Mồ hôi thấm đất, đất đã nở hoa

12:01, 14/01/2020

Có những đêm, 10 giờ tối Phước Hảo mới từ nhà máy được về nhà, nhưng về đến nhà, giấc ngủ cũng không yên khi nhà máy có sự cố lại gọi cô chạy ngược vào...

Có những đêm, 10 giờ tối Phước Hảo mới từ nhà máy được về nhà, nhưng về đến nhà, giấc ngủ cũng không yên khi nhà máy có sự cố lại gọi cô chạy ngược vào. Ðoạn đường dài xấp xỉ 15 km từ nhà đến nhà máy không còn là trở ngại ngay cả trong những đêm mưa gió đối với cô gái có thân hình bé nhỏ làm quản đốc tại phân xưởng nhiệt điện này.
 
Không gian xanh tại Nhà máy alumin. Ảnh: LDA
Không gian xanh tại Nhà máy alumin. Ảnh: LDA
 
Tôi còn nhớ như in những ngày đầu Dự án bauxite Tân Rai được khởi động, tôi cùng người anh đồng nghiệp đã nhiều lần phải lẻn vào công trình dự án để tiếp cận những thông tin hoàn toàn mơ hồ và mới mẻ về dự án này. Đó là câu chuyện của khoảng 15 năm về trước, câu chuyện của những mối lo ngại về ô nhiễm môi trường, về hiệu quả của dự án cũng như những vấn đề dân sinh liên quan ngay khi dự án mới được rục rịch triển khai. Quãng thời gian đã qua không quá dài nhưng phần nào cũng đã minh chứng được những đổi thay tại vùng mỏ Tân Rai một thời gian dài đã quá “nóng” từ trong dư luận quần chúng cho đến bàn chính sự. Tân Rai ngày nay đã trở thành một khai trường bauxite rộng lớn với một tổ hợp nhà máy đang dần hoạt động ổn định, với hơn ngàn lao động đang ngày đêm làm việc.
 
Gần 10 năm trước, sau khi thi rớt 2 trường đại học, anh Đỗ Thanh Hùng xin vào làm việc tại công ty bauxite - tên quen gọi với mọi người thay vì tên đầy đủ là Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng. Khi đó, anh được đưa ra Việt Bắc để học ngành điện công nghiệp rồi tiếp tục học chuyển giao công nghệ khi nhà máy chuẩn bị đưa vào vận hành. “Ban đầu tôi hoàn toàn mông lung về công việc của mình, nhưng khi được đi học, đi làm và gắn bó với công việc gần 10 năm nay thì tôi thấy thực sự yêu thích công việc mà mình đã chọn” - anh Hùng chia sẻ. 
 
Công nhân kỹ thuật làm việc tại Nhà máy alumin. Ảnh: LDA
Công nhân kỹ thuật làm việc tại Nhà máy alumin. Ảnh: LDA
 
Có hàng trăm công nhân kỹ thuật như anh Hùng đã bỏ dở công việc của mình khi những ngày đầu nhà máy chưa có việc ổn định, lương thấp và đặc biệt trong suy nghĩ của nhiều người luôn thường trực mối nghi ngại về hiệu quả của dự án. Cao điểm có những năm số công nhân bỏ việc lên đến 200 người. Cùng làm Phân xưởng Trạm mạng với anh Hùng, anh Võ Trọng Tuấn “xác định ngay từ đầu là phải học cho bằng được và làm cho bằng được”. Bởi lẽ, khó khăn ban đầu là khó khăn chung nên cần phải đồng cam cộng khổ. Sau những tháng ngày gian truân với mức lương “chờ việc”, đến nay, cả anh Hùng và anh Tuấn cũng như nhiều anh em khác trong phân xưởng đều hưởng lương trung bình trên 10 triệu đồng mỗi tháng. 
 
Guồng công việc dần đi vào ổn định cũng là lúc những câu chuyện tình đẹp dần được vun đắp tại vùng đất đỏ này. Anh Hùng quen vợ từ khi cả 2 theo học ngoài trường Việt Bắc. Tình yêu của anh chị đến nay đã cho trái ngọt khi con lớn đã vào lớp 3 và con nhỏ vừa tròn 2 tuổi. Vợ Hùng làm ở Phân xưởng Khí hóa than và theo lời nói đùa của Hùng thì vợ cũng là “chiếc máy ATM” khi nhận hết lương của anh. “Lương của hai vợ chồng cũng trang trải đủ cho cuộc sống. Vào những ngày nghỉ ca, cả hai còn tranh thủ làm vườn để tạo dựng cuộc sống vững chắc hơn” - Hùng chia sẻ. Còn vợ Tuấn thì làm ở Phân xưởng Nung, cả hai có cùng chung suy nghĩ, chung niềm tin về tương lai công việc nơi đây. “Khi mới vô, công trường thì hoang sơ, ý nghĩ thì chưa định hình được cuộc sống tương lai như thế nào. Nhưng gần 10 năm trôi qua, giờ cuộc sống của hai vợ chồng ổn định. Nơi làm việc thì có một sự đổi thay rất lớn. Trong suy nghĩ của nhiều người thì nhà máy bauxite là khói bụi, là mùi hóa chất nhưng trên thực tế lại là một nhà máy xanh với nhiều loại hoa tươi và cây xanh bao phủ. Nếu có bất kỳ ai còn nghi ngờ về điều đó, mình sẵn sàng giải thích, sẵn sàng minh chứng bằng hình ảnh thực tế của nhà máy” - anh Tuấn chia sẻ.
 
Chưa có con số thống kê chính thức về số cặp đôi nên duyên chồng vợ khi cùng về làm việc và gắn bó với nhà máy. Nhưng theo ước tính sơ bộ, con số này cũng phải đến vài trăm cặp. Họ kết đôi, xây dựng cuộc sống hạnh phúc ngay trên chính mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên hay mảnh đất mà với nhiều người đã chọn làm quê hương thứ hai. 
 
Vận chuyển alumin đi tiêu thụ. Ảnh: LDA
Vận chuyển alumin đi tiêu thụ. Ảnh: LDA
 
Trở lại câu chuyện của Nguyễn Thị Phước Hảo - “nữ tướng” của Phân xưởng Nhiệt điện mà tôi đã chọn làm hình ảnh để mở đầu bài viết này. Hảo là số phụ nữ ít ỏi và khá hiếm hoi làm việc tại phân xưởng này, 14 nữ trên tổng số 111 người toàn phân xưởng. Và càng hiếm hoi hơn khi cô lại làm Quản đốc phân xưởng. Cũng đã ngót nghét gần 10 năm đảm nhiệm trọng trách này, với Hảo mọi thứ đều bình thường và càng làm cô càng thấy yêu thích. Thế nhưng, đã rất nhiều lần lãnh đạo công ty thấy ái ngại giữa sức nặng của công việc với sức vóc của cô nên nhiều lần đề nghị chuyển cô về vị trí khác nhẹ nhàng hơn. Nhưng dường như “công việc kỹ thuật đã ngấm vào máu vì nhà em có truyền thống với nghề này. Bản thân em cũng có tính tự lập rất cao nên đôi khi ba mẹ cũng chỉ nhắc nhở chứ không phản đối công việc em làm”. Phước Hảo chia sẻ rằng khoảng từ năm 2016 đến nay thì công việc tại phân xưởng mới tạm ổn. Còn trước đó, do thiết bị liên tục gặp sự cố, con người thì chưa quen với công nghệ nên mỗi ngày đều có vô vàn vấn đề cần xử lý. “Đến giờ thì mọi thứ đều đã ổn định. Anh em trong phân xưởng cũng có nhiều sáng kiến cải tiến để dần làm chủ được công nghệ. Giờ thì chủ yếu vất vả ở những kỳ sửa chữa, làm sao vẫn phải đảm bảo cho thiết bị được bảo dưỡng tốt vừa đảm bảo cung cấp nhiệt và hơi cho toàn nhà máy vận hành trơn tru” - Phước Hảo cho biết thêm.
 
Câu chuyện được Phước Hảo kể rất nhẹ nhàng nhưng ẩn sâu trong đó là một sự nỗ lực rất lớn để hoàn thành trọng trách tại một phân xưởng trọng yếu của toàn nhà máy. Sự nỗ lực đó không chỉ của riêng Hảo, không chỉ của riêng Phân xưởng Nhiệt điện mà còn của cả trăm con người khác đang làm việc tại nhiều phân xưởng khác nhau. Tất cả phải đồng bộ và nhịp nhàng, tất cả phải được quản trị tốt để tiết giảm tiêu hao, tăng sức cạnh tranh về giá của sản phẩm trên thị trường. Sự nỗ lực ấy đã đem lại kết quả khi Nhà máy alumin đã sản xuất vượt công suất thiết kế, đã đem lại lợi nhuận sớm hơn so với dự kiến, các vấn đề về chăm lo đời sống người lao động, thực hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương luôn được Công ty quan tâm. 
 
Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy luôn được công ty chú trọng. Trong ảnh: Diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu hộ tại Nhà máy alumin. Ảnh: Đông Anh
Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy luôn được công ty chú trọng. Trong ảnh: Diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu hộ tại Nhà máy alumin. Ảnh: Đông Anh
 
Với một dự án lớn mang tầm vóc quốc gia với tổng mức đầu tư trên 15.400 tỷ đồng thì đảm bảo sự vận hành tốt cho toàn bộ tổ hợp và phải sinh lời là vấn đề đau đầu của những người được giao trọng trách. Gần 10 năm tiếp quản dự án, gần 6 năm đưa dự án đi vào vận hành thương mại luôn là hành trình đầy gian truân trên vùng đất đỏ này. Có nhiều con số đáng được ghi nhận sau thời gian tiếp quản và vận hành thương mại dự án: Năm 2018, dự án đem về nguồn ngoại tệ là 279 triệu USD, lợi nhuận sau thuế của dự án hơn 1.700 tỷ đồng, đảm bảo việc làm ổn định cho gần 1.400 lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động gián tiếp thông qua dịch vụ vận chuyển, cảng biển, công nghiệp chế tạo và sửa chữa cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng, dịch vụ khác... Tổng cộng đến cuối năm 2018, dự án đã nộp ngân sách hơn 2.800 tỷ đồng... Ông Vũ Minh Thành - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng chia sẻ: Công ty luôn tự hào là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực khai thác bauxite và sản xuất alumin. Nơi đây chính là cái nôi đào tạo cán bộ nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ cho ngành công nghiệp alumin của đất nước. Mục tiêu của Công ty trong những năm tiếp theo là trở thành doanh nghiệp sản xuất alumin dẫn đầu của Việt Nam, có thương hiệu, uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
 
Kết thúc năm 2019, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Ðồng - TKV hoàn thành xuất sắc, toàn diện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đạt nhiều thành tựu nổi bật trong quản lý điều hành và đảm bảo tuyệt đối an toàn môi trường. Theo đó, sản phẩm alumin sản xuất 683.000 tấn, đạt 105,1% kế hoạch năm, tăng 1,07% so với năm 2018. Doanh thu đạt hơn 2.935 tỷ đồng. Lợi nhuận 40 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2018. Trong năm đã tiết giảm nhiều chi phí, tiếp tục đóng góp tích cực vào hiệu quả của dự án và hướng đến một nhà máy sản xuất alumin theo hướng hiện đại, tiên tiến, mang tầm vóc quốc tế. 
 
ÐÔNG ANH