Nông dân trẻ nuôi dê lai

05:04, 07/04/2022
Họ là những nông dân còn trẻ nhưng đã có kinh nghiệm gắn bó với đất đai, gia súc. Những nông dân trẻ ấy đã mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, làm giàu cho bản thân và gia đình với một loại vật nuôi cho năng suất cao: dê bách thảo lai boer. Ấy là Tổ hợp tác nông dân chăn nuôi dê lai thôn An Bình, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà.
 
Nơi cho dê ăn của anh Trần Văn Cao
Nơi cho dê ăn của anh Trần Văn Cao
 
Anh Trần Văn Cao, nông dân thôn An Bình, xã Đan Phượng vừa cho dê ăn, vừa giới thiệu đàn dê của anh với khách: “Đây là giống dê bách thảo lai với boer, một giống dê rất thích hợp để chăn nuôi ở các vùng như Đan Phượng chúng tôi. Dễ chăm, nhanh lớn, thu nhập tốt là đặc điểm của giống dê này”. Gia đình anh Trần Văn Cao đã nuôi dê từ năm 2014, với khởi đầu chỉ 1 dê đực và vài con dê cái. Nay, anh Cao đang có chuồng dê 33 con, với 1 đực giống và gần 30 dê cái sinh sản, chưa kể một số dê đực chuẩn bị xuất bán thịt.
 
Dê bách thảo là giống dê nội địa Việt Nam có vóc nhỏ, ít thịt nhưng sức sống tốt, ít bệnh tật, dễ chăn nuôi. Dê boer là giống dê có nguồn gốc Nam Phi vóc dáng to lớn, nhiều thịt, lớn nhanh nhưng cần nuôi nhốt và phải chăm sóc kỹ. Vì vậy, các nhà tạo giống đã lai giữa hai giống dê này, cho ra dê lai to lớn nhưng dễ chăm. Cũng vì vậy, anh Trần Văn Cao chọn nuôi dê lai vì phù hợp với kiểu chăn nuôi bán hoang dã, chăn thả. Dê có chuồng để ngủ và tránh khi mưa gió, một khoảng sân rộng ngoài trời để thoải mái chạy nhảy, vận động. Anh cho biết, dê lai lớn nhanh, từ khi sinh tới khi trưởng thành có thể xuất chuồng chỉ khoảng 6-7 tháng. Dê đến độ 8-10 tháng thì có thể phối giống, mang bầu 5 tháng là đẻ. Đẻ xong, dê mẹ chỉ cho con bú 1-2 tháng và có thể lên giống lại. Trung bình, dê cái nặng từ 40-45 kg/con, dê đực nặng khoảng 60 kg/con. Dê lai sinh sản rất mau, chỉ 7 tháng/lứa, mỗi lứa trung bình 2 con. Vì vậy, nuôi dê lai liên tục có dê con sinh ra và lứa dê lớn xuất chuồng. 
 
Không chỉ có anh Trần Văn Cao, anh Phạm Phú Khánh, cùng thôn An Bình có chuồng dê lai 30 con. Anh Khánh cho biết, dê lai ăn khá ít, chủ yếu là ăn cỏ, bắp nghiền với lượng 3-4 kg cỏ, 3 lạng bắp/ngày. Anh Khánh chỉ trồng 1 sào cỏ voi, kiếm thêm thức ăn xanh thô ngoài đồng và thêm vài bao bắp nghiền là đủ cho đàn dê phát triển. Dê được thả tự do, có thể chạy ra sân ngoài trời chạy nhảy nên khỏe mạnh, gần như không bị bệnh và rất nhanh lớn. Anh Khánh chia sẻ: “Giá thịt dê lai là 100-115 ngàn/kg, một con dê có thể nặng tới 40, 50 kg, giá mấy triệu bạc. Chưa kể nhiều khách mua dê giống giá 140 ngàn/kg, nuôi cặp dê vài ba tháng là có chục triệu. Nuôi dê thực sự rất hiệu quả, lại có lượng phân bón để sử dụng cho vườn cà phê”.
 
Anh Cao cũng như anh Khánh đều là thành viên của Tổ hợp tác chăn nuôi dê lai thôn An Bình, với hầu hết các thành viên là nông dân trẻ xấp xỉ tuổi 30. Những người bạn trẻ gắn bó với đồng ruộng đã mày mò, tìm tòi nuôi dê lai từ năm 2014, người này chỉ người kia phát triển đàn dê và giờ đã có 7 thành viên, với trên 200 đầu dê giống. Các thành viên hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăm sóc, đỡ đẻ cho dê sinh sản, đổi giống, đổi con đực cho nhau để làm đa dạng nguồn gen. Anh Trần Văn Cao, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân đồng thời là Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, tổ còn lên kế hoạch xuất bán cho phù hợp, nhà có bù đắp cho nhà thiếu, lúc nào cũng có dê thịt, dê giống phục vụ khách hàng. Vì vốn đầu tư ban đầu không cao, lại chăn nuôi dễ, thu nhập tốt nên sắp tới, tổ sẽ kết nạp thêm một số thành viên trẻ, cùng hợp tác phát triển đàn dê lai.
 
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà đánh giá rất cao hoạt động của Tổ hợp tác chăn nuôi dê. Ông Thông cho biết, 7 thành viên của tổ đều là các nông dân trẻ, năng động, sản xuất giỏi, thu nhập cao; đồng thời, hoạt động Hội rất nhiệt tình, đóng góp cho phòng trào nông dân. Tổ hợp tác chăn nuôi dê hoạt động thực sự hiệu quả, hỗ trợ thành viên chăn nuôi tốt cũng như đầu ra ổn định, là mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu của nông dân Đan Phượng.
 
DIỆP QUỲNH