Cấp bách trị bệnh né tránh, sợ trách nhiệm

AN VIÊN 06:03, 25/05/2023

Theo dõi phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri nhận xét: bệnh né tránh, sợ trách nhiệm được đề cập tới trong hầu hết các phát biểu của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ. 

Cụ thể, trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung phân tích cụ thể, đánh giá một cách khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế - xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; việc giải ngân vốn đầu tư công, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, các vấn đề về văn hóa, lao động, an sinh xã hội… Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm, phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn, hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình thời gian tới, từ đó hiến kế, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề, điều kiện để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả nhiệm kỳ giai đoạn 2021 - 2025.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, trong phần nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ rõ: “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...”.

Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cũng cho rằng: “một bộ phận cán bộ, công chức ở Trung ương và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế”.

Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu lên nhiều băn khoăn, lo lắng của cử tri và kiến nghị với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng, chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, trì trệ, giải quyết công việc không hiệu quả, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của Nhân dân. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: “vì biểu hiện đó là tiêu cực”.

Không chỉ có vậy, bệnh né tránh, đùn đẩy trách nhiệm còn được thể hiện ở các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm. Phó Thủ tướng Lê Văn Khái nhấn mạnh, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo đúng tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”. Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên định, nhất quán, bình tĩnh, giữ vững nguyên tắc trước những vấn đề khó khăn, thách thức mới. Đối với những vấn đề lớn, khó, phức tạp, hệ trọng, cấp bách, nhạy cảm, chưa có tiền lệ, còn nhiều ý kiến khác nhau, thì cần phải đưa ra thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn; cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng để có những quyết định kịp thời, đúng đắn, chính xác và phù hợp với tình hình. Giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền; báo cáo kịp thời, đầy đủ với cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền; không đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức. Sớm hoàn thiện các quy định pháp luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ chặt chẽ và an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. 

Như thế, có thể thấy căn bệnh “né tránh, sợ trách nhiệm” đã được bắt đúng. Vấn đề cấp bách lúc này chính là thuốc chữa. Trong đó, ngoài các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật thì thuốc chữa quan trọng nhất nằm trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung mới có thể điều trị dứt điểm căn bệnh đang được coi là “nan y” này trong đời sống kinh tế xã hội.