Vùng ven chuyển mình từ chương trình “Đột phá, tăng tốc”

02:01, 25/01/2011

Nằm trên các trục giao thông huyết mạch của tỉnh có quốc lộ 20 và 27 đi qua, lại có Cảng Hàng không quốc tế Liên Khương và những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Gougah, Pongour… từ lâu, huyện cửa ngõ Đức Trọng được xem là địa phương có những điều kiện khá thuận lợi để phát triển toàn diện.

Vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh ở Hiệp An (Đức Trọng).
Vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh
ở Hiệp An (Đức Trọng).
Nằm trên các trục giao thông huyết mạch của tỉnh có quốc lộ 20 và 27 đi qua, lại có Cảng Hàng không quốc tế Liên Khương và những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Gougah, Pongour… từ lâu, huyện cửa ngõ Đức Trọng được xem là địa phương có những điều kiện khá thuận lợi để phát triển toàn diện. Người ta bảo, vùng đất này đang ngày càng “thay da đổi thịt” nhờ sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương cùng sự chịu thương, chịu khó của người dân nơi đây; đặc biệt từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU về “Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội huyện Đức Trọng giai đoạn 2006-2010” như tiếp thêm sức mạnh cho vùng đất cửa ngõ của Đà Lạt ngày càng khởi sắc.

Như đã nói ở trên, với ưu điểm về nhiều mặt, sự phát triển kinh tế - xã hội của Đức Trọng trong thời gian qua khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, du lịch và dịch vụ… Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về Chương trình “Đột phá, tăng tốc”, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, huyện Đức Trọng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là từ đầu năm 2008 đến nay do ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế thế giới đã làm giá cả của các loại vật tư leo thang, hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng tăng cao, thiên tai dịch bệnh liên tiếp xảy ra đã tác động không nhỏ đến đời sống và sản xuất của đại bộ phận nhân dân trong huyện. Song đứng trước những khó khăn đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã không nao núng tinh thần, mà đã đồng cam cộng khổ nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, tập trung khai thác tốt tiềm năng lợi thế so sánh, phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ khai thác có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài huyện để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế với mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 15,6%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông lâm nghiệp giảm còn 35,5%, tỷ trọng công nghiệp tăng lên 36,1%, thương mại dịch vụ tăng lên 28,4%; hệ thống điện lưới quốc gia và phương tiện thông tin liên lạc đã đến hầu hết các gia đình; tỷ lệ hộ nghèo còn 3%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 33%; huyện cũng đã xây dựng được 95% cơ quan, 76% thôn, khu phố, cụm dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa…

Có thể nói, nét nổi bật trong việc triển khai thực hiện chương trình đột phá, tăng tốc ở Đức Trọng được thể hiện rõ nét trên một số lĩnh vực như: Cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp và kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch quan trọng, tạo năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao; đã hình thành một số vùng nông nghiệp sản xuất nguyên liệu tập trung chuyên canh theo hướng sản xuất công nghệ cao, phục vụ công nghiệp chế biến; việc tiêu thụ sản phẩm bước đầu gắn kết được giữa sản xuất với chế biến, dịch vụ, góp phần tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa ngày càng cao, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong huyện. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng tăng mạnh, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong cơ cấu kinh tế của huyện; thương mại dịch vụ phát triển khá nhanh, đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phục vụ đời sống nhân dân; thu hút đầu tư được đẩy mạnh với 59 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD và 8.000 tỷ đồng; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị và triển khai các công trình trọng điểm được quan tâm triển khai đầu tư có hiệu quả; quan hệ sản xuất và cơ cấu các thành phần kinh tế từng bước điều chỉnh phù hợp với cơ chế thị trường trong xu thế hội nhập kinh tế…

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình “Đột phá, tăng tốc”, trong giai đoạn 2011- 2015, huyện Đức Trọng đã đề ra mục tiêu định hướng là phải giữ vững đoàn kết, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện trên tất cả các mặt, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để tập trung phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 15-16%/năm; đồng thời trở thành trung tâm thương mại hàng đầu của các huyện lân cận và khu vực, từng bước phấn đấu phát triển trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ của tỉnh; tập tập lên một tầm cao mới. Để làm được điều đó, ngay từ thời điểm này, huyện đang tập trung lãnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, công trình trọng điểm của tỉnh có liên quan đến địa phương và các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm của huyện nhằm tạo nên sự bứt phá, tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tạo tiền đề xây dựng Đức Trọng trở thành huyện công nghiệp trong thời gian tới.
 
Hải Phong