Thành phố tiện ích, nhân văn

11:01, 13/01/2020

Ðà Lạt không chỉ có khói sương và những quyến rũ ngọt ngào để đến và ngủ vùi trong đó. Ðà Lạt còn là thành phố thông minh, nơi các vấn đề đô thị được giải quyết bằng công nghệ với một không gian sống đầy tiện lợi và nhân văn.

Ðà Lạt không chỉ có khói sương và những quyến rũ ngọt ngào để đến và ngủ vùi trong đó. Ðà Lạt còn là thành phố thông minh, nơi các vấn đề đô thị được giải quyết bằng công nghệ với một không gian sống đầy tiện lợi và nhân văn.
 
Có rất nhiều định nghĩa về thành phố thông minh (TPTM) nhưng mục tiêu cuối cùng mà Đà Lạt hướng tới chính là làm cho thành phố dễ sống hơn, cư dân hạnh phúc hơn, ít lo lắng hơn.
 
 
Ði sau nhưng không muộn
 
Không phải là thành phố đầu tiên của Việt Nam trong “làn sóng” xây dựng TPTM, nhưng Đà Lạt lại đang có phương án tiếp cận nhanh và phù hợp với đặc thù, thế mạnh của địa phương. Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành TPTM” giai đoạn 2018-2025 xác định lộ trình thực hiện theo 4 trụ cột chính: Quản trị, đời sống, môi trường và kinh tế. Theo đó, các lĩnh vực và nội dung - được giao cho các sở chuyên ngành chủ trì, đã và đang thực hiện theo thứ tự ưu tiên, gồm: Chính quyền điện tử, Quy hoạch đô thị và quản lý đất đai, Nông nghiệp, Du lịch, Thành phố an toàn, Môi trường Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Giao thông.
 
Theo chia sẻ của ông Lê Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT), một trong những người gắn bó với quá trình xây dựng Đà Lạt trở thành TPTM: “Hiện tại ở Việt Nam đang có hai xu hướng trong việc xây dựng TPTM. Một là xây dựng thành phố mới, đầu tư ngay từ đầu tất cả các thiết bị hạ tầng; hai là bắt đầu triển khai và phát triển những tiện ích trên nền thành phố sẵn có. Đà Lạt đi theo xu hướng thứ hai, bởi Đà Lạt là thành phố đặc thù với quá trình lịch sử và văn hóa riêng có, không thể thay đổi”.
 
TPTM, như trong cách tiếp cận của Bình Dương hay một số đô thị mới khác, với sự đồng bộ, chặt chẽ ngay từ đầu có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo và kết nối, trong đó tất cả các thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa.
 
Đà Lạt và những đô thị cũ khác không nằm ngoài quy luật tất yếu của quá trình đô thị hóa. Luôn phải gồng mình trước những áp lực và thách thức về cơ sở hạ tầng, nhà ở, dịch vụ và môi trường để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ngày càng tăng của nhiều tầng lớp dân cư. Bài toán nâng cao chất lượng của các dịch vụ đô thị và cơ sở hạ tầng như năng lượng, tiện ích giao thông, cũng như phúc lợi của người dân luôn làm đau đầu các nhà quản lý, cơ quan chức năng như Đà Lạt hiện tại.
 
Có rất nhiều thách thức khi tiến hành xây dựng TPTM Đà Lạt. Như vấn đề huy động và phân phối nguồn lực để tránh đầu tư dàn trải; việc đầu tư, duy trì, bảo dưỡng công nghệ còn tốn kém hơn lợi ích mà nó mang lại... Các ngành chức năng liên quan của Lâm Đồng và TP Đà Lạt đã tìm ra lời giải và chọn cho mình hướng đi phù hợp nhất.
 
Ngoài sự hỗ trợ của Tập đoàn Viễn thông, các đối tác của Lâm Đồng, ngành TTTT và TP Đà Lạt trong lộ trình xây dựng TPTM phần lớn đều là những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có uy tín và năng lực trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam như VNPT, Viettel, Vina Smart led, Đài Tiếng nói Việt Nam... 
 
Không đổ dồn nguồn ngân sách lớn vào để đầu tư hạ tầng ngay từ đầu, phần lớn các dịch vụ để tạo ra một TPTM cho Đà Lạt đều được các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương “đi thuê”. “Theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công khai đấu thầu, doanh nghiệp nào đưa ra những sản phẩm tốt nhất chúng tôi sẽ lựa chọn. Cách làm này không chỉ làm giảm áp lực ngân sách nhà nước, không tăng nhân lực, biên chế cho từng bộ phận quản lý mà còn tạo sự minh bạch trong đầu tư, đồng thời giúp cho quá trình xây dựng TPTM Đà Lạt có được những lựa chọn tối ưu”, ông Lê Thanh Liêm khẳng định.
 
Những phần mềm đang giúp Đà Lạt hướng tới một đô thị thông minh
Những phần mềm đang giúp Đà Lạt hướng tới một đô thị thông minh
 
Thành phố công nghệ và tái tạo năng lượng sống
 
Bắt đầu cho đích đến Đà Lạt trở thành TPTM của Việt Nam vào năm 2025, chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều phần mềm ứng dụng trên nhiều nền tảng khác nhau được đưa vào sử dụng giúp cho người dân, du khách và nhà đầu tư ở Đà Lạt có được sự thuận lợi trong sinh hoạt cũng như giải quyết các vấn đề thủ tục hành chính.
 
Xây dựng TPTM gắn liền với Chính quyền điện tử chính là một trong những thành công lớn nhất của Lâm Đồng.
 
Hệ thống phần mềm “Đà Lạt Trực tuyến - iGov Connect” - kết nối người dân, chính quyền là một trong ví thử tiêu biểu nhất. Không còn phải chờ đợi trong giờ hành chính, thông qua môi trường mạng, người dân, doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa như: nộp hồ sơ, bốc số thứ tự, theo dõi quầy bốc số, tra cứu nhanh trạng thái hồ sơ, đồng thời đánh giá được thái độ phục vụ của nhân viên tiếp nhận hồ sơ, phản ánh kiến nghị của người dân đến các cơ quan chức năng của thành phố.
 
 Phần mềm này từ khi hoạt động đã nhận được phản hồi tích cực, sự ủng hộ của người dân, tổ chức trên địa bàn thành phố, đặc biệt là ở các tính năng đăng kí số trực tuyến và thông báo số thứ tự; tra cứu thông tin quy hoạch sử dụng đất; phản ánh trực tiếp đến cơ quan chức năng bằng hình ảnh hiện trường về các vấn đề như: an ninh trật tự, xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng đường, vệ sinh môi trường, giá cả thị trường...
 
Sự minh bạch và công khai còn được thể hiện ở những lĩnh vực “nóng” như vấn đề quy hoạch và giá cả đất đai. Cổng thông tin công bố quy hoạch thành phố Đà Lạt tại địa chỉ http://quyhoach.dalat.vn và phần mềm “Thông tin quy hoạch Đà Lạt” trên thiết bị di động cũng đã được đưa vào vận hành dữ liệu ở 12 phường và 4 xã của thành phố. Gần như tất cả các lĩnh vực về quy hoạch đất đai, quy hoạch kiến trúc xây dựng, dữ liệu lớp giao thông, thông tin giá đất, xây dựng các khu chung cư mới, quy hoạch các khu đô thị, di dời nhà ở, tái kiến thiết các khu vực đều được thể hiện trên ứng dụng này. 
 
Với đặc thù là một thành phố du lịch, cổng thông tin du lịch (http://dalat.vn) và phần mềm ứng dụng (dalat City) thực sự đã trở thành một người bạn khi giúp du khách có thể thực hiện một chương trình du lịch hoàn toàn qua hệ thống internet. Từ việc cập nhật thông tin về thành phố Đà Lạt thông qua các cổng thông tin du lịch, mạng xã hội và các diễn đàn du lịch, đến đặt vé phòng khách sạn, tra cứu các sự kiện văn hóa, điểm đến, ẩm thực, giao thông, thời tiết cũng như góp ý trực tiếp về chất lượng dịch vụ, phục vụ của du khách khi đến Đà Lạt tham quan nghỉ dưỡng.
 
Đặc biệt hơn, Cổng thông tin Du lịch và Ứng dụng du lịch thông minh - DalatFowerCity còn có những tính năng như một người chỉ đường trực tiếp cho bạn đến những nơi muốn đi và có số đường dây nóng để hỗ trợ trực tiếp cho bạn khi gặp những vấn đề phát sinh. Trên đây chỉ là số nhỏ trong rất nhiều những ứng dụng trên thiết bị di động trên App Store cho người dùng Iphone với hệ điều hành IOS và trên Google Play cho người dùng Android trong không gian sống của Đà Lạt. Còn rất nhiều lĩnh vực khác như y tế với điểm nhà thuốc và giá thuốc, giáo dục với hồ sơ học bạ và giáo trình giảng dạy, hay như đăng ký lưu trú không cần phải đến công an khu vực... đều đang được triển khai và vận hành ở Đà Lạt.
 
Đà Lạt liệu có thể cán đích khi trở thành TPTM của Việt Nam vào năm 2025, câu trả lời là chắc chắn. Bởi, Đà Lạt - thành phố hoa không chỉ là tài sản riêng của người Lâm Đồng mà còn là thương hiệu chung của đất nước, nơi tất cả đều muốn đến và quay lại nhiều lần trong đời. Sự chắc chắn ở thì tương lai còn được nhìn thấy thông qua tâm huyết, trách nhiệm của những người nặng lòng với thành phố, đang gánh trên vai niềm tin của người dân để có thể thực sự đưa Đà Lạt trở thành TPTM theo đúng nghĩa.
 
Ở thành phố ấy, người ta không chỉ đến để tái tạo năng lượng sau những căng thẳng mưu sinh trước bức bối của đô thị mà còn để hòa nhập, để không bị rơi ra khỏi nhịp cuốn của thời đại.
 
LINH ÐAN