Tết về nhà ăn cơm trắng

06:01, 22/01/2020

Khoảng ba chục năm trước, chuyện ăn cơm độn ở quê tôi cũng đã bớt. Thế nhưng xoong cơm nhiều nhà cũng chưa thực sự trắng, bởi thường nấu gạo lúa cũ (gạo xay từ loại lúa của vụ trước, hoặc lâu hơn nữa)...

Khoảng ba chục năm trước, chuyện ăn cơm độn ở quê tôi cũng đã bớt. Thế nhưng xoong cơm nhiều nhà cũng chưa thực sự trắng, bởi thường nấu gạo lúa cũ (gạo xay từ loại lúa của vụ trước, hoặc lâu hơn nữa). So với cơm lúa mới, cơm lúa cũ có màu trắng ngà, hương vị không thơm bằng. Thế nhưng ăn gạo lúa cũ được 2 “mục tiêu”: giá đã rẻ mà nồi cơm lại nở nhiều hơn so với gạo lúa mới, lợi “gấp đôi”. Nhà càng đông con thì càng trường kỳ gạo lúa cũ.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Ấy cũng là lúc tôi xa nhà vào đại học ở xứ lạnh Đà Lạt. Cơm sinh viên thì không phải là “trắng ngà” mà chính xác là hâm hẩm, bởi chẳng những nấu từ gạo lúa cũ, mà là… quá cũ. Còn thức ăn phần lớn là mấy loại rau củ ôn đới (loại 2 trở đi) nấu lờ lợ với ít dầu mỡ, đôi khi nổi lên một ít gân bạc nhạc… ngựa. Cái gọi là nước mắm thì chỉ là nước hòa với muối và bột ngọt. Thế nhưng nào có nhiều cơm để đủ no. Tuổi ăn tuổi lớn, xong bữa vuốt bụng là… coi như không. 
 
Nhìn chung, bọn sinh viên nhà nghèo luôn đói vàng cả mắt, mà trời thì luôn lạnh quay lạnh quắt. Thế nên thèm đủ thứ. Thậm chí ra đường thấy trẻ con ăn kẹo cũng… ngoái nhìn. Có đứa cùng người yêu đi qua hàng quán có mùi thịt nướng, bèn dắt tay nhau… đi qua đi lại mấy lần. Dân xứ biển, xứ đồng lên cao nguyên thời kham khó thì cái thèm lại càng khác biệt. Thế nhưng đơn sơ và tựu trung nhứt là thèm chén cơm trắng chan nước mắm ngon. Bởi tới tết, cùng với nhiều thức khác, nhà sắm trữ ít gạo lúa mới với chai nước mắm nhứt.    
    
Ui, cái ngày trai trẻ xa nhà, sắp tết là bồn chồn nhớ dồn nhớ cục, nào nhớ cha nhớ mẹ, nhớ mấy đứa em, nhớ con bạn hàng xóm… Riêng cái nỗi cơm trắng lại càng thèm hung, thèm dồn. Sắp tết là sắp được về với mái ấm gia đình, đếm từng ngày để được dứt kỳ học, lên xe hạ sơn. Thế nhưng lắm lúc lại bí tiền, đành thui thủi ở lại ký túc xá. Lại có đứa đã chắt chiu đủ tiền về tết, thế nhưng đành “xuân này con không về”. Ấy là khoảng 3-4 giờ sáng, giữa mờ mờ giá rét, mấy chàng sinh viên vừa xách gói thò ra khỏi cổng ký túc xá thì bà chủ quán cơm tháng đã… canh me thu sạch! Hỏi “sao ác rứa?”, bả tỉnh queo “có tiền về tết, sao không trả tiền cơm!”. 
 
Khốn cảnh cái vé xe thế nhưng nhiều đứa lại có quà tết về nhà hết sức đuề huề, ví như quà là những bông súp lơ từ xứ lạnh. Ở quê tôi khi đó, chỉ đến giỗ chạp mới thấy dọn món nấu với bông súp lơ, bởi đây là loại rau cao cấp, đắt đỏ. Có ông bà thấy thằng con “sanh diên” khệ nệ ôm về mấy bông súp lơ to đùng, ngạc nhiên “tiền đâu mà mua dữ?”, thằng con gãi đầu “người ta tặng”. Thực tế, một số đứa đi làm thuê cho nhà vườn, cuối năm được tặng ít rau củ đặc sản làm quà. Cũng có một số đứa ký nợ hoặc mua rẻ ở nơi quen. Và tôi biết, có đứa đêm trước khi về tết đã âm thầm chui vào một vườn nào đó “khảo cổ” (ăn trộm). Hệ lụy của sự “khảo cổ” này là có đứa bị bắt lên công an phường sở tại để kiểm điểm, phạt cuốc cỏ… đón tết.
 
Xe đò chuyến tết dồn khách như “muối cá”, ai cũng mong mau về đến nhà. Vậy mà giữa đường, thằng bạn rủ “ghé nhà tao chơi” là tôi “âu cơ” liền. Tới nơi đã lửng chiều, má nó nói “chưa kịp mua thịt rộng tết” rồi bắc nhanh nồi cơm, đâm chén mắm ớt tỏi. “Nhà tao cũng như nhà mày”, thế là hai thằng nhào vô thẳng thắn, tới tấp, liên tục… sạch nồi. Cái vị cơm lúa mới hòa với nước mắm ngon nó ngon ơi là ngon, ngon như chưa bao giờ được ngon… Khi ấy khoảng 20 Chạp, tôi chơi nhà nó một ngày rồi tiếp tục đoạn xe về ăn cơm tết nhà.   
 
Tạp bút: ĐÀO ĐỨC TUẤN