Hướng đến đào tạo "công dân toàn cầu"

06:01, 11/01/2020

Sinh viên tốt nghiệp có tư duy toàn cầu, khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt, kỹ năng làm việc trong các môi trường quốc tế, thái độ yêu thương, tôn trọng, trách nhiệm…

Sinh viên tốt nghiệp có tư duy toàn cầu, khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt, kỹ năng làm việc trong các môi trường quốc tế, thái độ yêu thương, tôn trọng, trách nhiệm… Và quan trọng hơn cả là lĩnh hội được những điều ưu việt ở các nước tiên tiến để về áp dụng cho công việc, đáp ứng xu thế toàn cầu hóa. Ðó là hướng đi của các trường đại học trên địa bàn tỉnh, nhằm hướng đến mục tiêu đào tạo “Công dân toàn cầu” sẵn sàng cho kỷ nguyên số 4.0. 
 
Để thực hiện hướng đi này, hai trường đại học đóng chân trên địa bàn tỉnh là Đại học Đà Lạt và Đại học Yersin Đà Lạt đã có những “bước đi” ban đầu từ chương trình học kỳ thực tập ở nước ngoài. Thông qua việc ký kết với các nước hợp tác, các trường đã trở thành “cầu nối” để sinh viên được thực tập ở nhiều quốc gia khác nhau. Trong quá trình thực tập, các bạn sinh viên không chỉ được trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp mà còn gia tăng sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử, con người của quốc gia đó. Kết quả mang về sau mỗi đợt thực tập nước ngoài là kiến thức, kỹ năng, thái độ của một công dân toàn cầu để sẵn sàng cho công việc, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
 
Nữ giảng viên trẻ Đỗ Thị Phương với sinh viên Khoa Điều dưỡng - khoa được đi thực tập tại Nhật Bản hoàn toàn miễn phí
Nữ giảng viên trẻ Đỗ Thị Phương với sinh viên Khoa Điều dưỡng - khoa được đi thực tập tại Nhật Bản hoàn toàn miễn phí
 
Học làm vườn từ “thủ phủ” nông nghiệp công nghệ cao 
 
Trở về sau 11 tháng thực tập tại một nông trại của Israel - quốc gia dẫn đầu nền nông nghiệp công nghệ cao, chàng kỹ sư trẻ thế hệ 9X Lê Hồng Nhân - cựu sinh viên K37 ngành Nông học, Khoa Nông lâm Trường Đại học Đà Lạt tự tin khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Ra trường với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, Nhân chọn làm vườn để khởi đầu cho con đường tương lai. 
 
Với kinh nghiệm học hỏi từ những tháng ngày kể cả ăn, ngủ cũng ở trong nông trại nước bạn, Nhân nhanh chóng trở thành một nông dân thời @ thực thụ. Trực tiếp bắt tay vào làm tất cả mọi việc của một người nông dân đã giúp Nhân đúc kết được nhiều bài học để hiện tại có thể áp dụng vào khu vườn của gia đình. 
 
Từ số vốn 90 triệu đồng được trả lương trong những tháng thực tập tại Israel, Nhân mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới để thực hiện ước mơ trở thành “người làm vườn 4.0”. Đất có sẵn, Nhân thiết kế khu vườn theo cách của mình từ những gì học được ở Israel nhưng có những đổi mới sao cho phù hợp với điều kiện địa phương. Thay vì dùng hai đường ống cái dẫn nước và dùng khởi thủy để khoan vào đường ống chính như nhiều nông dân vẫn làm, chàng kỹ sư nông nghiệp Hồng Nhân dùng chính ống tưới bằng béc để vừa sử dụng tưới nhỏ giọt, vừa tưới béc chung. “Với cách làm này, không chỉ tiết kiệm chi phí mua ống, công lắp đặt… mà còn tiết kiệm nước tưới. Toàn bộ khu vườn em đều bắc hệ thống nhỏ giọt thế này, vừa tiết kiệm phân và công chăm sóc. Nên dù vườn nhà em diện tích 1,5 ha nhưng chỉ có bố mẹ và em làm. Chỉ khi nào trồng hoặc thu hoạch nhiều em mới kêu thêm công nhật. Điều mà em học hỏi được khi thực tập tại nông trại ở Israel chính là những kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp để giờ áp dụng hiệu quả vào vườn của mình”, Nhân chia sẻ. 
 
Vậy là, chỉ với số vốn 90 triệu đồng cùng với kinh nghiệm từ những tháng ngày thực tập tại Israel, Nhân đã khởi nghiệp thành công từ mảnh vườn nhỏ của gia đình. Với hướng sản xuất rau an toàn, sản phẩm từ vườn rau của Nhân luôn tìm được đầu ra ổn định. Từ số vốn xoay vòng của 90 triệu đồng khởi điểm, Nhân đã nhân rộng ra 1,5 ha. Hiện tại, vườn rau của Nhân đang sản xuất theo hướng VietGAP. Nhân cũng vừa thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Bồng Lai, liên kết với một số hộ dân trong vùng và sản phẩm đầu ra đã được ký kết tiêu thụ với siêu thị. 
 
Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh - Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Đà Lạt cho hay: “Từ chương trình ký kết với Đại sứ quán Israel, nhà trường đã đưa hơn 50 sinh viên đi thực tập về nông nghiệp tại quốc gia này. Hầu hết sinh viên trở về đều tự tin, nói và làm như một chuyên gia về quy trình sản xuất rau. Nhiều em đã khởi nghiệp thành công bằng nông nghiệp. Đây cũng là mục tiêu nhà trường hướng đến để góp phần phát triển hơn nữa nền nông nghiệp công nghệ cao vốn là thế mạnh của Đà Lạt - Lâm Đồng”.
 
Ngoài đưa sinh viên đi thực tập nông nghiệp ở Israel, trong năm 2019 này, lần đầu tiên Trường Đại học Đà Lạt đưa 7 sinh viên sang Nhật Bản thực tập du lịch phục vụ cho Olympic Tokyo 2020. Đây cũng là hướng đi của trường trong thời gian tới, nhằm góp phần nâng cao chất lượng phục vụ cho ngành du lịch Đà Lạt. 
 
Chàng kỹ sư nông nghiệp Hồng Nhân khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương với những kinh nghiệm học hỏi từ đợt thực tập ở Israel
Chàng kỹ sư nông nghiệp Hồng Nhân khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương với những kinh nghiệm học hỏi từ đợt thực tập ở Israel
 
Làm điều dưỡng ở quốc gia có kỷ luật “thép”
 
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin Đà Lạt, tính đến tháng 11/2019, 15 sinh viên ngành Điều dưỡng của trường đã được trải nghiệm học kỳ thực tập tại đất nước mặt trời mọc. Trong đó, 10 sinh viên thực tập 3 tháng, 5 sinh viên thực tập 6 tháng. “Khi tham gia chương trình thực tập điều dưỡng tại Nhật Bản, sinh viên được thực tập hoàn toàn miễn phí, được lo chỗ ăn ở, đi lại và hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng đối với sinh viên thực tập 3 tháng, đối với sinh viên thực tập 6 tháng còn được nhận lương 12 triệu đồng/tháng. Nhật Bản là quốc gia có tính kỷ luật cao, vì vậy, khi thực tập tại đây, sinh viên không chỉ học hỏi được kinh nghiệm từ đất nước có nền y học tiên tiến mà còn rèn tác phong, thái độ làm việc. Điều này rất cần thiết đối với nghề điều dưỡng. Trong năm 2020, nhà trường tiếp tục đưa sinh viên ngành Hàn Quốc học đi thực tập tại Hàn Quốc. Đây cũng là mục tiêu nhà trường hướng đến trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu hiện nay”, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Sơn cho biết.
 
Là sinh viên tham gia thực tập điều dưỡng đợt đầu tiên ở Nhật Bản, Nguyễn Thị Thu Trang - lớp Điều dưỡng K8 Trường Đại học Yersin Đà Lạt hiện là điều dưỡng viên tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. “Sau 3 tháng thực tập tại viện dưỡng lão của Nhật Bản đã giúp em tích lũy nhiều kinh nghiệm để hoàn thành tốt công việc điều dưỡng viên Khoa Nội tiết. Hầu hết các bệnh nhân ở đây bị bệnh tiểu đường và cao huyết áp, chủ yếu là người lớn tuổi nên công việc đòi hỏi tính cẩn thận, điều này em đã học được rất nhiều khi thực tập tại Nhật Bản. Em đã thực hiện đề tài “Phương pháp phòng ngừa nguy cơ té ngã dành cho người cao tuổi” với những kỹ năng học hỏi khi thực tập bên Nhật Bản. Đề tài này không chỉ áp dụng tại Khoa Nội tiết mà còn được triển khai toàn bệnh viện với tất cả các bệnh nhân. Rồi cách nâng đỡ bệnh nhân, di chuyển bệnh nhân đi chạy thận nhân tạo… em học được rất nhiều khi thực tập tại viện dưỡng lão để áp dụng vào công việc hiện tại”, Trang tâm đắc.
 
Còn với giảng viên trẻ Đỗ Thị Phương, hiện là giảng viên Khoa Điều dưỡng Trường Đại học Yersin Đà Lạt, 3 tháng thực tập ở Bệnh viện Dưỡng lão Furawagaden tại tỉnh Kanagawa Nhật Bản đã giúp Phương học hỏi thêm kiến thức để truyền đạt lại cho sinh viên. Phương kể: “3 tháng thực tập không dài nhưng là thời gian mình được trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp với những bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý trong công việc chăm sóc và điều trị bệnh cho người cao tuổi hàng ngày. Cùng với đó, mình được tiếp xúc với các trang thiết bị, máy móc, các quy trình chăm sóc và kỹ thuật điều trị bệnh cũng như chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi… nên được trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm làm việc trong chuyên môn ngành điều dưỡng. Sau khi hoàn thành khóa thực tập, mình về phụ trách giảng dạy môn điều dưỡng người cao tuổi và môn điều dưỡng nhi khoa tại Trường Đại học Yersin Đà Lạt. Với những kiến thức học hỏi từ đợt thực tập đã giúp mình rất nhiều trong công việc, đặc biệt là hướng dẫn trực tiếp các bạn sinh viên đi lâm sàng tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng”.
 
Sinh viên Đại học Yersin Đà Lạt thực tập điều dưỡng tại Nhật
Sinh viên Đại học Yersin Đà Lạt thực tập điều dưỡng tại Nhật
 
Ðào tạo đáp ứng xu thế hội nhập
 
Không chỉ đưa sinh viên đi thực tập ở nước ngoài, Trường Đại học Đà Lạt còn thực hiện việc trao đổi sinh viên với các quốc gia đối tác. Hiện có hơn 30 sinh viên Trường Đại học Đà Lạt đang học tập tại những trường đại học lớn của Hàn Quốc. Còn với định hướng đưa sinh viên trải nghiệm học tập, thực tập ở nước ngoài, Trường Đại học Yersin Đà Lạt thiết kế nhiều chương trình cho sinh viên lựa chọn như chương trình tham quan học thuật cho sinh viên ngành Hàn Quốc học sẽ được triển khai trong năm học 2020 - 2021, chương trình trao đổi sinh viên… 
 
“Định hướng trong thời gian tới, Trường Đại học Yersin Đà Lạt sẽ tiếp tục duy trì các ngành học và các chương trình đã ký kết. Cùng với đó, nhà trường sẽ nỗ lực tăng cường các ngành học mới, cũng như mở rộng hợp tác với các quốc gia để sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tập, qua đó, học hỏi kinh nghiệm cũng như nâng cao kỹ năng làm việc cho sinh viên, đáp ứng xu thế hội nhập”, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Sơn cho biết thêm.
 
Còn theo Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh, để sinh viên được tiếp cận với nhiều chương trình đi thực tập nước ngoài, trước hết sinh viên cần nâng cao tính chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu thực tập, học tập tại các nước đối tác. Đó cũng là hướng để mỗi sinh viên nỗ lực nâng cao kiến thức đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập. Ngoài hiệu quả mang lại cho bản thân sinh viên như khả năng thực tập nghề nghiệp, kỹ năng thực hành được nâng lên còn khẳng định vị thế của đơn vị đào tạo. Và hướng đến đào tạo công dân toàn cầu cũng là mục tiêu của các trường đại học để sẵn sàng cho kỷ nguyên mới.
 
TUẤN HƯƠNG