Vai trò của Đoàn Thanh niên trong triển khai nguồn vốn chính sách

01:09, 01/09/2022
Sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) của Đoàn Thanh niên các cấp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) nông thôn được vay vốn, giải quyết những khó khăn trong phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, lập nghiệp.
 
Từ nguồn vốn vay NHCSXH mà nhiều thanh niên nông thôn có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình
Từ nguồn vốn vay NHCSXH mà nhiều thanh niên nông thôn có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình
 
“ĐIỂM TỰA” GIÚP THANH NIÊN PHÁT TRIỂN KINH TẾ
 
Hơn một năm nay, bên cạnh việc chăm sóc 6 sào cà phê, gia đình anh Ya Liêm (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) mua thêm một con bò vàng sinh sản để nuôi. Số tiền 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay NHCSXH giúp anh vừa có thêm chi phí để đầu tư phân bón, tái canh cà phê, vừa đủ mua bò giống. Ya Liêm chia sẻ: “Mặc dù cũng có lo lắng khi vay tiền từ ngân hàng, nhưng tôi hiểu đây là điều kiện để có thể đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Bởi sau 3 năm chăm sóc, cải tạo thì sang năm thứ 4, cà phê sẽ cho thu rộ, bò cũng sẽ nhân đàn. Đây là cơ sở để tôi mạnh dạn vay tiền và trả trong thời gian 5 năm”.
 
Hiện là Bí thư Chi đoàn thôn K’Lót, anh Ya Liêm cũng đang là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) thôn, với 48 hộ vay và tổng dư nợ hơn 1,9 tỷ đồng. Trong đó, có 27 hộ nằm trong độ tuổi thanh niên. Theo anh Ya Liêm, tùy theo nhu cầu mà mỗi hộ sẽ đăng ký vay số tiền khác nhau, đây chính là “điểm tựa” để thúc đẩy thanh niên và bà con trong thôn phát triển kinh tế gia đình. Đoàn Thanh niên thường xuyên theo dõi, kiểm tra và đôn đốc để các hộ vay vốn trả lãi theo đúng kỳ hạn.
 
Tính đến hết tháng 5/2022, tổng nguồn vốn ủy thác qua tổ chức Đoàn Thanh niên trên toàn tỉnh Lâm Đồng đạt trên 682,7 tỷ đồng, với 376 Tổ TK&VV và 14.342 hộ vay vốn. Anh Trần Đức Trung - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Lâm Đồng khẳng định: “Có thể nói từ chính sách ưu việt của Nhà nước về nguồn vốn vay ủy thác đã hỗ trợ cho ĐVTN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, giải quyết lao động cho xã hội”.
 
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội; các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn tại NHCSXH; quy định về hoạt động của Tổ TK&VV...
 
Bên cạnh việc vay vốn, công tác huy động tiền gửi tiết kiệm qua hộ vay cũng luôn được Tỉnh Đoàn quan tâm, chỉ đạo sát sao, liên tục. Đến ngày 31/5, 376 Tổ TK&VV đã huy động tiền gửi tiết kiệm với số tiền trên 45,7 tỷ đồng của 14.342 hộ. Đặc biệt, sáng kiến “Ngày gửi tiết kiệm vì người nghèo” của tuổi trẻ tỉnh Lâm Đồng được triển khai từ năm 2021, cùng với sự tham gia của NHCSXH và 4 tổ chức chính trị - xã hội đã thu hút được đông đảo  các tầng lớp Nhân dân gửi tiết kiệm. Từ đó huy động nguồn lực, tập trung đầu tư tín dụng chính sách cho người nghèo và những đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh. Kết quả, năm 2021 đã huy động được trên 27,4 tỷ đồng. Trong đó, ĐVTN gửi tiết kiệm gần 2 tỷ đồng. Năm 2022, “Ngày gửi tiết kiệm vì người nghèo” kéo dài trong 1 tuần lễ đã huy động sự tham gia đông đảo của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, huy động được trên 135,3 tỷ đồng. Trong đó, ĐVTN gửi tiết kiệm 8,4 tỷ đồng.
 
•  PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC ĐOÀN
 
Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Trần Đức Trung, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả mà dư nợ do Đoàn Thanh niên quản lý tăng lên, nợ quá hạn giảm dần, nợ xấu hạn chế, đảm bảo theo tiêu chí, yêu cầu đặt ra.
 
Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát vốn vay theo các nội dung tại văn bản thỏa thuận giữa NHCSXH, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Lâm Đồng. Thường xuyên giám sát, kiểm tra và tìm hướng xử lý các trường hợp nợ quá hạn, nợ tồn đọng và các trường hợp để lãi tồn trên 3 tháng.
 
Đặc biệt, Tỉnh Đoàn chú trọng nâng cao trách nhiệm của đoàn xã, phường, thị trấn trong tham gia sinh hoạt Tổ TK&VV theo định kỳ, giám sát bình xét cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay. Nâng cao trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ TK&VV trong việc quản lý, giám sát hộ vay, đôn đốc thu nợ đến hạn, nợ quá hạn. Trong đó, yêu cầu Bí thư, Phó Bí thư Đoàn xã phải giám sát bằng hình thức trực tiếp, tham gia họp và chỉ đạo trong các buổi họp Tổ TK&VV như họp thành lập Tổ, họp xây dựng Quy ước hoạt động của Tổ, họp bình xét cho vay. Đôn đốc Ban Quản lý Tổ Giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, trả nợ gốc, trả lãi tiền vay, thực hành tiết kiệm,... của tổ viên.
 
Cụ thể như tại Đoàn Phường 7 (TP Đà Lạt), hiện tại đang quản lý 4 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ 3,4 tỷ đồng và 65 hộ vay. Để quản lý hiệu quả các Tổ TK&VV, anh Lê Xuân Thọ - Bí thư Đoàn Phường 7 cho biết: Đoàn Thanh niên trực tiếp tham gia các cuộc họp Tổ TK&VV, thực hiện kiểm tra việc sử dụng vốn vay của 100% các món vay mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày NHCSXH giải ngân cho khách hàng. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên và các Tổ trưởng Tổ TK&VV kịp thời nắm bắt thông tin và thông báo cho UBND phường và NHCSXH về các trường hợp khách hàng sử dụng vốn vay bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn,... hay sử dụng vốn vay sai mục đích, chuyển hoặc bỏ đi khỏi nơi cư trú để có biện pháp xử lý thích hợp và kịp thời.
 
Nhờ vào việc thường xuyên giám sát, kiểm tra và tìm hướng xử lý các trường hợp nợ quá hạn, nợ tồn đọng và các trường hợp để lãi tồn trên 3 tháng, đến nay, nợ quá hạn trên tổng dư nợ ủy thác do Đoàn Thanh niên toàn tỉnh quản lý chỉ còn 337 triệu đồng, chiếm 0,05%. Tỷ lệ nợ quá hạn có xu hướng giảm mạnh theo từng năm và chỉ còn tập trung chủ yếu ở 6 chương trình: cho vay hộ nghèo; học sinh, sinh viên; sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; hộ cận nghèo; nhà ở; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nhiều huyện, thành phố có tỷ lệ nợ quá hạn có xu hướng giảm. Đặc biệt, hiện tại có 2 địa phương không có nợ quá hạn là huyện Bảo Lâm và Lạc Dương.
 
VIỆT QUỲNH