyển chọn người xuất sắc nhất tham gia chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, em cũng giành được Vòng Nguyệt quế. 
 
Cùng với sự nỗ lực của bản thân, Nga nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ phía gia đình. Đặc biệt là tấm gương của người anh trai từng học chuyên Tin Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt, là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2016, vừa mới tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và có việc làm ổn định đã khiến Nga thêm động lực để noi theo. 
 
Bên cạnh sự hỗ trợ từ gia đình, Phương Nga cũng được thầy cô, nhà trường động viên, khích lệ. Cô Vũ Thị Quế - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho hay: “Vòng Nguyệt quế của Phương Nga mang về cũng sẽ là động lực để học sinh thế hệ sau phấn đấu. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hội thi để tuyển chọn học sinh xuất sắc tham gia những cuộc thi lớn và luôn tạo điều kiện để các em được trải nghiệm ở những sân chơi này, giúp học sinh tự tin thể hiện mình và tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng sống. Qua đó, cũng để tạo nguồn học sinh giỏi cho trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn nói riêng và chất lượng giáo dục toàn diện nói chung”. 
 
TUẤN HƯƠNG