Xứng tầm đô thị trung tâm Nam Lâm Đồng

10:01, 10/01/2020

Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, đô thị trẻ Bảo Lộc đã có những bước chuyển mình ấn tượng.

Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, đô thị trẻ Bảo Lộc đã có những bước chuyển mình ấn tượng.
 
Trung tâm thương mại Vincom Plaza Bảo Lộc. Ảnh: Ðông Anh
Trung tâm thương mại Vincom Plaza Bảo Lộc. Ảnh: Ðông Anh
 
Ðô thị trẻ tiềm năng
 
Vùng đất B’Lao được bác sĩ Alexandre Yersin phát hiện vào năm 1890. Năm 1958, Bảo Lộc trở thành “thành phố tỉnh lỵ” của tỉnh Lâm Đồng cũ. Đây được xem là điểm khởi đầu và đánh dấu sự phát triển để Bảo Lộc trở thành “một đô thị cấp vùng”. Năm 1994, huyện Bảo Lộc cũ được chia tách thành 2 đơn vị hành chính là thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm; đến năm 2009, thị xã Bảo Lộc được công nhận là đô thị loại 3 và năm 2010, Bảo Lộc được Chính phủ nâng cấp từ thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng. 
 
Thành phố Bảo Lộc có 11 đơn vị hành chính gồm 6 phường và 5 xã, là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghiệp, dịch vụ và du lịch quan trọng của vùng phía Nam tỉnh và là đô thị lớn thứ 2 của tỉnh Lâm Đồng. Nằm trên vị trí có tuyến Quốc lộ 20 chạy qua, cách Thành phố Hồ Chí Minh 180 km và TP Đà Lạt 110 km, Bảo Lộc rất thuận lợi trong việc kết nối phát triển kinh tế giữa khu vực Đông Nam Bộ - Tây Nguyên và các tỉnh lân cận... thích hợp phát triển thương mại, dịch vụ. Tại Hội thảo khoa học định hướng phát triển không gian đô thị TP Bảo Lộc, kỹ sư Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng khẳng định: TP Bảo Lộc có vị trí địa lý quan trọng đối với vùng phụ cận Nam Lâm Đồng, kết nối với huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên giàu tiềm năng, với nhiều vùng chức năng về du lịch, công nghiệp, cộng đồng dân cư có nhiều giá trị văn hóa phong phú. Bên cạnh những thắng cảnh hồ, thác nước, sông núi... hữu tình và thơ mộng, Bảo Lộc và các vùng phụ cận còn có các khu công nghiệp, nhà máy công nghiệp; các địa danh gắn với lịch sử như: Khu Di chỉ khảo cổ Cát Tiên, Khu Di tích kháng chiến Khu VI gắn với Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên...
 
Bảo Lộc xứng tầm đô thị trung tâm phía Nam Lâm Đồng. Ảnh: Khánh Phúc
Bảo Lộc xứng tầm đô thị trung tâm phía Nam Lâm Đồng. Ảnh: Khánh Phúc
 
Hướng đến đô thị xanh
 
Xác định TP Bảo Lộc là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, có nhiều tiềm năng, lợi thế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp, nhằm khai thác có hiệu quả, phát huy tốt các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế. Trong đó, thương mại, dịch vụ là ngành chủ lực, chiếm tỷ trọng cao, đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế của thành phố. Hơn 60 năm kể từ khi thành lập thành phố tỉnh lỵ, 10 năm được công nhận là đô thị loại 3 và phát triển lên thành phố, cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện; hệ thống siêu thị, chợ trung tâm, trung tâm thương mại, khu đô thị, khách sạn, nhà hàng và nhiều nhà máy, công ty được hình thành và hoạt động khá ổn định, hiệu quả. Đến nay, TP Bảo Lộc đã có sự bứt phá, vươn lên một cách mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. 
 
Theo đồ án quy hoạch chung phát triển TP Bảo Lộc và vùng phụ cận, Bảo Lộc sẽ trở thành đô thị trung tâm phía Nam Lâm Đồng, đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020, phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, xứng tầm là đô thị cấp vùng, một thành phố tỉnh lỵ trong tương lai. Với mục tiêu phát triển các trung tâm chuyên ngành cấp vùng và quốc gia bao gồm: thương mại - dịch vụ, dịch vụ - du lịch, trung tâm văn hóa - thể dục thể thao, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao..., thời gian qua, TP Bảo Lộc đã lập quy hoạch chung làm cơ sở để triển khai chương trình, dự án, xây dựng theo đúng lộ trình, kế hoạch, nhằm tạo động lực đẩy nhanh đô thị hóa; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị, xây dựng và phát triển đô thị theo qui hoạch chung và thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Cơ chế, chính sách, thu hút các nhà đầu tư, quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Bên cạnh đó, thành phố đã có những cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển đô thị bền vững, kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh.
 
Theo Ths.KTS. Hồ Viết Vinh, Bảo Lộc là vùng có lợi thế phát triển nông nghiệp chuyên canh chè, cà phê, cây dâu tằm, các ngành nghề đan len, khai khoáng, dệt tơ tằm, chế biến chè, cà phê, trồng cây ăn quả, thu hút một lượng lớn dân nhập cư hoạt động sản xuất kinh tế nông nghiệp. Trong tương lai, khi các hệ thống giao thông đối ngoại như đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Quốc lộ 55 kết nối Bình Thuận, Quốc lộ 14 kết nối Đắk Nông, đường vành đai phía Bắc, phía Nam hình thành thì áp lực đô thị càng mạnh. Do vậy, vấn đề nghiên cứu cấu trúc hình thái không gian đô thị Bảo Lộc hướng đến mô hình đô thị sinh thái nông nghiệp hiện đại sẽ là nền tảng để phát huy lợi thế vùng đất; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, biến thành phố Bảo Lộc có môi trường sống lý tưởng phù hợp cho người dân địa phương và du khách trong, ngoài nước. 
 
Còn theo TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để phát triển TP Bảo Lộc trở thành đô thị tỉnh lỵ, cấp vùng hiện đại, thành phố công - nông nghiệp và hướng đến thành phố xanh - bền vững đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 thì cần thực hiện đồng bộ quy hoạch đô thị theo xu hướng hiện đại, thành phố công nghiệp đặc thù, trung tâm dịch vụ đa lĩnh vực - chất lượng cao..., phát triển mô hình làng đô thị xanh để hình thành thành phố xanh và bền vững. Thực hiện đồng bộ quy hoạch vùng một cách khoa học, phù hợp với xu thế phát triển thời đại quốc gia và quốc tế; trong quá trình phát triển đô thị sẽ tập trung quản trị đô thị một cách văn minh, khoa học. Hình thành các “Làng đô thị xanh”, phát triển nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính, đầu tư bảo vệ rừng đầu nguồn và phát triển cây xanh đô thị có chọn lọc với tầm nhìn dài hạn...; phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. 
 
Để Bảo Lộc phát triển theo hướng đô thị trung tâm kinh tế khu vực phía Nam của tỉnh, đô thị xanh, đô thị sinh thái, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Nguyễn Văn Triệu cho biết: “TP Bảo Lộc đã, đang triển khai quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 kết nối khu vực giữa Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh... Bảo Lộc cũng đang xin thu hút đầu tư đưa vào quy hoạch 4 dự án lớn, đó là đưa vào khai thác lại sân bay quân sự cũ để làm du lịch, vận tải hàng hóa, hành khách, máy bay cấp cứu, gắn giữa dân sự với quân sự, gắn kinh tế với quốc phòng, đảm bảo an ninh; triển khai dự án sân golf đi đôi với cảnh quan cây xanh hoa viên; dự án cáp treo, tham quan nghỉ dưỡng núi Sa Pung; hệ thống nhà nghỉ, khách sạn năm sao, khu vui chơi sinh thái, tôn tạo cảnh quan, đẩy mạnh du lịch - dịch vụ. Ngoài ra, thành phố còn quan tâm đến việc xây dựng các xã nông thôn mới và phường đạt chuẩn đô thị văn minh, theo tiêu chí đô thị xanh, đô thị sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Xây dựng buôn làng đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên trở thành các khu du lịch tham quan mang đậm quốc tế vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống đồng bào và đảm bảo về quốc phòng, an ninh...”.
 
Khi trở thành đô thị loại II và phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị loại I vào năm 2035, Bảo Lộc sẽ là thành phố khang trang, hiện đại, phát triển hài hòa với cảnh quan môi trường thân thiện, xanh - sạch - đẹp, xứng tầm là đô thị trung tâm kinh tế khu vực phía Nam của tỉnh, vững bước trong thời kỳ hội nhập.
 
NDONG BRỪM