Lâm Đồng có 3 nhà nông trẻ xuất sắc được trao Giải thưởng Lương Định Của

09:12, 25/12/2021

(LĐ online) - Tối 24/12, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI năm 2021 cho các nhà nông trẻ xuất sắc.

(LĐ online) - Tối 24/12, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI năm 2021 cho các nhà nông trẻ xuất sắc.
 
Chị Nguyễn Thị Mến nhận Giải thưởng Lương Định Của từ Trung ương Đoàn
Chị Nguyễn Thị Mến nhận Giải thưởng Lương Định Của từ Trung ương Đoàn
 
Năm 2021, Ban tổ chức nhận được 93 hồ sơ từ 49 tỉnh, thành Đoàn giới thiệu gương thanh niên nông thôn tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh tác động nặng nề của dịch Covid-19 và thiên tai, lũ lụt.
 
Trong 57 gương thanh niên xuất sắc được trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2021 có 7 mô hình đạt doanh thu từ 10 - 30 tỷ đồng/năm; 48 mô hình doanh thu từ 1 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng/năm; 1 mô hình có doanh thu đạt 120 tỷ đồng/năm; 1 mô hình có doanh thu đạt 144 tỷ đồng/năm.
 
Năm nay, tỉnh Lâm Đồng có 3 thanh niên vinh dự nhận được Giải thưởng Lương Định Của. Đó là chị Nguyễn Thị Mến, chị Nguyễn Ngọc Hoàng Anh (TP Đà Lạt) và chị Phạm Thị Ân (huyện Đức Trọng).
 
Chị Nguyễn Ngọc Hoàng Anh nhận Giải thưởng Lương Định Của từ Trung ương Đoàn
Chị Nguyễn Ngọc Hoàng Anh nhận Giải thưởng Lương Định Của từ Trung ương Đoàn
 
Chị Nguyễn Thị Mến (sinh năm 1989) hiện là Giám đốc Công ty TNHH DaLaVi. Năm 2012, chị bắt đầu khởi nghiệp với mục tiêu “Nâng tầm nông sản Đà Lạt”, hỗ trợ bà con nông dân có đầu ra ổn định, đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm Đà Lạt chất lượng và chính gốc. Do đó, chị đã thành lập website dacsandalat, đăng tin trên các trang rao vặt, mạng xã hội để quảng bá và tăng sự tiếp cận đến khách hàng đến các sản phẩm nông sản Đà Lạt. Đến năm 2016, chị thành lập Công ty TNHH DaLaVi chuyên sản xuất và kinh doanh nông sản, đặc sản Đà Lạt. 
 
Trải qua bao khó khăn vất vả trên con đường khởi nghiệp, công ty đã tạo được uy tín trên thị trường; liên kết và trực tiếp, gián tiếp bao tiêu nông sản cho hơn 500 bà con nông dân. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 thanh niên trong tỉnh. Doanh thu năm 2020 đạt 20 tỷ đồng, năm 2021 đạt 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chị cũng tích cực tham gia tốt các hoạt động Đoàn của địa phương, thường xuyên giúp đỡ các bạn thanh niên trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp. Chị Nguyễn Thị Mến cũng là 1 trong 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021 do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bình chọn.
 
Chị Nguyễn Ngọc Hoàng Anh (sinh năm 1986) là Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Hana Group JSC. Khi đang có công việc ổn định mức lương vài ngàn đô/tháng, được đi khắp các nước thì chị Hoàng Anh quyết định từ bỏ để trở về Đà Lạt, với mong muốn làm những điều mới mẻ cho thành phố mộng mơ nơi mình sinh ra và lớn lên. Năm 2015, Hoàng Anh Hana trở thành nhà hàng rau hữu cơ đầu tiên của Đà Lạt do chị Hoàng Anh tự tìm công thức chế biến, có thể giữ được toàn bộ phần xanh của rau, không bị mất chất dinh dưỡng. Năm 2016, Hoàng Anh mạnh dạn bước lên một bước nữa, cô chỉnh trang lại ngôi nhà của gia đình thành homestay Hana House có sân vườn xanh mướt; đồng thời, thành lập Tripee - những người đi du lịch có phong cách, xây dựng các tour trải nghiệm nông nghiệp và trải nghiệm văn hóa, như đưa du khách đến với làng của người Chu Ru - Đơn Dương. Năm 2017, chị xây dựng nên khu du lịch sinh thái “Rừng tĩnh lặng” Hana Land tại khu vực núi Voi bên hồ Tuyền Lâm theo cách riêng với tầm nhìn, giá trị cốt lõi và sứ mệnh là lan tỏa năng lượng tích cực.
 
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh – Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng trao giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn cho chị Phạm Thị Ân do không thể tham gia trực tiếp lễ trao giải thưởng tại Hà Nội
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng trao giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn cho chị Phạm Thị Ân do không thể tham gia trực tiếp lễ trao giải thưởng tại Hà Nội
 
Từ ý tưởng đến dự án khởi nghiệp của Nguyễn Ngọc Hoàng Anh đã được sự đánh giá rất cao từ các hội đồng cuộc thi của tỉnh và trung ương. Hiện nay, Công ty Cổ phần Hana Group của chị hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, nhà hàng, du lịch, lưu trú, giáo dục và các lĩnh vực khác. Doanh thu năm 2021 đạt 6,5 tỷ đồng.
 
Phạm Thị Ân (sinh năm 1994) là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hồng Ân. Với đam mê về nấm linh chi, từ năm 2 đại học, Ân đã nghiên cứu, tìm tòi và phát triển sản phẩm nấm linh chi trở thành sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, giúp ổn định cuộc sống và mang lại kinh tế vững cho người nông dân. Chọn Lâm Đồng làm nơi lập nghiệp, Ân đã khởi nghiệp với Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hồng Ân, chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ nấm linh chi, mục tiêu là nghiên cứu mô hình nấm linh chi Việt Hàn với thương hiệu GACO. Hiện, dự án của chị có quy mô diện tích trang trại, nhà xưởng là 1.100 m 2 gồm 2 trại nuôi trồng nấm, 1 nhà xưởng chế biến,...
 
Dự án Phát triển chuỗi giá trị cho nấm linh chi Việt Hàn và tạo sinh kế cho Đoàn Thanh niên địa phương của Phạm Thị Ân đã đạt giải ba cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Trải qua nhiều khó khăn, vất vả trong quá trình khởi nghiệp, đến nay doanh nghiệp của Phạm Thị Ân đã từng bước có chỗ đứng trên thị trường và tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng. Doanh thu hiện tại của doanh nghiệp đạt 3,5 tỷ đồng/năm với lợi nhuận trung bình đạt 500 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho hơn 23 lao động địa phương.
 
Phát biểu tại lễ trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2021, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, qua 16 năm tổ chức, đã có hơn 2.000 nhà nông trẻ được nhận Giải thưởng Lương Định Của. Mỗi người có một hoàn cảnh, một xuất phát điểm khác nhau, nhưng đều có điểm chung là ý chí, nghị lực, khát vọng vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên lập thân, lập nghiệp, tiên phong ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; là chủ các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, doanh thu và lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm; tạo việc làm cho nhiều lao động là thanh niên, đặc biệt là thanh niên yếu thế, người dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó, các mô hình, sản phẩm còn có tính sáng tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận.
 
Trong khuôn khổ lễ trao giải, các đại biểu cũng đã tham dự triển lãm “Kết nối nông nghiệp số”, trưng bày các sản phẩm của thanh niên nông thôn trên không gian số.
 
VIỆT QUỲNH