Hướng về cội nguồn

12:01, 14/01/2020

Ði với tiếng cồng chiêng không thể thiếu điệu xoang của sơn nữ khoác lên mình tấm thổ cẩm cùng men rượu cần đã trở thành điểm đến thưởng thức của nhiều du khách tới Langbiang...

Ði với tiếng cồng chiêng không thể thiếu điệu xoang của sơn nữ khoác lên mình tấm thổ cẩm cùng men rượu cần đã trở thành điểm đến thưởng thức của nhiều du khách tới Langbiang. Sau quá trình thương mại hóa, nhiều người cho rằng cần trả lại nguyên gốc từ bộ trang phục, điệu múa, bản cồng chiêng đến hương rượu ủ men cây rừng để vừa gìn giữ vừa phát triển mang tính bền vững.
 
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên hiện đang là sản phẩm thu hút đông đảo du khách
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên hiện đang là sản phẩm thu hút đông đảo du khách
 
Trải nghiệm chiều sâu văn hóa bản địa
 
Dịp cuối tuần, Phó Giám đốc Khu Du lịch Langbiang rủ tôi lên đỉnh Langbiang. Anh bảo: Bạn muốn thưởng thức trọn đêm lễ hội cồng chiêng của người Cil, người Lạch thì hãy lên đây. Không chần chừ, tôi đồng ý ngay, dù trước đây nghe nói nhiều về văn hóa nơi đây, nhưng được tận mắt, tai nghe thì đây là lần đầu.
 
Khi mặt trời lặn bên kia đỉnh núi, tại thung lũng Trăm năm dưới chân núi Langbiang trong thời tiết se lạnh của tiết trời cao nguyên, được ngồi bên bếp lửa bập bùng trải nghiệm không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Unesco công nhận di sản phi vật thể thế giới, để cùng khám phá văn hóa, cuộc sống của đồng bào dân tộc bản địa quả là có ý nghĩa. 
 
Đoàn người bước xuống từ đoàn xe du lịch xếp hàng dài trên cung đường dẫn đến chân núi. Họ là những du khách tìm về miền đất huyền thoại này, bởi sự mê hoặc của văn hóa bản địa Nam Tây Nguyên. 
 
Già Krajan Khang mở đầu “đêm hội cồng chiêng” bằng một câu chào bằng tiếng K’Ho. Mọi người vỗ tay, già hỏi: Già nói gì mọi người có hiểu không? Già bảo: Già đang xin phép Yàng! Khung cảnh trở nên huyền bí, sự háo hức, lạ lẫm đồng hiện trên khuôn mặt mọi người, khi nghe già làng giới thiệu về mạch nguồn văn hóa K’Ho, truyền thuyết về ngọn Langbiang hùng vĩ.
 
Trong không gian cổ tích, nguyên sơ, ngọn lửa hừng hực cháy. Tiếng già Krajan Khang trong nghi thức cầu Yàng, tiếng cồng chiêng chào khách của những người con buôn làng vang lên. Hình ảnh những chàng trai, cô gái diễn xuất điệu mừng lúa mới, điệu xoang quấn quyện với nhau đầy rộn rã trong những âm điệu, vũ điệu hoang dã, đưa du khách mơ màng với khung cảnh ấn tượng và độc đáo. Đỉnh Langbiang bồng bềnh sương khuya. Tôi cũng ngất ngây hương nồng rượu cần, đắm đuối bởi không gian lễ hội huyền ảo. 
 
Lạc Dương là địa phương duy nhất của Việt Nam đưa không gian văn hóa cồng chiêng vào phát triển du lịch hiệu quả, đây là một hướng đi đúng, bền vững. Anh Cil Khiốp, Phó Giám đốc Khu Du lịch Langbiang chia sẻ: Du khách càng ngày thêm khó tính. Họ đến để thưởng thức không gian văn hóa cồng chiêng thật sự, chính vì thế nội dung giao lưu văn hóa cồng chiêng được khu du lịch xây dựng rất bài bản, nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào Cil, Lạch. Với hơn 73% đồng bào dân tộc bản địa sinh sống, người K’Ho ở Lạc Dương vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo, đó là không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội, âm nhạc truyền thống, nghề dệt thổ cẩm và văn hóa rượu cần. Năm 2013, cồng chiêng và rượu cần Langbiang đều được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ. 
 
Mục tiêu của Lạc Dương là xây dựng huyện thành một điểm đến hấp dẫn với nhiều loại hình và sản phẩm du lịch độc đáo. Trong giai đoạn 2017 - 2020, Lạc Dương phấn đấu thu hút hơn 7,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 450 nghìn lượt, tổng doanh thu đạt trên 620 tỷ đồng; du lịch tăng bình quân từ 10 - 12%/năm, doanh thu tăng từ 16%/năm trở lên.

Du lịch để phát huy giá trị văn hóa

Chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Du lịch là cứu cánh duy nhất để giá trị văn hóa phát triển, có kế thừa và tiếp biến. Đây cũng là hướng đi của Lạc Dương từng bước hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng bền vững.
 
Tôi được biết, vào những năm 1998, già Krajan Plin đã đi khắp núi rừng Nam Tây Nguyên để tìm hiểu về sử thi, cồng chiêng, dệt thổ cẩm... để níu giữ chút gì đó văn hóa của dân tộc mình. Nhận thấy Lạc Dương có điều kiện phát triển du lịch gắn với văn hóa, ông đứng ra thành lập đội cồng chiêng đầu tiên, tập cho bọn trẻ chơi chiêng, hát yal yau, tăm pớt. Từ đây, làm tiền đề cho các đội biểu diễn cồng chiêng du lịch sau này. Hiện nay, Lạc Dương có khoảng 20 đội cồng chiêng với hơn 400 người. Các nhóm đã tạo sự sôi nổi trong hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời mang lại giá trị kinh tế khi tiếp biến trong môi trường du lịch. Những già làng như: Krajan Plin, Krajan Tham tự thành lập các đội cồng chiêng, luyện tập cho các bạn trẻ phục vụ nhu cầu khách du lịch. Họ “tuyên chiến” với nạn “cò” và chọn lọc du khách. Vừa qua, nghi thức lễ cưới truyền thống của người K’Ho được phục dựng, tái hiện sinh động tại buôn Đưng K’Si (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương) trong lễ hội Cỏ hồng. Đây sẽ là điểm nhấn thu hút du khách ghé lại để tìm về văn hóa nguyên bản của đồng bào. Việc phục dựng đang được huyện và tỉnh đưa vào đề án bảo tồn văn hóa bản địa, làm tiền đề cho việc phát triển du lịch văn hóa cộng đồng trong hành trình du lịch nối con đường biển và hoa Đà Lạt. 
 
Còn đối với chị Rolang Côliêng, người con của buôn làng Bnơ C, thị trấn Lạc Dương thì việc gìn giữ nét truyền thống của dân tộc mình được thông qua việc mở rộng làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Chị xây dựng nhà trưng bày sản phẩm trong khu du lịch K’Ho Coffee do chính mình làm chủ. Sản phẩm thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước quan tâm. Không còn quanh quẩn trong buôn làng, sản phẩm địa phương đã vươn ra thế giới khi được bán ở Nhật Bản, tạo động lực cho bà con gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống... Chưa hết, anh K’Tuyến, chàng trai K’Ho tại buôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais quyết định dành mảnh vườn của mình để gầy giống lại cây dong diêng theo một đề án của Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương. Anh cho biết, để có ché rượu cần thơm nồng, dịu ngọt, uống vào hồn nhẹ tênh cũng lắm công phu. Chính lúa rẫy và men rừng rượu cần làm nên hương vị của sơn nguyên. Thế nhưng rất ít người biết bí quyết để có ché rượu ngon là nhờ men được lấy từ loài cây rừng gọi dong diêng. Cây dong diêng dần vắng bóng, men rừng thay bằng men công nghiệp khiến giọt rượu cần ngày càng phai nhạt hương xưa cũ. Tôi mong mỏi lưu giữ hương xưa, và loài cây bí ẩn này đang được mình gầy giống với hy vọng tìm lại mùa dong diêng. 
 
Theo ông Nguyễn Anh Tú, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện: Nhu cầu mở rộng loại hình du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, đòi hỏi chính quyền địa phương phải cụ thể hóa việc hình thành sản phẩm phù hợp với tiềm năng, có định hướng phát triển du lịch lâu dài, bền vững. Vì thế, không đâu khác, chính đồng bào bản địa là những chủ thể giúp du lịch cộng đồng phát triển theo chiều sâu văn hóa. “Quan điểm của địa phương trong việc đưa khai thác sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng là làm thế nào để đồng bào không xa rời, bỏ quên văn hóa gốc. Không lạ lẫm song cũng không lai căng với văn hóa mới, không tách rời môi trường tự nhiên” - ông Tú nhấn mạnh - Trong thời gian tới, huyện có chủ trương đẩy mạnh du lịch cộng đồng sinh thái, nghiên cứu, nghỉ dưỡng và mở thêm tour, tuyến cho du khách tham quan, trải nghiệm cùng sản xuất với bà con để hiểu thêm nguồn gốc người dân, đời sống sinh hoạt... Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục tập huấn, tổ chức các lễ hội cồng chiêng, duy trì các làn điệu dân ca, nói lý - hát lý truyền thống, các hội thi điêu khắc, thi ẩm thực... của đồng bào. Từng bước góp phần cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo nhằm thu hút hơn nữa khách du lịch đến với địa phương.
 
Đến Langbiang - được mắt thấy và tai nghe, trong tôi dạt dào hy vọng: Khi đó, trên những cung đường buôn làng sẽ tấp nập du khách. Những làng dệt thổ cẩm, rượu cần, những đêm nhạc cồng chiêng huyền thoại... sẽ là những điểm đến độc đáo trên hành trình khám phá nét đẹp văn hóa. Đó là những nhân tố, từng bước níu giữ văn hóa người bản địa lại trở về với đúng nguyên bản.
 
HOÀNG YÊN