Chinh phục “sân chơi” nghiên cứu khoa học tầm quốc tế

HẢI ĐƯỜNG 08:56, 20/01/2023

Trong học tập, các em Lê Hữu Hoài Bảo, Nguyễn Hoàng Trung Sơn (Trường THPT Chuyên Bảo Lộc) và Hoàng Bùi Anh Tuấn (Trường THPT Bảo Lộc) đều có những mục tiêu và ước mơ riêng. Nhưng ở các em đều có chung khát vọng chinh phục đỉnh cao tri thức từ học tập và nghiên cứu khoa học bằng chính sự đam mê của mình. 

Trung Sơn và Anh Tuấn bên đồ họa sản phẩm trí tuệ nhân tạo  giúp đỡ người khiếm thanh, khiếm thính
Trung Sơn và Anh Tuấn bên đồ họa sản phẩm trí tuệ nhân tạo giúp đỡ người khiếm thanh, khiếm thính

MÁY NHẶT RÁC CỦA BẢO VÀ CỘNG SỰ    
Trong những năm lớp 10 và 11, em Lê Hữu Hoài Bảo - lớp 12 Hóa, Trường THPT Chuyên Bảo Lộc luôn đạt thành tích học tập đáng nể với học lực loại giỏi.
Theo chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Vũ Minh Tú - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bảo Lộc, Hoài Bảo không chỉ chăm ngoan, học giỏi mà em còn năng động, ấp ủ nhiều ước mơ. Hoài Bảo là học sinh có vốn tiếng Anh rất tốt; yêu âm nhạc với sở trường chơi đàn Piano cùng nhiều nhạc cụ hiện đại. Hiện tại, Hoài Bảo đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hội họa và Âm nhạc của Trường THPT Chuyên Bảo Lộc. Đặc biệt, Hoài Bảo được thầy cô, bạn bè biết đến là người đam mê, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.
Vào đầu tháng 11/2022, với vai trò là trưởng nhóm, Hoài Bảo cùng 2 cộng sự là các em Nguyễn Phương Nguyên, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (TP Hà Nội) và Bùi Minh Ngọc, Trường THPT Nguyễn Siêu (TP Hà Nội), với dự án “Urban River Trash Collector” - Máy nhặt rác đô thị trên mặt nước đã xuất sắc giành huy chương Vàng và giải Đặc biệt tại Cuộc thi Khoa học và Sáng chế quốc tế (International Science and Invention Fair - ISIF 2022) được tổ chức tại Bali, Indonesia. Để xuất sắc giành những giải thưởng danh giá tại cuộc thi, sản phẩm máy nhặt rác đô thị trên mặt nước của Hoài Bảo và 2 cộng sự xuất sắc chinh phục ban giám khảo vượt qua 507 đề tài, dự án của hơn hơn 1.800 học sinh và giáo viên đến từ 32 quốc gia trên toàn thế giới tham gia. 

Hoài Bảo cùng 2 cộng sự Phương Nguyên và Minh Ngọc  bên máy nhặt rác tự động
Hoài Bảo cùng 2 cộng sự Phương Nguyên và Minh Ngọc bên máy nhặt rác tự động

Hoài Bảo chia sẻ: “Nhà em ở gần hồ Đồng Nai (TP Bảo Lộc), nên em thường xuyên chứng kiến cảnh rác thải trôi dạt trên hồ gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là tình trạng chung tại các đô thị trong cả nước khi lượng rác thải trôi dạt trên hồ, sông, suối ngày càng nhiều, đặt ra tính cấp thiết cần có thiết bị tự động để nhặt rác trên mặt nước, góp phần giảm sức lao động cho con người. Qua sự tương tác, trao đổi với các bạn cùng trang lứa tại các trường THPT chuyên trong cả nước thông qua các nhóm trên mạng xã hội, em đã kết thân với 2 bạn Nguyên và Ngọc có cùng ý tưởng, sở thích và đam mê. Dựa trên những nền tảng kiến thức vật lí, những kinh nghiệm trao đổi với thầy, cô giáo; chúng em quyết định bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo ra thiết bị tự động nhặt rác này”.
Sau nhiều tháng nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng ý tưởng, Hoài Bảo cùng 2 cộng sự đã chế tạo, lắp đặt thành công máy nhặt rác tự động trên mặt nước với nhiều tính năng ưu việt. Thông qua kết nối wifi, mỗi người sẽ dễ dàng điều khiển chiếc máy tự động di chuyển nhặt rác trên mặt nước. Cấu trúc chung bề ngoài của thiết bị được thiết kế dựa trên Thuyết lực đẩy Archimedes. Bộ xử lí bên trong và nền tảng Blynk hoạt động dựa trên chức năng của từng bộ phận động cơ. Các chi tiết thành phần bộ phận được nối với nhau bằng keo nóng; giữa ống nhựa, lưới kim loại, phao là những dây buộc zip. Để di chuyển dễ dàng trên mặt nước, các cánh quạt được thiết kế chìm hoàn toàn dưới bề mặt nước để thiết bị có thể di chuyển. Nền tảng Blynk cho phép con người điều khiển thiết bị qua điện thoại, máy tính bảng,... bằng các thao tác với phần mềm tương ứng được cài đặt.
Sau khi thử nghiệm thành công thiết bị hoạt động trong thực tế, Hoài Bảo cùng 2 cộng sự đã đăng ký dự thi Cuộc thi Khoa học và Sáng chế quốc tế, đoạt huy chương Vàng cùng giải Đặc biệt. “Kết quả đoạt huy chương Vàng và giải Đặc biệt tại một cuộc thi khoa học quốc tế có quy mô lớn khiến em cùng 2 bạn Nguyên và Ngọc rất vui, tự hào. Kết quả này cũng khẳng định sự sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của tuổi trẻ Việt Nam chúng ta không hề thua kém so với các nước tiên tiến trên thế giới. Qua đó, giúp chúng em thêm tự tin hơn để tiếp tục nghiên cứu, cải tiến hoàn thiện sản phẩm và được các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ để đưa vào áp dụng trong thực tế”, Hoài Bảo chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc Nguyễn Văn Phương khen thưởng đột xuất 3 em học sinh và thầy giáo Ngô Quang Hợp
Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc Nguyễn Văn Phương khen thưởng đột xuất 3 em học sinh và thầy giáo Ngô Quang Hợp

NHÀ THÔNG MINH CHO NGƯỜI KHIẾM THÍNH, KHIẾM THANH
Cùng với Hoài Bảo, với đề tài “Smart house AI for the disabled person” (D-Home Nhà thông minh cho người khiếm thanh, khiếm thính ứng dụng trí tuệ nhân tạo) do 2 em học sinh Nguyễn Hoàng Trung Sơn, lớp 12 Lý (Trường THPT Chuyên Bảo Lộc) và Hoàng Bùi Anh Tuấn, lớp 10A5 (Trường THPT Bảo Lộc) sáng chế đã xuất sắc vượt qua hàng trăm đề tài, dự án của học sinh cả nước để đoạt giải Đặc biệt tại chung kết Cuộc thi Lập trình Coolest Project 2022 do Tổ chức The Dariu Foundation (Quỹ Dariu) thực hiện. Đây cũng là đề tài vinh dự đại diện cho Việt Nam tham dự vòng chung kết quốc tế Cuộc thi Lập trình Coolest Project 2022 do Quỹ Dariu tổ chức sẽ diễn ra tại Malaysia trong thời gian tới.
Trung Sơn chia sẻ: “Người khiếm thanh, khiếm thính thường phải chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống. Chính vì thế, chúng em đã tham khảo, tìm tòi để đưa ra ý tưởng làm một ngôi nhà thông minh dành riêng cho họ. Ngôi nhà đặc biệt này có sử dụng trí thông minh nhân tạo. Theo đó, sản phẩm trí tuệ nhân tạo với sự kết hợp giữa ngôn ngữ lập trình Python có chức năng điều khiển tự động các thiết bị trong nhà thông qua hệ thống cảm biến và các thiết bị Raspberry pi, ngoại vi. Đặc biệt, sản phẩm trí tuệ nhân tạo có khả năng bắt cử chỉ từ người dùng (người khiếm thanh, khiếm thính) để chuyển thành các lệnh điều khiển giúp cho họ có khả năng sử dụng các tiện ích trong ngôi nhà như người bình thường”.
Thầy giáo Ngô Quang Hợp (Trường THPT Chuyên Bảo Lộc), giáo viên hướng dẫn Trung Sơn và Anh Tuấn thực hiện đề tài này, cho biết: “Trong quá trình hướng dẫn thực hiện đề tài, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng ở Trung Sơn và Anh Tuấn đã thể hiện được sự sáng tạo và ăn ý. Tuy gặp không ít khó khăn, nhưng sau 5 tháng, 2 em đã cùng nhau vượt qua để hoàn thành sản phẩm và tôi cảm thấy rất ưng ý. Điểm ấn tượng mà tôi tâm đắc nhất của sản phẩm là chức năng tích hợp các thiết bị dành cho người khiếm thanh, khiếm thính đang có trên thị trường hiện nay. Vì thế, tính khả thi để áp dụng sản phẩm trí tuệ nhân tạo vào Nhà thông minh cho người khiếm thanh, khiếm thính trong thực tế là rất cao khi có các nhà đầu tư để phát triển thêm trong tương lai”.
Để ghi nhận, biểu dương những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học của các học sinh, UBND TP Bảo Lộc đã kịp thời khen thưởng đột xuất các em Hoài Bảo, Trung Sơn và Anh Tuấn. Qua đó, giúp các em có thêm động lực và tự tin phấn đấu đạt những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu thời gian tới.