Những dòng sông ánh sáng

VIẾT TRỌNG 08:56, 24/01/2023

Không chỉ cung cấp điện năng cho lưới điện quốc gia, những hồ, đập thủy điện trên đất Lâm Đồng cùng các “dòng sông nhân tạo” đi kèm còn đưa nước về xuôi, cung cấp nước tưới, thắp lên màu xanh hy vọng cho những vùng đất khô cằn rộng lớn lâu nay tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. 

Hồ Thủy điện Đại Ninh
Hồ Thủy điện Đại Ninh

ĐỦ NƯỚC CHO NHÀ MÁY HOẠT ĐỘNG 
Đưa tôi ra xe, chạy lòng vòng trên bờ đập chính ngắm hồ, sau đó xuống thăm nhà máy phát điện dưới chân đèo Đại Ninh trên phần đất của Bình Thuận, ông Trần Quốc Anh, phụ trách truyền thông của Thủy điện Đại Ninh chìa bàn tay ra hứng những giọt mưa rơi đều qua cửa sổ xe rồi mỉm cười: “Lại mưa”.
Đã cuối mùa mưa nhưng vài ngày nay Đà Lạt mưa dầm rồi rả rích cả ngày, có lẽ ảnh hưởng áp thấp đâu đó ngoài biển. “Chúng tôi cũng tích đủ nước rồi”, ông Nguyễn Đăng Tuấn, Trưởng Phòng Kỹ thuật An toàn, cùng đi với chúng tôi, cho biết. 
Khởi công từ năm 2004 với tổng vốn đầu tư 445 triệu USD từ nguồn ODA Nhật Bản, được đưa vào vận hành từ tháng 10/2007, Thủy điện Đại Ninh nằm trên bậc thang của sông Đồng Nai với các đập nước tại Ninh Gia - Đức Trọng. Nước tích từ vùng đất Lâm Đồng được đưa qua đường hầm xuyên núi theo hệ thống ống áp lực xuống nhà máy dưới xuôi để phát điện. Nhà máy phát điện này nằm trên đất Bình Thuận, có 2 tổ máy phát điện với công suất 300 MW, cung cấp bình quân hằng năm một sản lượng điện khoảng 928 triệu kWh cho lưới điện quốc gia.
Theo ông Tuấn, tổng diện tích mặt nước dâng của Thủy điện Đại Ninh vào khoảng 18 km2, dung tích toàn hồ khoảng 315 - 320 triệu m3, trong đó dung tích khai thác 251 triệu m3, còn lại là phần nước “chết”. Hồ Đại Ninh tiếp nhận nước của lưu vực xung quanh rộng 1.158 km2, nước đưa về đây từ 2 con sông chính là Đa Nhim và Đa Queyon. Thường thì mùa lũ của Lâm Đồng, từ tháng 8 đến tháng 12 hằng năm, nước về hồ nhiều, trong đó từ tháng 10 đến tháng 11 là thời gian tích nước chính. Hồ có bờ đập chính khá dài, có 4 đập phụ trong đó có đập tràn và đập dành cho sự cố khi cần.
Tính từ thời điểm vận hành phát điện đến nay, theo ông Tuấn, có những thời điểm mùa khô hồ xuống gần đến mực nước chết; trong kỹ thuật thì mực nước này chỉ báo cho việc “khai thác tối ưu”. Tuy nhiên, nhà máy lâu nay không cho phép điều này xảy ra. Thường thì căn cứ vào lượng nước tích hằng năm, công ty sẽ tính toán để phân bổ lượng nước hợp lý cho sản xuất điện trong từng thời điểm trong năm. 
Trước đó, trong cuộc làm việc tại Văn phòng công ty, ông Nguyễn Hữu Phước - Giám đốc Thủy điện Đại Ninh cho biết, hằng năm, đơn vị đều có tổ chức quan trắc kiểm tra bồi lắng lòng hồ nhưng cho đến nay lượng phù sa đổ về đây không đáng kể. “An toàn hồ đập được chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu”, ông Phước khẳng định. 
Nước từ hồ thủy điện tại Đại Ninh sẽ được dẫn vào một con đường hầm đục xuyên núi, đường hầm này dài 11,3 km, đường kính 4,5 m, hướng về Bình Thuận. Đây được coi là con đường hầm thủy điện dài nhất Việt Nam vào thời điểm thi công, nhưng đến nay danh hiệu này không còn nữa. Ở cuối miệng hầm, nước được dẫn vào một hố điều áp, sau đó chảy vào một đường ống thép, dài 1,8 km, đường kính 3,2 m dẫn đến nhà máy sản xuất điện. Đường ống này khi vào nhà máy sẽ được phân thành 2 ống để quay 2 tua bin phát điện của 2 tổ máy.
Theo ông Tuấn, về nguyên tắc, cả đường hầm và đường ống áp lực đều được tạo độ dốc để dẫn nước xuôi theo, tạo nên một cột nước từ cao đổ xuống để quay tua bin phát điện. Nếu so với Thủy điện Đa Nhim cũng của Lâm Đồng được xây dựng năm 1963 tại Đơn Dương thì cột nước ở đây khi đổ đèo Sông Pha xuống vùng đất Ninh Thuận đạt độ cao khoảng 800 m nên hiệu suất sản xuất điện của nhà máy này rất cao. Trong khi đó, cột nước của Thủy điện Đại Ninh khi đổ chỉ đạt mức 670 m, thấp hơn Đa Nhim, nhưng hiệu suất sản xuất điện cũng rất tốt.
Tại nhà máy sản xuất điện dưới chân đèo Đại Ninh, chúng tôi được Quản đốc phân xưởng Phùng Văn Chuẩn đưa đi thăm nhà máy. Tại Phòng Kiểm soát, tất cả hoạt động của thủy điện đều được tích hợp và hiển thị qua hệ thống màn hình cùng các thông số đi kèm. Điểm đặc biệt, nếu so với các tổ máy tại Thủy điện Đa Nhim với hệ thống tua bin trục ngang nên phát ra âm thanh khá ồn thì 2 tổ máy nơi đây với công nghệ mới bằng trục đứng nên tiếng ồn giảm đi rất nhiều. 
Cũng nói thêm rằng, lượng nước từ 2 tổ máy nơi đây khi ra khỏi nhà máy được dẫn vào một hồ nhỏ phía dưới và do vẫn còn độ cao đủ để tạo áp lực nước nên tiếp tục được tận dụng để phát điện cho Thủy điện Bắc Bình của Bình Thuận được xây phía dưới với công suất 33 MW.
MÀU XANH CHO NHỮNG VÙNG KHÔ HẠN
Cùng với việc dùng sức nước để phát điện, nhiều nhà máy thủy điện của Lâm Đồng, trong đó có Thủy điện Đại Ninh lâu nay còn có một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nữa, đó là đưa nước về với các vùng khô hạn ở các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận phục vụ cho nông nghiệp và dân sinh.
Với lượng mưa lớn, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 60 sông, suối có chiều dài trên 10 km; có trên 400 công trình thủy lợi và có 29 công trình thủy điện đang vận hành với tổng công suất khoảng 1.526,8 MW, dung tích hồ chứa trên 3 tỷ m3. Trong số này có 2 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh nhưng nhà máy thủy điện đặt ở các tỉnh lân cận, đó là hồ Đa Nhim tại Đơn Dương với nhà máy thủy điện đặt tại huyện Ninh Sơn - Ninh Thuận và hồ Đại Ninh thuộc huyện Đức Trọng nhưng nhà máy thủy điện đặt tại xã Phan Lâm, Bắc Bình, Bình Thuận. 
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng, lượng nước xuống Ninh Thuận thông qua Thủy điện Đa Nhim với lưu lượng phát điện lớn nhất là 39,25 m3/giây. Còn Thủy điện Đại Ninh cũng đưa nước xuống Bình Thuận với lưu lượng lớn nhất là 55,4 m3/giây. Tổng tiền thuế tài nguyên nước của tỉnh từ năm 2017 đến năm 2022 là 268 tỷ đồng, trung bình mỗi năm Lâm Đồng thu từ 40 - 50 tỷ đồng.
Để dễ hình dung hơn con số dòng chảy này, theo ông Trần Quốc Anh, mỗi năm Thủy điện Đại Ninh thông qua đường ống dẫn nước, hay có thể gọi là con sông nhân tạo này, đưa khoảng 600 triệu m3 nước sau khi phát điện cung cấp cho gần 30 nghìn ha đất nông nghiệp trong một vùng rộng lớn của huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc của Bình Thuận.
Hiệu quả từ nguồn nước tưới tiêu này trông thấy rất rõ. Hai huyện vùng sâu Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc với những vùng đất nghèo, khô hạn có lượng mưa rất thấp hằng năm, nay đã thay da đổi thịt. 

Dòng nước mát từ Lâm Đồng đưa xuống đã góp phần không nhỏ trong việc phủ xanh cả một vùng rộng lớn dưới chân đèo Đại Ninh, đến tận những cánh đồng phía xa hướng về TP Phan Thiết. Nước không chỉ mang lại ánh sáng mà còn là niềm hy vọng đổi đời cho biết bao người dân sống nhờ vào nông nghiệp nơi đây. 

Từ nguồn cấp nước ổn định, các địa phương có thể thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị đất đai và thu nhập. 
Từ Nhà máy Thủy điện Đại Ninh, chúng tôi đã cùng đi thăm đập thủy lợi Sông Lũy cách đó không xa, trên địa bàn xã Phan Lâm và Phan Sơn của huyện Bắc Bình. Đây là một công trình thủy lợi rất lớn, dung tích thiết kế khoảng 100 triệu m3 nước, trong đó dung tích hữu ích khoảng 95,8 triệu m3, được khởi công từ đầu năm 2019 và đưa vào tích nước từ cuối năm 2020. Với việc xây dựng đập thủy lợi Sông Lũy, nước từ Nhà máy Thủy điện Đại Ninh sẽ dẫn trực tiếp về đây tích nước để Bình Thuận có thể điều phối nước theo nhu cầu, nhất là trong các tháng mùa khô.
Trên đường về lại Lâm Đồng, trời vẫn tiếp tục mưa, tôi cũng đưa tay ra hứng những hạt nước mưa. Tôi biết, với những người làm thủy điện như ông Anh, ông Tuấn, mỗi giọt mưa trên tay đều báo hiệu cho những mùa vàng, một giọt trên tay nhưng cả một lưu vực rộng lớn trong tỉnh Lâm Đồng khi mưa xuống đó sẽ có bao nhiêu lượng nước tiếp tục về hồ chứa. Ngồi với tôi trên xe, ông Anh nói rằng, Thủy điện Đại Ninh luôn cùng tỉnh Lâm Đồng phối hợp tốt trong công tác giữ rừng. “Thủy điện bền vững chỉ khi thượng nguồn giữ rừng được” - ông Anh nhấn mạnh.