Làm nông nghiệp thời 4.0

12:01, 14/01/2020

Những ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến ở các nhà vườn, trang trại, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ðức Trọng đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông nghiệp ở cửa ngõ TP Ðà Lạt.

Những ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến ở các nhà vườn, trang trại, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ðức Trọng đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông nghiệp ở cửa ngõ TP Ðà Lạt.
 
Anh Hoàng Thanh Sơn (thôn Gần Reo, xã Liên Hiệp) bên vườn cà chua trĩu quả
Anh Hoàng Thanh Sơn (thôn Gần Reo, xã Liên Hiệp) bên vườn cà chua trĩu quả
 
Sản lượng tăng gấp nhiều lần
 
Anh Hoàng Thanh Sơn (thôn Gần Reo, xã Liên Hiệp) có 8,5 sào nhà kính đang trồng cà chua và dưa leo baby. Anh cho biết, anh canh tác nông sản trong nhà kính đã 6 năm nay và bắt đầu trồng cây trên giá thể, tiếp cận với công nghệ IOT (Internet vạn vật) được 5 tháng nay. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng vườn cà chua và dưa leo baby trĩu quả đang vụ thu hoạch, anh vừa khẳng định: “Từ lúc bắt tay vào vận hành theo công nghệ IOT, kết hợp với công nghệ tưới nhỏ giọt, chuyện làm nông với tôi cũng trở nên nhàn hơn hẳn. Không những vậy, sản lượng cũng tăng gấp nhiều lần”. Nói rồi anh lý giải thêm, từ lúc áp dụng công nghệ IOT vào sản xuất, anh đã tiết kiệm được nhân công vận hành và chăm sóc vườn, rồi thì tất tật mọi thứ từ đo độ ẩm, ánh sáng, pH nước, lượng phân bón vào ra... đều được lập trình trên điện thoại. “Trước, mỗi lần xuống giống xong là tôi cứ như con mọn, đi đâu cũng không yên tâm nhưng giờ thì khác rồi, chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là tôi có thể theo dõi được vườn cây, được chất dinh dưỡng, độ ẩm... có đủ không, vì vậy, nên nếu có việc phải đi đâu đó vài ngày thì cũng không phải là vấn đề” - anh Sơn vui mừng chia sẻ. 
 
 
Còn Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp An Phú (xã Hiệp An) được thành lập từ năm 2004, hiện có hơn 17 ha (trên địa bàn xã Hiệp An) và hơn 20 ha tại huyện Đơn Dương sản xuất nông nghiệp theo quy trình canh tác, sơ chế đóng gói sản phẩm, truy xuất nguồn gốc theo công nghệ cao VietGAP và 4.0. Năm 2017, HTX cũng được chuyên gia đến từ Israel cố vấn xây dựng nhà màng, hệ thống tưới tiêu, sử dụng phân bón hữu cơ và ghi chép nhật ký canh tác điện tử. Cụ thể, các sản phẩm rau, củ, quả tại HTX đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn của Israel, với màng lưới 200 lỗ/cm2, đảm bảo không có côn trùng xâm hại vào nhà kính. Hệ thống màng phủ được chia làm 3 lớp để cách tia UV. Hệ thống Israel có thể giúp người quản lý điều chỉnh được thời gian tưới, giúp giảm công lao động cũng như thời gian chăm sóc, phân bón cũng được hòa thẳng vào hệ thống tưới để cung cấp cho cây trồng. Ông Lê Văn Ba - Giám đốc HTX cho biết: Sản phẩm rau, củ, quả của HTX đều được sản xuất trên giá thể, trong nhà màng, nhà kính và đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, toàn bộ dữ liệu về giống cây trồng đều được ghi lại bằng nhật ký điện tử theo từng lô để tiện cho việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm sau này. Đó là quá trình từ lúc tạo bầu đất trong khay để gieo hạt giống, đưa hạt giống vào gieo trong các bầu đất nhỏ, rồi được mang về nhà màng để chăm sóc. Sau đó, cây được đem cấy vào bầu đất lớn trong khoảng thời gian từ 25-30 ngày. Những bầu đất lớn này được chuẩn bị trong nhà màng, dọc các máng đất được lắp đặt thành các máng dài như những luống đất canh tác truyền thống. Dọc các luống đất lắp đặt hệ thống tưới nước và bón phân hữu cơ theo công nghệ nhỏ giọt của Israel, đảm bảo vừa đủ lượng nước, dinh dưỡng nuôi cây trồng, tránh thất thoát ra ngoài, ảnh hưởng tới môi trường. Sau thời gian 3 tháng, mọi loại rau, củ, quả đều bước vào kỳ thu hoạch. “Trong quá trình sản xuất, chúng tôi đã ghi lại toàn bộ nhật ký trên hệ thống điện tử. Đồng thời, sau mỗi quá trình, trên mỗi sản phẩm, chúng tôi đều có 1 mã QR Code, để khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, người tiêu dùng chỉ cần quét mã Code trên bao bì sản phẩm, sẽ thấy được toàn bộ quy trình canh tác của chúng tôi. Và từ khi áp dụng công nghệ mới, sản lượng của chúng tôi đã tăng gấp 70 lần so với bình thường; trong tương lai, chúng tôi đang phấn đấu đạt 40 tấn/1.000 m2. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đầu tư nhà kính áp dụng công nghệ thông minh trong sản xuất (đạt 80% diện tích đất sản xuất). Đồng thời, phấn đấu sơ chế đóng gói, dán nhãn thương hiệu An Phú và mã truy xuất nguồn gốc 100% các sản phẩm của các hộ sản xuất ra xuất bán vào các hệ thống siêu thị và xuất khẩu” - ông Lê Văn Ba thông tin thêm.
 
 
Hướng đi bền vững
 
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng, cơ cấu cây trồng chính của huyện là cà phê, dâu tằm, rau, hoa các loại. Từ năm 2004, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Đức Trọng nói riêng. Từ đó đến nay, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không ngừng được phát triển trên địa bàn. Các hình thức sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tự động được áp dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Hiện, huyện Đức Trọng có hơn 10 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng gần 1.800 ha so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu là tăng ở diện tích tưới phun mưa. Đối với diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao, doanh thu đạt gấp 2-4 lần sản xuất bình quân của toàn huyện; trong đó, sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 300 - 400 triệu đồng/ha, cây hoa cao cấp đạt bình quân 500 - 1.000 triệu đồng/ha. “Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hình thức mới chưa được áp dụng hoặc áp dụng còn rất ít như sản xuất trên giá thể, sản xuất thủy canh, đặc biệt là công nghệ IOT - Internet vạn vật vào quản lý sản xuất nông nghiệp. Đây là hình thức sản xuất khá mới mẻ với đa số hộ nông dân trên địa bàn huyện” - đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng cho biết.
 
Cũng theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Vai trò của công nghệ thông tin trong nông nghiệp đang từng bước trở nên quan trọng, đem lại hiệu quả thiết thực và ngày càng thể hiện ưu thế vượt trội, đáp ứng nhu cầu của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững. Và nếu như trước đây, nông nghiệp công nghệ cao thường đi với những nhà kính hiện đại cùng hệ thống tưới nhỏ giọt và quy trình khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất thì ngày nay, IOT là chìa khóa để thậm chí có thể tăng cao hơn nữa hiệu suất sản xuất dựa vào dữ liệu. Chính dữ liệu là nền tảng để làm nông nghiệp thông minh hơn, nơi người dân có thể tăng hơn nữa năng suất trong khi sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm nhất, hướng đến giải quyết những thách thức mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt. Các cảm biến IOT được sử dụng trên cánh đồng với nhiệm vụ đều đặn ghi lại các thông tin liên quan đến sự phát triển của cây trồng để tạo nên một khối dữ liệu đủ lớn. Các dữ liệu rất đa dạng, tùy vào mục đích khác nhau như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, mưa, gió... để theo dõi điều kiện sinh trưởng của vụ mùa. Ngày nay, các cảm biến cho ngành nông nghiệp ngày càng đa dạng hơn, ngoài những cảm biến khí tượng, còn có những cảm biến giám sát độ ẩm trong đất, nồng độ phân bón, độ chua của đất... tất cả đều giúp cho việc đưa ra các quyết định cho vụ mùa trở nên chính xác hơn, mang lại những hiệu quả kinh tế rõ nét hơn.
 
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện Đức Trọng
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện Đức Trọng
 
Xuất phát từ thực tế trên, trong năm 2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng đã triển khai mô hình IOT vào quản lý sản xuất trên địa bàn huyện. Cụ thể, Phòng đã đầu tư cho 4 hộ dân trên địa bàn, dưới hình thức Nhà nước hỗ trợ 50%, còn lại do người dân tự đối ứng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có một số hộ dân, công ty, HTX cũng đã và đang áp dụng công nghệ IOT như Công ty Trường Hoàng, HTX Nông nghiệp tổng hợp An Phú... “Có thể thấy, từ khi áp dụng công nghệ IOT vào quá trình sản xuất, việc sản xuất nông nghiệp đã thuận lợi hơn nhiều. Bởi lẽ, chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, người sản xuất đã có thể đo được pH, EC, chỉ số môi trường, ẩm độ, điều khiển tưới nhỏ giọt, ánh sáng quạt thông gió... Ngoài ra, với hệ thống này, người sản xuất cũng có thể làm được nhiều hơn thế, đó là ghi lại được nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, định vị được vị trí sản xuất... tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Có thể khẳng định, IOT có thể kết nối được mọi chuyện, vấn đề là người sử dụng và phải phù hợp với tình hình thực tế” - ông Lê Văn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp An Phú nói thêm.
 
THY VŨ