Đà Lạt - ''Góc nhỏ thiên đường''

09:01, 18/01/2020

Tôi đã vồ vập hỏi ông "Liệu Ðà Lạt có phải là thiên đường đã mất?". Với sự lịch thiệp thường thấy của một nhà ngoại giao, cùng ít nhiều sự hào hoa sẵn có từ trong huyết quản của những người đàn ông Pháp, ông đáp từ: "Tôi không nghĩ thế, thành phố này vẫn là một "góc nhỏ thiên đường" đầy quyến rũ...".

Tôi đã vồ vập hỏi ông “Liệu Ðà Lạt có phải là thiên đường đã mất?”. Với sự lịch thiệp thường thấy của một nhà ngoại giao, cùng ít nhiều sự hào hoa sẵn có từ trong huyết quản của những người đàn ông Pháp, ông đáp từ: “Tôi không nghĩ thế, thành phố này vẫn là một “góc nhỏ thiên đường” đầy quyến rũ...”.
 
Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Pháp - NicolasWarnery chính thức nhậm chức vào trung tuần tháng 10/2019 sau khi trình Quốc thư lên đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHXH CN Việt Nam. Trong quãng thời gian bận rộn của một người mới, trên cương vị mới, trong cả tư cách của một Đại sứ, nhưng phần nhiều là tình cảm đặc biệt của một người yêu Đà Lạt, ông đã dành cho Báo Lâm Đồng sự chia sẻ về thành phố, về hiện tại và cả những mối quan hệ, hợp tác tốt đẹp ở thì tương lai trong dịp năm mới 2020.
 
PV: Xin chào Ngài Đại sứ, trước hết ông có thể chia sẻ những ấn tượng riêng của mình, những kỷ niệm đặc biệt của mình về thành phố này. Ngài có cái nhìn như thế nào về Đà Lạt hiện nay và sự phát triển của thành phố trong thời gian vừa qua? 
 
Đại Sứ Nicolas Warnery
Đại Sứ Nicolas Warnery
Đại Sứ Nicolas Warnery: Tôi đã tới Đà Lạt nhiều lần, từ khi tôi giữ chức vụ Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh cách đây khoảng 15 năm. Tôi đã rất thích thú với khí hậu và ánh sáng ở đây, cũng như di sản văn hóa và vẻ đẹp phong cảnh. Tôi hy vọng sẽ có thời gian sớm quay trở lại đây. 
 
Ngay từ khi được thành lập vào đầu thế kỷ 20, Đà Lạt đã được nghĩ tới như một thành phố của Pháp tại châu Á, ở vùng khí hậu ôn đới, để người Pháp và người châu Âu có thể nghỉ ngơi sau những mệt mỏi do khí hậu nhiệt đới ở miền Nam Việt Nam mà hồi đó được cho là gây nguy hiểm tới sức khỏe, nhất là các bệnh như sốt rét. Các kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị đã lựa chọn xây các con đường và các khu phố xung quanh những trung tâm trọng tâm như hồ, chợ... và trồng những rừng thông tuyệt đẹp. Thay vì xác định một kiểu kiến trúc chung cho toàn thành phố, họ đã thiên về sử dụng các kiểu kiến trúc tại nhiều vùng của Pháp như Normandie, Pays Basque, Bretage, Savoie để tạo dựng một môi trường đa dạng.
 
Hiện nay, Đà Lạt nổi tiếng về những biệt thự Pháp và thu hút rất nhiều khách du lịch của Việt Nam và của nước ngoài. Thành phố mang một hình ảnh lãng mạn, vẻ duyên dáng thầm kín và vẻ êm đềm. Nhà ga trung tâm theo trường phái Nghệ thuật Art Deco, được lấy cảm hứng từ nhà ga Trouville-Deauville tại Normandie, những cánh đồng hoa oải hương và hoa Hướng dương khiến gợi nhớ tới vùng Provence. Việc phát triển một phong cách và lối sống theo kiểu Pháp, như là một cách thức để thu hút nhiều hơn nữa những khách du lịch kiếm tìm nơi đây nét duyên dáng và lãng mạn của đất nước hình lục lăng, có lẽ sẽ là một thế mạnh thực sự cho Đà Lạt.
 
■ PV: Cuối thế kỷ 19, khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer đã quyết định chọn cao nguyên Lâm Viên theo đề nghị của bác sĩ Alexandre Yersin, người từng thám hiểm nơi đây vào năm 1893. Có nhiều người Pháp, nhất là giới trẻ Pháp còn biết tới điều này không thưa Đại sứ?
 
Đại sứ Nicolas Warnery: Điều này được biết đến rất nhiều ở Việt Nam, nơi Alexandre Yersin đã trở thành một gương mặt được người dân Việt Nam yêu thích và kính trọng. Câu chuyện là hiện thân của những giá trị về hy sinh lợi ích bản thân, sự tận tụy với khoa học và về chủ nghĩa nhân văn. Đó là những giá trị mà nước Pháp mong muốn tôn vinh thông qua việc đặt tên trường trung học Pháp tại Hà Nội mang tên Alexandre Yersin. Do vậy, tất cả những người Pháp sinh sống tại Hà Nội và đặc biệt là giới trẻ đều biết cái tên Alexandre Yersin và gương mặt ông, bởi vì chân dung ông được dựng với khổ lớn đã tô điểm thêm cổng trường.
 
Tuy nhiên, tại Pháp, gương mặt Alexandre Yersin đã phần nào bị lãng quên, chẳng hạn ít được biết đến hơn bác sĩ Albert Schweitzer - người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1952 và là người sáng lập ra bệnh viện trong rừng xích đạo tại Gabon từ năm 1913. Cũng có thể bởi vì bác sĩ Alexandre Yersin không viết hồi ký hoặc sách mà chỉ viết về khoa học. Cũng có thể bởi vì ông ít trở lại Pháp sau khi đã chọn sinh sống ở Nha Trang. 
 
Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Năm 2012, một cuốn tiểu thuyết về ông - “Dịch hạch và thổ tả” của Patrick Deville đã được xuất bản và được Giải thưởng Femina. Năm 2015, một tàu thăm dò và nghiên cứu đã được Quỹ Hoàng tử Albert II của Công quốc Monaco đặt tên Le Yersin. Tại Montepellier, Hội “Những người bạn của Đà Lạt theo dấu chân Yersin” (ADALY) được thành lập với mục đích hiểu rõ hơn về thành phố Đà Lạt và tưởng nhớ về Alexandre Yersin. 
 
Tôi không loại trừ khả năng sẽ có một bộ phim nói về nhân vật trong những năm tới, vì cuộc đời ông vô cùng đặc biệt!
 
Trung tâm Pháp ngữ - một trong những nơi tạo môi trường phát triển Pháp ngữ tại Đà Lạt.
Trung tâm Pháp ngữ - một trong những nơi tạo môi trường phát triển Pháp ngữ tại Đà Lạt.
 
PV: Trong chiến lược phát triển lâu dài thành phố Đà Lạt; Chính phủ Việt Nam, tỉnh Lâm Đồng cũng đã có nhiều lần, thông qua nhiều chương trình, xúc tiến với phía Pháp đề nghị nước Pháp giúp đỡ về vấn đề quy hoạch. Điển hình như năm 2012 đã có Hội thảo “Ý tưởng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được tổ chức tại thủ đô Paris, dưới sự chủ trì của Bộ Xây dựng Việt Nam phối hợp với Công ty quy hoạch đô thị và cảnh quan của Pháp - Interscène, UBND tỉnh Lâm Đồng. Đại sứ có thể cho biết việc hỗ trợ quy hoạch Đà Lạt từ phía Pháp đã có những bước tiến đáng kể nào chưa? Và tương lai về vấn đề này sẽ tiếp tục có những tín hiệu tốt đẹp?
 
■ Đại sứ Nicolas Warnery: Tôi nhớ rằng chính bản thân tôi, vào năm 2004, cùng với văn phòng Công ty kiến trúc Pháp Archétype đã tới Đà Lạt để trình bày với UBND thành phố Đà Lạt về một đề xuất quy hoạch, nhằm bảo tồn vẻ đẹp của thành phố. Nghiên cứu “Đà Lạt tổng thể” được tiến hành vào năm 2012 với Công ty quy hoạch đô thị Interscène của Paris, đã mang lại triển vọng cho kế hoạch định hướng của thành phố Đà Lạt hiện đang được tiến hành. 
 
Năm 2013, nhân dịp các lễ hội kỷ niệm 120 năm thành phố hình thành và phát triển, Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) với sự cộng tác của Cục Lưu trữ Nhà nước Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng tổ chức một triển lãm, nhằm đưa ra đối thoại những vấn đề về gìn giữ di sản và triển vọng đô thị thông qua việc cung cấp cho du khách bản đồ hình ảnh lịch sử của thành phố. Năm 2018, người tiền nhiệm của tôi đã khánh thành tại Đà Lạt một ngôi nhà Pháp ngữ, ra đời từ sáng kiến của Nicolas Leymonerie - một thanh niên Pháp nỗ lực thúc đẩy nền văn hóa Pháp và Pháp ngữ tại Đà Lạt và Lâm Đồng.
 
Tương lai quan hệ giữa Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và Pháp chắc chắn được thực hiện thông qua hợp tác phi tập trung. Sau cuộc tiếp xúc đầu tiên nhân dịp Hội nghị hợp tác phi tập trung Pháp - Việt tại Toulouse vào tháng 4 năm 2019; một phái đoàn của vùng Occitanie do ngài Phó Chủ tịch vùng dẫn đầu đã tới Đà Lạt vào tháng 11 vừa qua và đã ký kết với thành phố một thỏa thuận định hướng hợp tác trong ba lĩnh vực: Nông nghiệp, di sản văn hóa và du lịch bền vững. Hai địa phương đã có thể nhận thấy rất nhiều điểm chung trong phát triển, đặc biệt cả hai vùng đều sản xuất rượu vang và đã phát triển nghề trồng hoa khiến cảnh quan tươi đẹp.
 
■ PV: Mặc dù là một đô thị nổi tiếng về du lịch của Việt Nam, nhưng hiện nay thành phố lại thiếu vắng các địa điểm văn hóa, giải trí đa dạng. Quá trình đô thị hóa ồ ạt khiến thành phố ngày nay phải chịu nhiều hệ lụy. Những cánh rừng thông biến mất, nhiều danh thắng và di tích của thành phố bị xuống cấp. Sự thiếu quy hoạch đồng bộ trong những thập niên gần đây khiến kiến trúc đô thị Đà Lạt chịu nhiều biến dạng. Ngài có suy nghĩ như thế nào về thực trạng này và để giải quyết tận gốc những vấn đề này, theo Đại sứ thành phố cần phải tiến hành những bước đi nào đầu tiên?
 
■ Đại sứ Nicolas Warnery: Tôi không có chức năng có thể thay thế các cơ quan của thành phố và tỉnh. Đà Lạt đã luôn là một thành phố sống động, phong phú và đa dạng, và lối sống “theo kiểu Pháp” không phải là bản sắc duy nhất của thành phố. Thành phố trên cao, thành phố điều dưỡng, thành phố nghỉ dưỡng, thành phố du lịch, thành phố phát triển nông nghiệp và hoa, thành phố đại học và du lịch, thành phố đổi mới: Tất cả những phát triển này, ở các cấp độ khác nhau đã ảnh hưởng tới lịch sử của Đà Lạt và định hướng tương lai của thành phố. 
 
Tôi xin nói thêm rằng, các thành phố của Pháp ở vùng Occitanie: như Toulouse, Montpellier, Perpigan, Nimes hoặc Carcassonne đã thành công trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế cùng với phát triển bền vững và du lịch văn hóa. Những kinh nghiệm này sẽ có thể được tận dụng trong khuôn khổ hợp tác giữa tỉnh Lâm Đồng và vùng Occitanie. 
 
Ảnh: N.Thi
Ảnh: N.Thi
 
■ PV: Kiến trúc sư Thiery Huau - Giám đốc Công ty Interscène, một trong những chuyên gia hàng đầu về quy hoạch đô thị của Pháp và là một trong những tác giả của Đồ án quy hoạch Đà Lạt đã từng nói: “Thiết kế lại vườn địa đàng”. Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra hết sức khó khăn với nhiều thách thức như cư dân, hạ tầng. Đà Lạt đã từng là một thiên đường nghỉ dưỡng hoàn hảo, vậy theo Đại sứ có thể tìm lại vườn địa đàng như lời KTS. Thiery Huau đã nói được không?
 
■ Đại sứ Nicolas Warnery: Tôi không nghĩ rằng Đà Lạt là “một thiên đường đã mất”. Thành phố này vẫn là “một góc nhỏ thiên đường” quyến rũ nhiều du khách: 6 triệu khách du lịch hàng năm tới Đà Lạt, trong đó có gần 9.000 người Pháp là một minh chứng. 
Thành phố cần thích nghi với việc du lịch số đông này, đồng thời cần duy trì chất lượng tiếp đón và nét duyên dáng của cảnh quan. Thành phố đã thành công trong việc thu hút giới trẻ, đặc biệt là các cặp đôi trẻ. Thung lũng Tình Yêu đã có từ thời Pháp nhưng chỉ tới thời gian gần đây mới trở thành một địa điểm dạo chơi không thể thiếu cho các đôi uyên ương, với sự phát triển của hồ Đa Thiện vào năm 1972. Năm 2015, khu vực Lang Biang (Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà - PV) đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển. 
 
Và rất nhiều biệt thự truyền thống tại Đà Lạt đang được các nhà đầu tư sửa sang để đón tiếp du khách, khiến kỳ nghỉ của họ tại Đà Lạt trở thành một kỷ niệm đẹp. 
 
■ PV: Ngoài thiết kế Đà Lạt là thiên đường nghỉ dưỡng, du lịch, người Pháp cũng đã từng kiến tạo cho Đà Lạt trở thành một trung tâm giáo dục - đào tạo có tầm khu vực. Vậy Ngài có thể chia sẻ trong tương lai, người Pháp có những dự án gì về lĩnh vực này ở Đà Lạt?
 
■ Đại sứ Nicolas Warnery: Quả thật, người Pháp trước kia đã xây dựng tại Đà Lạt các cơ sở giảng dạy để đón tiếp giới trẻ Pháp và giới trẻ Đông Dương, nhưng giai đoạn này đã thay đổi. Trường trung học Yersin trước kia hiện giờ là một trường sư phạm. Hai trường đại học của thành phố, Đại học Đà Lạt và Đại học Yersin, trong quá khứ đã có những quan hệ hợp tác với các cơ sở của Pháp, nhưng mối quan hệ này đã bị đứt đoạn. 
 
Tuy nhiên, theo sáng kiến của doanh nhân trẻ người Pháp cư trú tại thành phố, một trường dạy tiếng Pháp đã mở cửa vào năm 2016. Cơ sở này hàng tuần đón tiếp khoảng 60 học sinh và làm sống động Pháp ngữ tại Đà Lạt. Đây là một cơ sở tư nhân, nhưng Đại sứ quán Pháp rất vui mừng vì sự phát triển này. Sau cùng, tiếng Pháp vẫn được duy trì tại Trường THPT Thăng Long; một nhóm các em học sinh của trường đã được giải thưởng trong kỳ thi Olimpic Vật lý tại Pháp vào tháng 2 năm 2019.
 
■ PV: Thêm một câu hỏi cuối cùng, trước khi nhậm chức Đại sứ, Ngài đã từng có một nhiệm kỳ làm Tổng lãnh sự Pháp tại TP Hồ Chí Minh. Đại sứ và gia đình mình đã đến Đà Lạt nghỉ dưỡng nhiều chưa và Ngài cũng như gia đình mình có nghĩ đây sẽ là một địa điểm đáng để quay lại?
 
■ Đại sứ Nicolas Warnery: Vâng, chúng tôi đã có dịp ăn tết tại Đà Lạt (Tết Nguyên đán cổ truyền Việt Nam - PV). Tôi có một kỷ niệm rất đẹp: Chúng tôi đã tìm thấy một nhà hàng chấp nhận phục vụ chúng tôi và ở đó chúng tôi là những khách hàng duy nhất. Gia đình chủ nhà hàng đón tết ngay tại phòng bên cạnh và để cửa mở. Chúng tôi đã ăn những món ăn như gia đình của họ và do vậy chúng tôi đã được ở trong bầu không khí như của một gia đình Việt Nam đón năm mới mà không cần phải gặp và làm phiền họ.
 
Thông qua Báo Lâm Đồng, tôi cũng xin thay mặt Đại sứ quán Pháp và cá nhân tôi, gửi lời chúc tốt đẹp nhất về sức khỏe, sự thành công đối với lãnh đạo của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và người dân của các bạn. Hy vọng nỗ lực của các bạn sẽ giúp cho Đà Lạt và Lâm Đồng có được sự phát triển như mong muốn. 
 
PV: Cuối cùng xin trân trọng cảm ơn Ngài vì đã chia sẻ và chúc Ngài cùng gia đình mình thật nhiều sức khỏe, cũng như nhiệm kỳ của Ngài trên cương vị Đại sứ có thật nhiều kết quả tốt đẹp!
 
TUẤN LINH (Thực hiện)