Đoàn Đại biểu Quốc hội làm việc với UBND tỉnh về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19

NGUYỆT THU 18:03, 15/02/2023

(LĐ online) - Chiều ngày 15/2, Đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Lâm Đồng có buổi làm việc với UBND tỉnh về giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 

Lãnh đạo Đoàn ĐBQH và UBND tỉnh chủ trì buổi giám sát
Lãnh đạo Đoàn ĐBQH và UBND tỉnh chủ trì buổi giám sát

Buổi làm việc dưới sự chủ trì điều hành của ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Trưởng đoàn giám sát, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. 

Trước tình hình đại dịch COVID-19 nguy hiểm, lây lan rất nhanh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, gây thiệt hại về nhiều mặt cả về tính mạng, sức khỏe, kinh tế, văn hóa, xã hội và chưa có tiền lệ về chính sách để ứng phó; tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp mạnh để phòng, chống dịch; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương, nhanh chóng kiểm soát, không để dịch bùng phát diện rộng trong cộng đồng. 

Đại diện sở Tài chính báo cáo với đoàn về nội dung giám sát
Đại diện sở Tài chính báo cáo với đoàn về nội dung giám sát

Qua 4 đợt dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thu dung và điều trị cho 138.050 trường hợp, xuất viện 137.695 trường hợp, đang điều trị 191 trường hợp, đi về địa phương khác 16 trường hợp; có 148 bệnh nhân tử vong, chiếm tỷ lệ 0,11%, thấp hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước (0,4%).

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản để triển khai thực hiện việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo tính kịp thời, đúng đối tượng, định mức, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. 

Bác sĩ Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đoàn giám sát nêu
Bác sĩ Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đoàn giám sát nêu

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả huy động, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn năm 2020-2022, trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp nhưng đã dành gần 895 tỷ đồng để chi thực hiện phòng, chống dịch và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động; đồng thời đã tích cực thực hiện huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp 227,8  tỷ đồng (gồm tiền và hiện vật quy đổi tiền); cung cấp hàng nghìn tấn rau, củ, quả hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.

Trong đó, tổng số tiền ngân sách chi phòng, chống dịch chiếm 50,12% ; chi hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn chiếm 43,17%; chi xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19, mua sắm thiết bị chẩn đoán hình ảnh và trang thiết bị cho 2 khu điều trị cách ly người bệnh COVID-19 chiếm 6,69%.

Ông Nguyễn Tạo kết luận tại buổi làm việc
Ông Nguyễn Tạo kết luận tại buổi làm việc

Về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, tỉnh đã triển khai và phân bổ 54 đợt vắc xin phòng COVID-19; ngành Y tế đã tổng hợp toàn bộ năng lực tiêm chủng của các cơ sở y tế trong toàn ngành với 1.485 nhân viên y tế/164 điểm tiêm với 206 bàn tiêm, 1 ngày trung bình có khả năng tiêm được cho 40.000 người. Đến hết ngày 11/12/2022, tỉnh Lâm Đồng đã tiêm 4.212.735 liều, đạt tỷ lệ 100,96%.

Đoàn giám sát ghi nhận sự nỗ lực của địa phương trong việc củng cố hệ thống y tế cơ sở, hiện nay 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Đội ngũ nhân lực y tế cơ sở cơ bản đáp ứng được yêu, cầu nhiệm vụ chuyên môn; trung tâm y tế các huyện, thành phố đã được địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác y tế dự phòng, công tác chẩn đoán và điều trị, từng bước đạt chuẩn danh mục trang thiết bị y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S tiếp thu, ghi nhận các ý kiến góp ý, đề xuất của Đoàn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S tiếp thu, ghi nhận các ý kiến góp ý, đề xuất của Đoàn

Tuy nhiên, đại diện ngành Y tế cũng báo cáo với đoàn về những khó khăn, tồn tại trong chính sách, pháp luật về y tế cơ sở; cơ cấu chất lượng chuyên môn tuyến huyện còn thiếu nhân lực có trình độ chuyên khoa; đối với trạm y tế cấp xã, số người làm việc, số lượng bác sỹ đang có xu hướng giảm; số lượng dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại trạm y tế xã còn chưa cao, thuốc thiết yếu, thuốc bảo hiểm y tế chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ của cán bộ y tế tuyến xã còn hạn chế, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo... Đặc biệt, nguồn lực và quản lý còn hạn chế, nhiều năm chưa có đầu tư đáng kể cho y tế cơ sở, nhân lực thiếu, trình độ hạn chế, cơ chế tài chính cho y tế cơ sở còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích hoạt động.

Việc quản lý, sử dụng tài sản công, công tác mua sắm tập trung, kiểm soát, thanh toán, chi trả, quyết toán các khoản chi… trong công tác y tế dự phòng thực hiện theo đúng quy định. Từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra đến nay, cán bộ, viên chức y tế phải chịu cường độ làm việc lớn, hầu như không có ngày nghỉ, đặc biệt là do phải làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế. Tuy nhiên chế độ phụ cấp ưu đãi nghề mức 40% còn thấp so với các lĩnh vực khác.

Các thành viên Đoàn giám sát đặt câu hỏi về một số vấn đề như: Việc quản lý danh mục thuốc, việc thực hiện y tế cơ sở theo quy định của chính phủ trên địa bàn tỉnh như thế nào so với chỉ tiêu Chính phủ giao; Nguyên nhân tỷ lệ trẻ em tiêm chủng thấp, giải pháp thời gian tới ra sao; để ứng phó với dịch bệnh khó lường tiếp theo, ngành Y tế có giải pháp dự phòng nào; hệ thống y tế dự phòng được chuẩn bị ra sao…

Đại diện Sở Y tế và các đơn vị liên quan đã tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề thuộc thẩm quyền do các thành viên đoàn giám sát nêu.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Tạo nhấn mạnh, qua giám sát, thu thập, lắng nghe, Đoàn ĐBQH sẽ kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát, đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tập trung rà soát, hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực y tế, y tế dự phòng, an sinh xã hội. Sớm hoàn thiện và trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dự kiến vào tháng 5/2023.

Đoàn sẽ đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội Luật Y tế dự phòng; sửa đổi, bổ sung các Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Bảo hiểm xã hội và các luật khác có liên quan nhằm kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho công tác phòng, chống dịch và đại dịch, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đề nghị tăng mức phụ cấp, vì so với nhu cầu thực tế, chế độ phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động trong các cơ sở y tế công lập hiện nay quá thấp. Tăng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cho nhân viên y tế, trong đó có nhân viên y tế cơ sở. Tăng cường cho y tế dự phòng ở cơ sở như thuốc, hóa chất để kịp thời xử lý khi xảy ra dịch bệnh. Kiến nghị Chính phủ cần có quy định riêng đối với công tác mua sắm trang thiết bị, hoá chất, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. Tiếp tục chỉ đạo ngành Y tế để sớm có giải pháp nhằm bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.