Chàng họa sỹ trẻ và câu chuyện ''kết nối''

04:01, 15/01/2020

Tôi gặp và quen biết Hoàng Anh cũng đã được dăm bảy năm, từ khi chàng họa sỹ này vừa chân ướt chân ráo đến Ðà Lạt định cư cùng gia đình. Khác với vẻ ngoài của hầu hết những họa sỹ ở thành phố này mà tôi quen biết đều là những người khá trầm tính, ít nói;...

Tôi gặp và quen biết Hoàng Anh cũng đã được dăm bảy năm, từ khi chàng họa sỹ này vừa chân ướt chân ráo đến Ðà Lạt định cư cùng gia đình. Khác với vẻ ngoài của hầu hết những họa sỹ ở thành phố này mà tôi quen biết đều là những người khá trầm tính, ít nói; Hoàng Anh lại có vẻ bề ngoài khá hoạt bát và năng động. Anh cũng đặc biệt rất thân thiện, dễ làm quen và bắt chuyện với bất cứ ai. Một điều khiến tôi ấn tượng về Hoàng Anh đó là tất cả những câu chuyện anh khơi gợi trong những lần trò chuyện với mọi người xung quanh hầu như đều hướng đến nội dung về văn hóa, nghệ thuật của Ðà Lạt. Hoàng Anh ao ước và trăn trở “Làm gì để người dân địa phương quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật? Làm gì để khách du lịch đến với Ðà Lạt không chỉ để ngắm hoa, chụp hình, ăn uống mà còn đến để thưởng lãm nghệ thuật, để tìm hiểu văn hóa địa phương?!…”.
 
Triển lãm kết nối thế hệ của Hoàng Anh
Triển lãm kết nối thế hệ của Hoàng Anh
 
Nghệ sỹ tài hoa 
 
Sinh ra ở vùng đất Quảng Trị, ngay vùng giáp ranh giới tuyến chia cắt Bắc Nam, Hoàng Anh được nghe kể những câu chuyện từ giai đoạn đất nước còn chia cắt và cả những câu chuyện tồn tại trong các thế hệ sau khi giới tuyến được phá bỏ, vấn đề vùng miền, quan hệ giữa con người với con người, quan hệ giữa các thế hệ và sự yêu thương… Chính vì vậy, ngay những ngày đầu sáng tác, anh đã theo đuổi chuỗi chủ đề “Sự kết nối”. 
 
Hoàng Anh có triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 2004, tại Huế về chính chủ đề này. Triển lãm lần đầu của anh để lại những ấn tượng khá sâu sắc trong lòng người yêu nghệ thuật lúc bấy giờ bởi các tác phẩm sắp đặt khá ấn tượng và lạ mắt. Các bức tranh chân dung, kết hợp với những bức ảnh chụp nhân vật được sắp đặt trong bố cục “ống nối kết” tạo hiệu ứng tương tác, kéo người xem vào chính cảm xúc của tác phẩm và thấy như mình trở thành một phần của các tác phẩm. “Đây là ông nội tôi, bố tôi, chú bác tôi, anh em tôi. Đây là bà ngoại tôi, mẹ tôi, dì tôi, chị em tôi… Đây nữa, đây là bạn của tôi, bạn của bạn tôi, bạn của bạn của bạn tôi,… bạn của bạn của bạn của bạn của bạn tôi, cứ thế nối kết tâm tình giữa cuộc đời muôn giăng mắc kết nối. Và cả bạn nữa, những người có mặt ở đây, hôm nay kết nối những bàn tay cùng nhau, chúng ta dài rộng cùng với thời gian, xuyên qua năm tháng đời người và miên viễn đến mai sau…”. Các bức tranh được sắp đặt cùng với những ống nước tượng trưng cho những mạch máu nối các thế hệ lại với nhau, nối con người lại với nhau… 
 
Bộ tranh kết nối của Hoàng Anh khá thành công khi tạo được nhiều ấn tượng không chỉ trong nước mà còn được anh đưa đi giới thiệu tại các quốc gia như Hàn Quốc, Úc, Thụy Điển thông qua các dự án giao lưu nghệ thuật của các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế. Hiện Hoàng Anh đang có dự án dài hơi hơn, kết hợp với dự án từ năm 2004, thành bộ sưu tập những ống nước ở khắp nơi trên thế giới, thông qua đó sẽ sắp đặt kết nối giữa các thế hệ, kết nối gia phả, bạn bè, sắp đặt tổng hợp tất cả lại để tạo ra một chuỗi các mối quan hệ tổng hòa xã hội.
 
Hoàng Anh tham gia triển lãm tại Hàn Quốc?
Hoàng Anh tham gia triển lãm tại Hàn Quốc?
 
Mong ước Ðà Lạt trở thành một không gian của văn hóa nghệ thuật 
 
Sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị, học mỹ thuật tại Huế, có thời gian làm việc và sáng tác tại Huế, sau đó theo gia đình vào định cư và sinh sống tại Đà Lạt; chàng họa sỹ trẻ gốc miền Trung Nguyễn Hoàng Anh có lẽ vì vậy sống cũng khá lãng tử. Mỗi lần gặp anh, tôi luôn thấy hình ảnh của một bức tranh sinh động và đa sắc. Có lẽ, ở thành phố thoáng đến cứ tưởng náo nhiệt nhưng thật ra lại bao trùm bởi đa phần là sắc xám lạnh của mùa Đông thì cách sống của Hoàng Anh như để anh tự nạp năng lượng cho bản thân và phá tan đi cái không khí vốn nhiều nốt trầm của cuộc sống ở phố núi. Đà Lạt là thành phố lý tưởng cho các nghệ sỹ sáng tác, nhưng không phải là nơi lý tưởng để các nghệ sỹ phát triển nghề nghiệp. Vì vậy, nếu chỉ ôm ấp hoài niệm về vẻ đẹp lãng mạn và không khí yên bình thì có lẽ sẽ chẳng thể kéo mình ra ngoài thế giới rộng lớn. 
 
Để kéo mình ra khỏi “ao làng”, Hoàng Anh có nhiều cơ duyên giao lưu với bên ngoài. Từ lần được giới thiệu ban đầu, anh chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cuộc triển lãm nghệ thuật ở nước ngoài nhằm giao lưu học hỏi. Anh chủ động gửi các tác phẩm và ý tưởng thể hiện tác phẩm của mình thông qua cách nộp hồ sơ tham gia học hỏi và giao lưu với thế giới. Hoàng Anh đặc biệt rất quan tâm đến việc phát triển nghệ thuật đương đại, đa phương tiện như hiện nay. 
 
Những lần được tham gia các dự án nghệ thuật ở các nước đã giúp anh có thêm mối duyên làm quen, mở rộng mối quan hệ với nhiều nghệ sỹ khắp nơi trên thế giới và trở thành người kết nối Đà Lạt đến với mọi người. Ban đầu, Hoàng Anh kết nối các nghệ sỹ với không gian của mình và nhóm bạn không chỉ để giới thiệu tác phẩm của anh hay những người bạn mà thông qua các lần giao lưu, Hoàng Anh muốn giới thiệu văn hóa, nghệ thuật địa phương đến với bạn bè khắp nơi. Gần đây nhất, anh đã “bắc cầu” cho các nghệ sỹ của Hàn Quốc kết nối với các văn nghệ sỹ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, tạo tiền đề cho mối quan hệ trao đổi, tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật giữa đôi bên.
 
Đi nhiều nơi, tham gia nhiều không gian triển lãm và sáng tác nghệ thuật cả trong nước và ngoài nước, Hoàng Anh đặc biệt thấy việc phát triển những không gian nghệ thuật “art space” rất cần thiết trong giai đoạn hiện tại ở các vùng, địa phương, từ đó thúc đẩy phát triển văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là phát triển các loại hình nghệ thuật mới. Anh mong ước, Đà Lạt cũng sẽ sớm có một trung tâm nghệ thuật để các bạn trẻ có ý tưởng mới, có gu riêng, có nơi để giới thiệu tác phẩm, sinh hoạt giao lưu. “Là thành phố du lịch đang phát triển, nếu như nghệ thuật cũng được phát triển mạnh mẽ song hành ở Đà Lạt thì sẽ nâng tầm được văn hóa địa phương. Bởi trung tâm nghệ thuật chính là nơi chia sẻ được những giá trị văn hóa, cuộc sống và rất nhiều những câu chuyện nhân văn của người dân bản địa thông các các hình thức nghệ thuật”. 
 
Giao lưu trao đổi với các nghệ sỹ nước ngoài tại Đà Lạt?
Giao lưu trao đổi với các nghệ sỹ nước ngoài tại Đà Lạt?
 
Hoàng Anh đặc biệt muốn kết nối và tăng cường giao lưu, tiến tới thúc đẩy tạo được không gian nghệ thuật ở Đà Lạt, và đó cũng chính là ấp ủ của Hoàng Anh. “Họa sỹ bây giờ không chỉ vẽ tranh, mà có thể tham gia làm nghệ thuật sắp đặt, video art; nhà thơ cũng có thể giới thiệu thơ bằng một cách mới với nhiều cách chứ không chỉ đơn thuần là phát hành thành những tập sách theo kiểu truyền thống. Hiện nay, có nhiều cách làm tạo sự mới lạ, và truyền tải ý niệm của mình rất tốt”.
 
Những không gian nghệ thuật hiện đại như vậy hiện rất phát triển ở Huế, Sài Gòn và các nước, thu hút được sự quan tâm không chỉ của du khách mà cả người dân địa phương. Mong muốn lớn nhất của Hoàng Anh là Đà Lạt có không gian nghệ thuật thật sự hấp dẫn cả người địa phương lẫn khách du lịch. “Thành phố du lịch là nơi cực kỳ tuyệt vời để hoạt động nghệ thuật. Đà Lạt những năm gần đây phát triển rất mạnh về du lịch, nhưng văn hóa nghệ thuật lại không mấy phát triển. Tôi mong muốn địa phương quan tâm hơn đến việc hỗ trợ để thúc đẩy văn hóa nghệ thuật phát triển”. Có lẽ chính từ suy nghĩ này mà mỗi khi có dịp, anh đều muốn đưa Đà Lạt đến với các nghệ sỹ khắp nơi và ngược lại nhằm mục đích xây dựng không gian văn hóa nghệ thuật đa sắc, sôi động cho Đà Lạt. Những việc làm ý nghĩa ấy góp phần xây dựng một không gian văn hóa nghệ thuật mang bản sắc Đà Lạt.
 
NGUYÊN THI