Mười năm ''giải mã'' bí ẩn kho tàng vô giá

11:01, 13/01/2020

Ngày 31/7/2009, Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. 10 năm qua, "bí ẩn" trong 39.619 tấm mộc bản phủ bụi thời gian đã được những người thầm lặng giữ "hồn" dân tộc ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV "giải mã", những trang sử dần được lật mở.

Ngày 31/7/2009, Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. 10 năm qua, “bí ẩn” trong 39.619 tấm mộc bản phủ bụi thời gian đã được những người thầm lặng giữ “hồn” dân tộc ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV “giải mã”, những trang sử dần được lật mở.
 
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tham quan kho lưu trữ Mộc bản triều Nguyễn và chỉ đạo lưu giữ bảo tồn bằng mọi giá
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tham quan kho lưu trữ Mộc bản triều Nguyễn và chỉ đạo lưu giữ bảo tồn bằng mọi giá
 
Thiên hùng ca sử Việt 
 
Những bản hùng ca trong lịch sử vẻ vang của dân tộc từ thế kỷ 10 - 15 được triều Nguyễn san khắc Mộc bản để in thành nhiều bản, gìn giữ, lưu truyền và phổ biến rộng rãi trong Nhân dân. Đó là bản khắc “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về thành Đại La năm 1010. Việc dời đô đã mở ra kỷ nguyên phát triển rực rỡ trong lịch sử Việt Nam. Mộc bản khắc bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt đã ghi rõ: Vào cuối năm 1076, đầu năm 1077, quân Tống xâm lược Đại Việt, Thái uý Lý Thường Kiệt cùng quân ta đã chủ động xây dựng phòng tuyến trên sông Như Nguyệt. Giặc mạnh, thế trận giằng co kéo dài, bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” vang lên từ đền thờ Trương Hống, Trương Hát đã tuyên bố chủ quyền của nước Nam như bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khí thế ngút trời, quân ta giành thắng lợi, giặc Tống tổn thất nặng nề và phải lui quân. 
 
Mộc bản chép Lý Nam Đế đặt tên nước là Vạn Xuân
Mộc bản chép Lý Nam Đế đặt tên nước là Vạn Xuân
 
Mộc bản khắc “Hịch tướng sĩ” và cuộc chiến đấu chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) ghi lại: Với sự lãnh đạo của các vị vua nhà Trần sáng suốt, đất nước ta hùng mạnh, nhiều danh tướng xuất hiện, “Hào khí Đông A” bừng bừng khí thế, dân tộc ta 3 lần chặn đứng vó ngựa xâm lăng của quân Nguyên Mông. Chiến thắng cửa Hàm Tử, bến Chương Dương, sông Bạch Đằng là những dấu son rực rỡ. Mộc bản khắc áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi tổng kết 10 năm Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh biết bao khó khăn gian khổ, đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Áng thiên cổ hùng văn là lời tuyên ngôn đanh thép về độc lập dân tộc lần thứ 2 của Việt Nam. 
 
Bên cạnh đó, nhiều Mộc bản khắc những trang sử quý như: Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938 chấm dứt vĩnh viễn ách đô hộ 1000 năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc Việt. Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất bờ cõi, xây dựng nhà nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, mở đầu chế độ phong kiến trung ương tập quyền và thời kỳ tự chủ của Việt Nam. Bản khắc vua Lê Đại Hành và cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược (tháng 3/981) tạo ra một thời kỳ thái bình, độc lập cho nước nhà; Bản khắc Mộc bản vua Gia Long cho đổi quốc hiệu Việt Nam vào năm Giáp Tý 1804. Nhiều Mộc bản khác có giá trị lịch sử như: Mộc bản Vua Hùng dựng nước đặt quốc hiệu Văn Lang, An Dương Vương đổi tên nước là Âu Lạc, Lý Nam Đế đặt tên nước là Vạn Xuân, vua Lê Thái Tổ đặt tên nước là Đại Việt…
 
Những trang sử của cha ông luôn có sức hấp dẫn với hậu thế
Những trang sử của cha ông luôn có sức hấp dẫn với hậu thế
 
Thực thi chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
 
Quý giá không kém là những tư liệu văn bản chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các văn bản Hán Nôm này do các triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ 17 - 20, trích ra từ các bộ chính sử của các triều Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và của triều đình Tây Sơn, các công trình nghiên cứu của các học giả Lê Quý Đôn, Đỗ Bá, Phan Huy Chú… đã được nhà Nguyễn san khắc Mộc bản cho in để gìn giữ quốc sử. 
 
Đó là bản đồ được vẽ sơ khai là tư liệu có niên đại sớm nhất nước ta được trích từ toàn tập bản đồ “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” do Đỗ Bá biên soạn vào năm 1686, trên bản đồ có đoạn văn viết bằng chữ Hán nội dung “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển”. Tuy đoạn văn được viết bằng chữ Hán, nhưng riêng ba chữ “Bãi Cát Vàng” thì được ghi bằng chữ Nôm, điều này chứng tỏ từ cuối thế kỷ 17, người Việt đã làm chủ Hoàng Sa và đã đặt tên cho quần đảo này một cái tên thuần Việt - Bãi Cát Vàng. 
 
Khung cảnh khắc in Mộc bản dưới triều Nguyễn
Khung cảnh khắc in Mộc bản dưới triều Nguyễn
 
“Đại Việt sử ký tục biên” là bộ sử do chúa Trịnh Sâm cho viết về lịch sử Đại Việt giai đoạn 1676 - 1789. Trong phần ghi chép Đàng Trong có một phần ghi: Chúa Nguyễn đã cử đội Hoàng Sa cứ tháng 3 hàng năm đi ra đảo thu lượm sản vật, hóa vật về Phú Xuân giao nộp cho Chúa. Trong “Phủ biên tạp lục” 1776, học giả Lê Quý Đôn miêu tả về đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải: “Hoàng Sa có trên 130 ngọn núi lẻ tẻ kế tiếp nhau. Chúa Nguyễn lập ra đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh xung vào, tháng 3 nhận lệnh ra Hoàng Sa để thu lượm đồ vật của các tàu thuyền bị đắm và các hải vật như đồi mồi, ba ba, hải sâm… đến tháng 8 thì trở về”. Chúa Nguyễn lập thêm đội Bắc Hải khai thác vùng biển nay là Trường Sa. Quê hương của đội Bắc Hải là Bình Thuận, nhìn ra vùng biển Trường Sa là hướng Bắc nên người dân gọi là Bắc Hải.
 
Trong “Đại Nam thực lục toàn biên” và “Đại Nam thực lục chính biên”, các vị vua triều Nguyễn đều có nhiều chính sách thực thi chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: Cử lực lượng thủy binh và lực lượng khác đi ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình, kiểm đếm các hòn đảo, đo vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, xây dựng miếu thờ, trồng cây trên các đảo để đánh dấu, giúp tàu bè đi ngang qua đây không bị mắc cạn. Các tài liệu còn ghi chép hoạt động cứu hộ trên biển của lực lượng thủy quân và thuỷ đội Hoàng Sa của triều đình nhà Nguyễn như: Cứu hộ tàu của người Anh, Pháp bị mắc cạn ở quần đảo Hoàng Sa khi ngang qua đây. 
 
Ngoài ra còn có 15 Châu bản Triều Nguyễn là những tờ trình tấu của các quan địa phương, quan Bộ, do đích thân vua nhà Nguyễn bút phê bằng mực đỏ có liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 
 
Trong những chuyến đi thực thi chủ quyền đó, các bản đồ đã được vẽ như: bản đồ số 42 “Toàn tập thiên nam tứ chí lộ”, Đỗ Bá đã vẽ và chú dẫn ngoài khơi từ Cửa Đại đi ra 1 ngày rưỡi thì có 1 quần đảo Bãi Cát Vàng ngay giữa biển; “Bản Quốc địa đồ” (Bản đồ nước ta), tác giả Phạm Vọng biên soạn năm 1853 thành sách giáo khoa để giảng dạy về lịch sử, địa dư cho học sinh lúc bấy giờ, có ghi Bãi Hoàng Sa ở giữa biển. Điều đó cho ta thấy, từ cuối thế kỷ 19 người Việt đã có ý thức chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua cả chương trình học. Bản đồ “Đại Nam nhất thống toàn đồ” được vẽ theo lệnh vua Minh Mạng, hoàn tất năm1838, trên bản đồ thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong lãnh hải Việt Nam. Đây được xem là bản đồ hành chính đầu tiên của triều Nguyễn được vẽ gần giống với các bản đồ Việt Nam sau này. Trên bản đồ, vị trí núi sông biển đảo được vẽ với tọa độ gần chính xác như hiện nay, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là những bằng chứng lịch sử quan trọng đối với cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 
 
Thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử qua Mộc bản triều Nguyễn
Thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử qua Mộc bản triều Nguyễn
 
Lịch sử dân tộc như một dòng chảy, Mộc bản Triều Nguyễn cùng với những bí ẩn đã được giải mã là mạch sóng cuộn lên trong dòng chảy đó, để thế hệ hôm nay và mai sau lắng nghe được những thông điệp của cha ông truyền lại từ quá khứ. Từ đó nhân lên niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
QUỲNH UYỂN