Gia đình nông nghiệp đặc biệt

01:01, 20/01/2020

Người ta biết đến nông dân Nguyễn Hồng Phong với vị trí Giám đốc Công ty TNHH Nông sản SXTM Phong Thúy sản xuất rau công nghệ cao nổi tiếng đặt ở Đức Trọng...

Người ta biết đến nông dân Nguyễn Hồng Phong với vị trí Giám đốc Công ty TNHH Nông sản SXTM Phong Thúy sản xuất rau công nghệ cao nổi tiếng đặt ở Đức Trọng. Người ta nhắc tới nông dân Nguyễn Quốc Thắng gắn với vườn ươm và trang trại sản xuất rau hữu cơ quy mô lớn Thiên Sinh ở xã Lạc Lâm, Đơn Dương. Những năm 2014, nhiều nhà nông tìm tới nông dân Nguyễn Thanh Hùng để tham quan, học hỏi người đi đầu trong việc mang công nghệ sản xuất rau thủy canh về đất này… Nhưng có điều đặc biệt ít ai biết đến, đó là những “ông lớn” trong nông nghiệp Lâm Đồng ấy là anh em ruột trong một gia đình nông dân chính hiệu.
 
Ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Phong Thúy đang giới thiệu với đoàn nông dân các nước Đông Nam Á khi tham quan trang trại
Ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Phong Thúy đang giới thiệu với đoàn nông dân các nước Đông Nam Á khi tham quan trang trại
 
Cha truyền
 
Năm 1954, ông Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1928) cùng vợ theo đoàn người di cư từ xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương xa xôi vào đặt nhát cuốc khai hoang trên vùng kinh tế mới ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương bây giờ. Mưu sinh trên miền đất mới, đôi vợ chồng trẻ cần mẫn “một nắng hai sương” gieo hạt thóc, hạt bắp, ươm mầm cây để ổn định cuộc sống. Và như cây cối nảy mầm tốt tươi trên mảnh đất Lạc Lâm bao la màu mỡ này, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Hòa lần lượt nghe tiếng khóc chào đời của 9 đứa con: 8 trai, một gái.
 
9 đứa trẻ lần lượt lớn lên như củ khoai, hạt lúa. 8 người con trai đều làm nông nghiệp. Họ tỏa đi nhiều miền, chăm chỉ sản xuất, tạo dựng cơ ngơi. Anh Nguyễn Quốc Thắng (47 tuổi), người con trai thứ 7 trong gia đình là người duy nhất còn sinh sống và canh tác trên mảnh đất của cha mẹ ngày trước ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương. Anh nói: “Thời điểm mới vào, không có “miếng đất cắm dùi”, cha mẹ đi làm thuê, sau đó khai hoang rồi mua thêm ruộng đất. Trước giải phóng, ông bà đã có trên 7 ha đất. Sau này gia đình vào hợp tác xã. Đến khi hợp tác xã giải thể, ông mua lại một ít đất để sản xuất. Ngày ấy, 8 anh em cứ nửa ngày đi học, nửa ngày giúp cha mẹ làm ruộng, tưới cây, cắt cỏ, chăn bò…”.
 
Chị Nguyễn Thị Kiêm, vợ anh Nguyễn Thanh Hùng - chủ trang trại rau thủy canh Hùng Kiêm bên sản phẩm rau thủy canh mà vợ chồng anh chị đã dày công gây dựng
Chị Nguyễn Thị Kiêm, vợ anh Nguyễn Thanh Hùng - chủ trang trại rau thủy canh Hùng Kiêm bên sản phẩm rau thủy canh mà vợ chồng anh chị đã dày công gây dựng
 
Trong 8 anh em, chỉ có duy nhất anh cả được học đến Trung cấp Nông Lâm Súc tại Bảo Lộc. 7 anh em còn lại chỉ học đến hết lớp 12 và học từ cha. “Cha là người nông dân đất Bắc chính hiệu. Vào Nam Tây Nguyên này sinh sống, ông vẫn giữ cách sản xuất của người Bắc. Cha dạy rất nhiều trong cách làm nông nghiệp, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như cách cuốc đất. Các dụng cụ lao động như cuốc, cào… đi làm về phải dựng ngay ngắn ở góc nhà. Lưỡi cuốc phải đặt quay vào trong để tránh nguy hiểm khi ai đó lỡ giẫm phải. Trong một gia đình mang đậm nét truyền thống đất Bắc, cha nói không được phép cãi. Cha làm việc các con cũng phải làm việc. Trong lao động, ông nói rất ít, việc gì cũng cha làm trước rồi con cứ thế mà làm theo. Bữa cơm gia đình nào cha cũng nói những chuyện liên quan đến nông nghiệp, ruộng vườn, thời tiết. Năm này qua năm khác, những lời cha dạy như mưa dầm thấm lâu vào trong suy nghĩ và gieo tình yêu vào cho các con”, anh Thắng nhớ lại.
 
Lúc còn nhỏ, cả 8 người con trai đều cảm thấy việc phải lao động, phải làm việc đúng giờ, phải tỉ mỉ, cẩn thận… rất mệt và chán nản. Như người đánh đàn, lúc đầu học rất khó, rất chán và muốn bỏ cuộc, nhưng khi đã đệm được cho ai đó hát một bài trọn vẹn thì lại bắt đầu mê. Đối với 8 anh em cũng vậy, vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu, bước vào tuổi trưởng thành thì cả 8 anh em đều trỗi dậy đam mê với nghề nông. Rồi họ tự mò mẫm, học hỏi thêm, để sau nhiều năm, mỗi người theo đuổi và thành công trong những mảng khác nhau của nghề chung: nông nghiệp.
 
Ông Nguyễn Quốc Thắng - Chủ vườn ươm và trang trại sản xuất rau hữu cơ Thiên Sinh
Ông Nguyễn Quốc Thắng - Chủ vườn ươm và trang trại sản xuất rau hữu cơ Thiên Sinh
 
Con nối
 
8 anh em trong gia đình nông nghiệp ấy gồm Nguyễn Anh Dũng (64 tuổi), chủ trang trại sản xuất rau và nuôi bò thịt ở thôn K’Nai, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng; Nguyễn Công Tâm (62 tuổi), chủ trang trại sản xuất rau VietGAP ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương; Nguyễn Thanh Hùng (58 tuổi), chủ trang trại rau sạch - thủy canh Hùng Kiêm và nuôi 80 con bò thịt tại xã Lạc Xuân; Nguyễn Hồng Phong (54 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH SXTM Nông sản Phong Thúy; Nguyễn Phong Phú (52 tuổi), chủ vườn ươm và trang trại nuôi 70 con bò sữa ở Đức Trọng; Nguyễn Phú Quốc (49 tuổi), sản xuất nông nghiệp ở Đức Trọng và hợp tác với Công ty TNHH Nông sản Phong Thúy của anh trai; Nguyễn Quốc Thắng (47 tuổi), chủ vườn ươm và trang trại sản xuất rau hữu cơ Thiên Sinh ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương; Nguyễn Minh Cường (45 tuổi), chủ vườn ươm và cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp tại huyện Đơn Dương. 
 
Trong 8 anh em, nay người trẻ nhất cũng đã qua tứ tuần. Nhìn lại chặng đường đã qua, tưởng chừng như chớp mắt. Đầu những năm 1990, mỗi người lần lượt tách ra tìm hướng đi cho riêng mình. “Hai vợ chồng cưới nhau năm 1984, mãi đến hơn 6 năm sau mới tách ra ở riêng. Ban đầu đất ít, vốn liếng cũng chẳng có là bao, hai vợ chồng cần mẫn trồng rau, nuôi thêm bò thịt. Dần dần gom góp tiền thu được từ rau, từ bò, thuê đất, mua thêm đất mở rộng sản xuất. Khi được mùa thấy vui không kể xiết, mùa mất thì trắng tay. Hai vợ chồng lại động viên nhau tiếp tục sản xuất. Sau này có điều kiện đi tham quan, học tập về nông nghiệp ở nước ngoài, được tiếp cận với kỹ thuật sản xuất rau thủy canh, mê lắm mà không đủ vốn, cũng lo sợ rủi ro thì trắng tay nên chỉ dám làm thí điểm một sào. Sau 5 năm mới mở rộng được diện tích 1 ha rau thủy canh như hiện nay”, chị Nguyễn Thị Kiêm, vợ anh Nguyễn Thanh Hùng - chủ trang trại rau thủy canh Hùng Kiêm nhớ lại. 
 
Ngoài 8 anh em trai, con cái của họ cũng đang tiếp nối gắn bó với nghề nông. Nhưng thế hệ thứ 3 ấy áp dụng nhiều khoa học công nghệ cao vào sản xuất để đưa nông nghiệp tiến lên một bậc cao hơn
Ngoài 8 anh em trai, con cái của họ cũng đang tiếp nối gắn bó với nghề nông. Nhưng thế hệ thứ 3 ấy áp dụng nhiều khoa học công nghệ cao vào sản xuất để đưa nông nghiệp tiến lên một bậc cao hơn
 
Trong các anh em, có những người đi tiên phong trong các hướng phát triển nông nghiệp. Cũng bởi tiên phong nên họ đã trải qua không ít thất bại. “Những gian khó, thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhất là đối với nông nghiệp nhưng từ sự nỗ lực tự học, tự tìm tòi, dám thử nghiệm, dám đầu tư, đó còn có cả sự tương trợ lẫn nhau giữa các anh em mới cùng nhau đi đến thành công”, anh Nguyễn Quốc Thắng nói.
 
Trải qua bao thăng trầm, đánh đổi bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt, nay 8 anh em ấy đã là những “ông lớn” trong nông nghiệp không chỉ của các địa phương mà còn của tỉnh. Đây là những địa chỉ hàng đầu về nông nghiệp được chọn làm mô hình tham quan nhân rộng. Nhiều năm qua, lãnh đạo trung ương, các đoàn nghiên cứu từ nhiều nước cũng chọn những trang trại, vườn ươm, công ty… của họ làm điểm tham quan, học hỏi. Con số lợi nhuận thu về hàng năm của 8 anh em lên đến hàng chục tỉ đồng nhưng người ta vẫn thấy anh Nguyễn Thanh Hùng cần mẫn sáng ở trang trại rau thủy canh, chiều vào trang trại bò thịt; anh Nguyễn Quốc Thắng trực tiếp kiểm tra độ nóng của đất; anh Nguyễn Hồng Phong đứng cùng công nhân đóng gói, phân loại nông sản trong nhà máy… Họ vẫn tự gọi mình là nông dân, cười tươi khi quần áo, tay chân lấm lem trong vườn ươm, trong trang trại, đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước ngay chính khu vườn sản xuất của mình. 
 
 
Ở xứ đạo Lạc Lâm nơi họ được sinh ra, nhà thờ chọn câu chuyện của gia đình có 8 anh em thành công trong nông nghiệp này lưu vào phòng truyền thống. Và rồi 4 năm trước, khi người cha trút hơi thở cuối cùng, ông đã mãn nguyện tạ ơn cuộc đời vì tất cả con cái của ông đều được sống với đam mê và đều thành công với đam mê. 
 
Mỗi dịp lễ lớn như Noel, Tết, những người anh em ấy lại tụ họp về căn nhà của cha mẹ. Khi ngồi lại với nhau, những câu chuyện của họ luôn rôm rả và luôn xoay quanh vấn đề về đất đai, cây trồng… Nông nghiệp với đại gia đình này như là câu chuyện không có hồi kết. Thế hệ thứ 3 của gia đình cũng gắn bó với nghề nông. Ngoài nền tảng gia đình có sẵn, thế hệ trẻ này còn bước lên một tầm cao mới so với cha anh. Trên cơ sở những kỹ thuật được đúc rút sẵn, họ áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất để đưa nông nghiệp tiến lên một bậc cao hơn, hứa hẹn gặt hái những thành công mới.
 
NGỌC NGÀ