Đô thị di sản trong tương lai

11:01, 10/01/2020

Di sản quy hoạch, kiến trúc độc đáo làm gia tăng "cá tính" của một thành phố mà Ðà Lạt có cơ may sở hữu quần thể hệ thống kiến trúc dinh thự, biệt thự, công trình công cộng được kiến tạo, xây dựng cách đây trăm năm...

Di sản quy hoạch, kiến trúc độc đáo làm gia tăng “cá tính” của một thành phố mà Ðà Lạt có cơ may sở hữu quần thể hệ thống kiến trúc dinh thự, biệt thự, công trình công cộng được kiến tạo, xây dựng cách đây trăm năm. Câu hỏi đặt ra làm sao để bảo tồn vốn quý từ quỹ di sản kiến trúc, cảnh quan song hành với sự phát triển tiếp nối, tránh rơi vào trạng thái “đứt gãy” ký ức đô thị đặt trong tổng thể tầm nhìn phát triển các mặt quy hoạch, kiến trúc và văn hóa, lịch sử của vùng đất, hướng đến kiến tạo đô thị di sản? 
 
Thành phố Đà Lạt có những giá trị cần nghiên cứu để định hình đô thị di sản. Ảnh: Võ Trang
Thành phố Đà Lạt có những giá trị cần nghiên cứu để định hình đô thị di sản. Ảnh: Võ Trang
 
Đà Lạt là một thành phố có bản sắc, không giống như các đô thị khác trong hệ thống đô thị Việt Nam. Hệ thống kiến trúc công trình ấy đặt trong hệ sinh thái đô thị với khí hậu ôn hòa, đồi núi, rừng cây, chuỗi thác hồ mà trở nên sang trọng, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, nghiễm nhiên trở thành những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, tạo ra giá trị nổi trội được lưu cữu, chứng thực qua hơn thế kỷ. 
 
Cho đến hôm nay Đà Lạt vẫn là một đô thị trọn vẹn về phương diện hình thái, kiến trúc, cảnh quan; sự hòa quyện giữa thời gian, không gian, sự sống chung giữa kiến trúc đô thị và thiên nhiên vì vậy mang trong đó giá trị to lớn và đặc sắc. Tuy nhiên, đứng trước sự đòi hỏi phát triển đô thị theo hướng hiện đại, đặt ra cho thành phố bài toán làm thế nào để phát triển, mở rộng Đà Lạt nhưng vẫn bảo tồn các giá trị vốn có của đô thị. Do đó, Quyết định số 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050” có ý nghĩa lớn đối với thành phố. Qua đó, đặt ra mục tiêu phát triển “xây dựng phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa, lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. Trong đó định hướng không gian thành phố với các nhiệm vụ “bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên”. Đặc biệt nhấn mạnh đến trục di sản kiến trúc, chuỗi mặt nước và các tuyến cảnh quan.
 
 
Theo TS Ngô Viết Nam Sơn, cần phải lập một chiến lược phát triển bền vững, kết hợp với bảo tồn các giá trị di sản và giá trị thiên nhiên để hướng dẫn cho tất cả các dự án cải tạo, chỉnh trang, và phát triển trên toàn thành phố. Cụ thể nên có 4 định hướng chiến lược chính: Đưa ra các chính sách và quy hoạch bảo tồn các di sản quy hoạch kiến trúc; ban hành các chính sách và quy hoạch bảo tồn các giá trị thiên nhiên, đem lại không gian nghỉ dưỡng lãng mạn của thành phố cao nguyên; các chính sách và quy hoạch phát triển các không gian đô thị mang bản sắc hiện đại, tại các khu vực đô thị mới gần trung tâm và có chính sách khuyến khích hợp tác công tư, giữa chính quyền với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong việc bảo tồn và phát triển Đà Lạt phù hợp với lợi ích chung của tất cả những chủ thể có liên quan.
 
Với những giá trị hiện có và đặt trong tầm nhìn phát triển đô thị Đà Lạt, mới đây Sở Xây dựng Lâm Đồng đã tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề “Hướng đến xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị di sản”. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quang Trung: Luật Di sản văn hóa năm 2001 và được sửa đổi bổ, sung năm 2009 chỉ xác định đối với Di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, chưa có khái niệm về “Đô thị di sản”. Vì vậy, Sở Xây dựng nhận thấy Đà Lạt có những giá trị cần được xem xét nghiên cứu để bảo vệ và phát huy các giá trị, nhằm hướng tới xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị di sản trong tương lai.
 
Di sản kiến trúc thời Pháp thuộc cần được bảo tồn. Ảnh: Võ Trang
Di sản kiến trúc thời Pháp thuộc cần được bảo tồn. Ảnh: Võ Trang
KTS TRẦN VĂN VIỆT - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng
 
Quan điểm bảo tồn di sản văn hóa và quy hoạch phát triển đô thị không tách rời nhau, cũng như vấn đề nghiên cứu khoa học và vai trò quản lý nhà nước giữa các ngành chức năng (về quy hoạch xây dựng, đầu tư phát triển và bảo tồn di sản văn hóa) luôn hỗ trợ cho nhau. Kinh nghiệm cho thấy, thông qua đồ án “Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (có sự tham gia ý tưởng của các chuyên gia Pháp, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014) đã định hướng cho mục tiêu hình thành các đô thị vệ tinh của vùng Đà Lạt. Theo đó, không chỉ là mở rộng ranh giới địa lý, mà chủ đích nhằm kiến tạo nên các giá trị văn hóa đô thị từ Đà Lạt lan tỏa đến các đô thị giáp ranh, trở thành một vùng đô thị thống nhất, trong đó Đà Lạt sẽ trở thành một “đô thị lịch sử” cần được bảo tồn và phát triển theo cách riêng.
 
Trong lộ trình hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển Đà Lạt trở thành một “Đô thị di sản”, chúng tôi đề xuất một số giải pháp bước đầu, chủ yếu sau:
 
1) Trước hết, cần tập hợp các bản đồ từ thời bác sĩ Yersin đi tìm đất, đến các đồ án quy hoạch chung của Đà Lạt (từ thời Pháp thuộc), để lập hồ sơ đề xuất Nhà nước công nhận là quỹ di sản văn hóa về tư liệu lịch sử của thành phố.
 
2) Nghiên cứu rà soát, đánh giá lại giá trị (về lịch sử và thẩm mỹ) của quỹ kiến trúc công trình và cảnh quan đô thị hiện có tại một số khu vực, tuyến đường của thành phố, để lập kế hoạch tổ chức quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, khoanh vùng bảo vệ, định hướng phong cách kiến trúc phù hợp cho những công trình dự kiến xây dựng mới, hoặc khu vực giáp ranh công trình di sản, nhằm góp phần hợp thành một quần thể khu vực kiến trúc (cũ và mới) có giá trị như một thành phần di sản văn hóa không thể tách rời của đô thị.
 
3) Tiếp tục triển khai định hướng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận (theo Quyết định số 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và nghiên cứu, rà soát, kể cả đề xuất điều chỉnh, bổ sung cục bộ một số khu vực thuộc đồ án nếu xét thấy còn bất cập; đặc biệt chú trọng quy hoạch xây dựng và phát triển Đà Lạt theo định hướng là “Đô thị di sản”.
 
4) Tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học nhằm đúc kết những ý tưởng, giải pháp có giá trị, hình thành các giải pháp khả thi nhất, tiến tới xây dựng bộ hồ sơ tập hợp các giá trị di sản văn hóa (nói chung) và về quy hoạch - kiến trúc của Đà Lạt (nói riêng), làm nền tảng vững chắc cho công cuộc kiến tạo nên một đô thị đặc thù. Từ đó đề xuất Nhà nước công nhận Đà Lạt là “Thành phố của quỹ di sản quy hoạch - kiến trúc”, một “Đô thị di sản” kiểu mẫu và đặc trưng nhất Việt Nam...
 
KTS LÊ TỨ - Chủ tịch Hội KTS Lâm Đồng
 
Di sản đô thị Đà Lạt có giá trị độc đáo về nghệ thuật quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, về công năng sử dụng. Phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị trong phát triển đô thị sẽ nâng cao giá trị của: Các khu vực đô thị; mang nhiều lợi ích kinh tế cho địa phương; di sản kiến trúc tham gia các sinh hoạt của đô thị là góp phần bảo tồn di sản đô thị, bảo tồn di sản đô thị là mang sức sống mới cho di sản kiến trúc.
 
Trong khuôn khổ các hoạt động liên quan đến di sản phải được thể chế hóa bằng chính sách và các công cụ mang tính pháp chế. Vì vậy, có một số đề xuất: Thành phố cần thành lập Ban quản lý di sản đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo tồn di sản; xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp; chính quyền điều tiết bằng chính sách, có ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ người dân; xây dựng cơ chế tiếp nhận các sáng kiến cộng đồng, người dân, người nước ngoài; phát huy giá trị kinh tế của di sản thông qua hoàn thành, hoàn thiện hệ sinh thái di sản; kịp thời đánh giá khoa học và đầy đủ các di sản đô thị để xếp hạng...
 
KHẢI NHIÊN (lược ghi)
 
HỒ XUÂN TRUNG