Thành phố không đèn xanh đỏ

07:01, 12/01/2020

"Người đi hành hương, về đồi núi xa/ Người đi vẫn đi, chiều qua vẫn qua"

“Người đi hành hương, về đồi núi xa/ Người đi vẫn đi, chiều qua vẫn qua” (Lời nhạc Trịnh Công Sơn về Đà Lạt)
 
Đà Lạt thanh cảnh thướt tha là bởi dáng vẻ cong cong
Đà Lạt thanh cảnh thướt tha là bởi dáng vẻ cong cong
 
Ai mà chẳng ngỡ ngàng khi đến thành phố gần 130 năm rồi vẫn không đèn xanh đỏ. Thành phố từng định đặt thủ phủ của Liên bang Đông Dương, nghĩa là suýt thay mặt cả Hà Nội, Vientiane, Phnom Penh, Sài Gòn mà vẫn không cần đèn xanh, đèn đỏ. Thời thuộc địa Pháp đã quá vãng mù xa, tầm nhìn chiến lược ấy cũng phôi phai khi chiến tranh thế giới thứ hai khép lại. Nhưng Đà Lạt vẫn còn đây, vẫn nằm lơ lửng trên cao nguyên Langbian, với tư tưởng đô thị của Hébrad, Pineau, Mondet, Lagisquet,… Đó là qui hoạch và kiến tạo theo bố cục tự do, nương theo địa hình, giữ cho được đường cong núi đồi cùng sự cao thấp mà sinh thành nên một đô thị sinh cảnh diễm tình ngoại hạng vẫn còn nguyên ý nghĩa, giá trị, khát vọng, và niềm tự hào xứ sở.
 
Đèn giao thông là để điều tiết giao thông cho đô thị ấy theo lề lối, mà người tham gia giao thông buộc phải “chơi” chung và đúng luật. Đà Lạt thì ngoại hạng. Người Đà Lạt nhẹ nhàng, từ tốn, quá đàng hoàng, ít khi có người cẩu thả, bất chấp nhau để mà phóng xe bừa, chạy ẩu. Họ đã quen sinh hoạt đô thị từ tốn và dịu dàng thế. Nếu có đèn giao thông thì hẳn chắc dành cho xe du khách nơi khác đến. Nhưng biết sao giờ, xe du khách có đến thì cũng bị phong thái đô thị ở đây “đồng hóa” thôi - nghĩa là khi lưu thông họ cũng điều khiển thích ứng với không đèn xanh đỏ ấy. Ngỡ ngàng cũng phải khi đây là thành phố duy nhất ở Việt Nam mà đến giờ vẫn không cần đến thứ ấy. Ngay ở Lâm Đồng mấy chục cái thị trấn, huyện lỵ, kể cả huyện tận cùng heo hút nhất tỉnh cũng đều lắp đèn xanh đỏ, nhưng riêng tỉnh lỵ, Đà Lạt này thì khỏi.
 
Nhà ở Đà Lạt
Nhà ở Đà Lạt
 
Nhưng cái “khỏi” kia nó bắt đầu từ hồn cốt xứ sở, mà hồn cốt xứ sở lại bắt đầu từ cái “gen” xứ sở, mà cái gen xứ sở lại bắt đầu từ mặt đất - hình thái đất - để cho một đô thị mọc lên. Hình thái đất của Đà Lạt là tập hợp của những đường cong. Đặc trưng đó khiến đường phố bao giờ cũng là những đường cong. Đường cong thì bao giờ cũng yêu kiều, mỏng manh, gợi cảm cái eo ở hông thiếu nữ. Ví dụ bằng hình tượng mơ mộng dễ gần, nhưng mà cũng rất thật, vì trong nhiều danh xưng thì Đà Lạt còn có danh xưng là “Thành phố con gái” (Chết chưa, như thế thì làm sao mà không hấp dẫn du khách mười phương chứ!). Thành phố con gái này lưu giữ nhiều giá trị kiến trúc Pháp cổ quý báu nhưng Đà Lạt vẫn không “già” (và xấu) đi được. Không già và khó xấu, vì thiên nhiên Đà Lạt quá xinh, xinh mênh mông, xinh miên man, xinh nhấp nhô, xinh điệp trùng, xinh tha thiết. Màu xanh rừng thông hắt hiu giữa đồi cao và vực sâu, đỉnh đồi - sườn đồi - chân đồi, ẩn ẩn, hiện hiện. Bởi núi đồi Đà Lạt dày đặc, đường phố, nhà cửa, công trình lớn bé buộc phải đặt trên núi đồi theo đặc trưng địa lý đó. Tất cả đều phải theo những đường đồng mức. Đường đồng mức nào mà chẳng cong. Mảnh mai, tha thướt, kiều diễm nào mà chẳng lượn lờ. 
 
Đà Lạt ăn không nhanh, đi không vội, nói không hét. Đà Lạt cái gì cũng điềm nhiên. Đà Lạt cái gì cũng thảnh thơi. Đà Lạt cái gì cũng nhu mì. Đà Lạt cái gì cũng lấp ló. Đà Lạt cái gì cũng cong... Thì mọi thứ phải thở theo nhịp thở của đường cong, huống chi chuyện thiết kế và tổ chức giao thông. Chỗ, lối nào cũng toàn dốc, và dốc, đoạn hiếm hoi nào không dốc thì trước sau cũng đụng dốc, gặp dốc. Đèn xanh đỏ đặt ở chỗ nào bây giờ, ngoài đặt trong cái tâm hồn của phố lạnh này.
 
 *
 
Đà Lạt đơn sơ, mộc, vắng, nhưng không căng não để làm thị dân. Không âu lo, hớt hải, nhìn trước ngó sau khi ra đường. Phố lạnh này không rực rỡ, xênh xang, nhưng ai ra đường cũng che kín thân mình bằng vải đó thôi. Ở Đà Lạt thì muốn đeo gì ra đường cũng an nhiên, nguyên si trên người đi - về. Đà Lạt là xứ tự nhiên, là không thành một cái gì, là ai, hơn ai và kém ai, thắng ai và thua ai. Người Đà Lạt không để ý đến điều đó. Ta không giàu bê tông nhưng ta giàu màu xanh. Chúng ta không giàu đại lộ nhưng ta giàu những đường cong. Không giàu vật chất, nhưng ta giàu bình yên, an lạc. Biết đâu, giữa bề bộn kẹt xe, ai đó nhìn người trên đường phố chốn đô hội dưới kia lúc kẹt xe lô nhô như những đàn cá hồi ngược dòng, sẽ thấy Đà Lạt nghèo thế mà hay. Đà Lạt nếu có lúc nào kẹt xe ở đâu đó thì chắc chắn là do người tứ phương đổ lên để xả xì-trét.   
 
*
 
Thành phố của những đường cong sở hữu bao điều tự hào. Mọi cành hoa đẹp nhất trong các dạ hội Sài Gòn, Hà Nội là hoa Đà Lạt. Những tô canh rau đắc vị thượng lưu Hà Nội ăn hàng ngày là rau củ từ Đà Lạt ở cao nguyên lạnh phương xa. Chưa hết, Đà Lạt là nơi đẻ ra nền kịch nghệ hiện đại ở miền Nam với ban kịch Thụ Nhân danh tiếng. Là nơi có Viện đại học Đà Lạt, có Giáo hoàng học viện. Là nơi tạo ra Trịnh Xuân Thuận - Nhà Vật lý thiên văn hàng đầu người Việt. Là nơi ươm mầm cho triết nhân thi sĩ siêu phàm Phạm Công Thiện. Là nơi định hình đôi âm nhạc Khánh Ly - Trịnh Công Sơn, và Tuấn Ngọc, và Trịnh Nam Sơn, và Khánh Hà, và Đức Huy, và Thanh Tuyền; là họa sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung. Là nơi đưa loài chim lạ Từ Công Phụng bay vang ca trên bầu trời Sài Gòn dưới kia thời nào. Là nơi đẻ ra huyền thoại âm nhạc Lê Uyên Phương, mà ngay xứ Sài Gòn cứ muốn là người của xứ mình, dù với Sài Gòn Lê Uyên Phương bao giờ cũng chợt xuống đó rồi bay ngay về lại núi.... Và bây giờ, phần nhiều trong những đạo diễn phim ảnh hàng đầu Sài Gòn vẫn là người Đà Lạt, và cả ca sĩ nữa. 
 
Đà Lạt là thế này đây
Đà Lạt là thế này đây
 
Thủ đô Hà Nội và Sài Gòn của bạn nằm trên miền đồng bằng châu thổ thì mấy khi sống trong cảm giác nhấp nhô của đất, dù nó mang cái duyên, vẻ đẹp và những tình tự khác. Lúc nào ở dưới đó, ngoài kia căng thẳng, mời bạn ghé lên phố lạnh hoang vắng Đà Lạt chơi, có gì ăn nấy vậy, biết đâu chỉ cần món rau - củ - quả luộc và chút Rượu vang Đà Lạt cũng đủ ấm hồn lữ thứ. 
 
Cảm nhận ra thành phố những đường cong rồi chắc bạn yêu hơn “Thành phố nào vừa đi đã mỏi, đường quanh co quyện dưới chân đồi”(Lời nhạc “Thành phố buồn” của Lam Phương). Bạn có nhớ Trịnh còn viết, “Người đi hành hương mịt mờ lối sương. Người đi một mình, đồi dốc nghiêng xuống. Người đi một mình vực sâu gọi tên”. Phạm Công Thiện từng năn nỉ nông nổi với vũ trụ là “Cả thế giới hãy đổ nát hết đi, nhưng hãy chừa lại Đà Lạt, và Tây Tạng”. Tất nhiên đây là kiểu rung động, thăng hoa, chủ quan và bất công, “thiên vị” vô lý của một tâm hồn thi nhân rực rỡ về cảm xúc trước một xứ sở. Ngay những lời hát của ông nhạc sĩ đến từ tận cùng Tổ quốc, Lam Phương - quê Rạch Giá, Kiên Giang - kia, ngẫm kỹ đi, bạn thấy nó là lời khen đó, khen cho những con dốc, đường cong, cái hồn duyên thanh cảnh, u hoài, ngây ngây, ngơ ngơ, mờ mờ, ảo ảo. 
 
Đà Lạt hiền là nhờ những đường cong, phẩm chất chốn xứ. Bạn có thể quên tình thương vô thường nào đó, nhưng đừng quên núi đồi là được. Vì vậy, đừng bao giờ nỡ vung sổ thẳng trên thân thể Đà Lạt, làm biến mất đường cong của phố lạnh hồn hậu trên sơn nguyên. Giá trị của sự mong manh là dinh dưỡng, vật chất, sức mạnh mềm đó, là hồn cốt đô thị xứ mình. Hãy bật nhạc lên, nghe giùm nhau bản “Thành phố buồn”. Buồn mà sang, mà không “đụng hàng”, riêng biệt, của đất nước mình.
 
Tùy bút: NGUYỄN HÀNG TÌNH