Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp: Nỗ lực của cả tỉnh là cơ sở, nền tảng để phát triển tốt hơn

LÊ HOA 06:44, 29/03/2023

(LĐ online) - Ngày 28/3, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp Quý II năm 2023. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kết luận Hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kết luận Hội nghị

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thanh tra tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch, Trung tâm Phục vụ Hành chính công…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp phân tích tình hình kinh tế - xã hội trong Quý I
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp phân tích tình hình kinh tế - xã hội trong Quý I

TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH

Báo cáo đánh giá tình hình chung trong tháng 3 và Quý I năm 2023 do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày, cho biết: Trong Quý I năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng từ 5,3 - 5,5%; hầu hết các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định, tăng trưởng cao so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp thuận lợi, diện tích gieo trồng tăng, vi phạm lâm nghiệp giảm về số vụ (giảm 4 vụ) và lâm sản thiệt hại (giảm 35%); chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 3,14% so với cùng kỳ; các lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển tốt.

Du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh, tổng lượt khách du lịch đến Lâm Đồng tăng 36,9% so với cùng kỳ; trong đó, khách nội địa tăng 41%, khách quốc tế tăng 1.676%. Các cấp, các ngành và địa phương kịp thời phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023; đảm bảo cung ứng nguyên vật liệu xây dựng, tháo gỡ khó khăn để các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. 

Tiến độ thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm đã có chuyển biến khá rõ nét; trong đó, triển khai thi công dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn - Đà Lạt; khởi công dự án hồ chứa nước Ta Hoét, huyện Đức Trọng; chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục, điều kiện cần thiết để khởi công dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương; tổ chức thu hút đầu tư dự án khu du lịch Đankia - Suối Vàng, khu đô thị Nam sông Đa Nhim…

Thu ngân sách nhà nước tăng so với cùng kỳ; chi ngân sách đảm bảo đúng quy định, ưu tiên nguồn lực chi đầu tư phát triển và các công trình, dự án kết cấu hạ tầng, liên kết vùng.

Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả; đảm bảo đầy đủ thuốc men, vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh. 

Công tác cải cách hành chính được quan tâm thực hiện tốt; định kỳ hàng tháng tổ chức 1 buổi đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ tối đa doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định pháp luật. 

Công tác tổ chức bộ máy, tổ chức cán bộ thực hiện theo đúng quy định. Quốc phòng, an ninh chính trị được đảm bảo; trật tự xã hội cơ bản ổn định; tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ...

Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn giải trình và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý bảo vệ rừng
Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn giải trình và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý bảo vệ rừng

CÓ THỂ LÀM TỐT HƠN

Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do giá cả nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, đặc biệt là nguyên vật liệu phục vụ hoạt động xây dựng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn những vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng có tính chất phức tạp, nổi cộm tăng so với cùng kỳ (xảy ra 5 vụ, tăng 83,3%); diện tích thiệt hại tăng cao (tăng 135%).

Thu ngân sách nhà nước còn một số nguồn thu chưa đảm bảo ổn định, bền vững, nhất là thu ngân sách trên lĩnh vực nhà, đất; công tác rà soát các cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh để xây dựng phương án tổ chức đấu giá, đấu thầu tạo nguồn thu ngân sách còn chậm trễ; tình trạng trốn thuế, thất thu thuế, nhất là trên lĩnh vực khai thác, kinh doanh khoáng sản, vật liệu xây dựng, kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, ăn uống, giải trí… chưa được khắc phục triệt để. Giải ngân vốn đầu tư công tuy được chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm nhưng nhìn chung tiến độ giải ngân còn chậm, nhất là giải ngân vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Lãnh đạo các địa phương và sở, ngành báo cáo tình hình, giải trình những vấn đề còn nổi cộm và đề xuất các giải pháp, kiến nghị. Phân tích tình hình tăng trưởng kinh tế - xã hội trong Quý I, ông Nguyễn Công Thạnh - Quyền Cục trưởng Cục Thống kê, cho biết: Việc sản xuất kinh doanh khó khăn đã được dự báo trước, thể hiện rõ ở lĩnh vực công nghiệp, cả nước giảm 6% dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm (đạt 92,52%)... Các địa phương có các khu công nghệ đạt mức tăng trưởng âm hoặc rất thấp, như: Bình Dương, Bắc Ninh… Tại Lâm Đồng, một số lĩnh vực công nghiệp, như len lông cừu, may mặc, xuất khẩu rau hoa… giảm; lĩnh vực nông – lâm nghiệp và thuỷ sản cũng tăng trưởng chậm, do chăn nuôi (heo) giảm giá dẫn đến tái đàn giảm… Tuy nhiên, khu vực dịch vụ tăng trưởng tương đối ổn định… Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 7,5% là khó khăn, nhưng dư địa còn nhiều, có thể còn được kéo lại trong thời gian tới.

Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, lưu ý những vấn đề trong 3 tháng đầu năm là đầu tư công đạt tỷ lệ giải ngân quá thấp (khối tỉnh chỉ có 10%, khối địa phương 16%): Công tác lập thủ tục quá chậm (kể cả công trình mới khởi công và công trình chuyển tiếp từ khâu lập dự án, đến đấu thầu… phải điều chỉnh bổ sung làm kéo dài thời gian); công tác thi công chưa tập trung (thực tế là những dự án có sự phân công đôn đốc, giám sát tốt sẽ có tiến độ thực hiện tốt); công tác giải phóng mặt bằng (nhiều công trình đề nghị cắt hạng mục đầu tư do không giải phóng được mặt bằng).

Giám đốc Sở Xây dựng trình bày về tiến độ thực hiện quy hoạch vùng miền
Giám đốc Sở Xây dựng trình bày về tiến độ thực hiện quy hoạch vùng miền

Cần tập trung việc giải quyết thủ tục hành chính (đất đai, dự án…) để tăng các khoản thu ngân sách. Công tác quản lý bảo vệ rừng, nếu phát hiện sớm, xử lý nhanh, xử lý nghiêm túc thì sẽ hạn chế được vi phạm; củng cố và tăng cường lực lượng quản lý bảo vệ rừng bằng cách sử dụng công nghệ… An toàn giao thông có nhiều vụ thương vong, cần kịp thời xử lý, khắc phục những điểm có nguy cơ; cương quyết không cho lưu thông những công trình đang thi công và không đủ điều kiện lưu thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông…

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, kết luận: Năm 2023 là năm bản lề, nhưng tốc độ tăng trưởng chung còn chậm. Tuy nhiên, tỉnh có nhiều công trình trọng điểm được thực hiện cùng lúc; đồng thời, nhiều lĩnh vực tăng trưởng tốt… Nỗ lực của cả tỉnh là cơ sở, là nền tảng để chúng ta phát triển tốt hơn. Chương trình đối thoại doanh nghiệp được cải tiến thành Chương trình tiếp xúc và làm việc với lãnh đạo UBND như tiếp dân hằng tháng, không phải chờ và không phân biệt doanh nghiệp, khó khăn được giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, một số hạn chế được nhận diện là: Sức ép lạm phát khiến sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm; doanh nghiệp khó khăn, giải thể nhiều… Thu ngân sách nhà nước rất khó khăn liên quan đến đất nhà và việc chuyển nhượng bất động sản… Cần xem thu ngân sách là nhiệm vụ của toàn tỉnh, ảnh hưởng không tốt đến tình hình chung của tỉnh.

Đặc biệt, vấn đề xử lý khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa kinh doanh bất động sản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tuyên truyền đến người dân, từ Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của UBND tỉnh quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh; nếu có vướng mắc thì theo quy định 1952/UBND-ĐC1…