ĐBQH Nguyễn Tạo: Kiến nghị cho tạm ứng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để đầu tư nâng cấp Quốc lộ 27 và đường tránh TP Bảo Lộc

NGUYỆT THU (lược ghi) 21:13, 26/05/2023

(LĐ online) - Chiều 26/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

ĐBQH Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng phát biểu về giám sát kiến nghị cử tri liên quan đến đầu tư nâng cấp Quốc lộ 27 và đường tránh TP Bảo Lộc

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Quốc hội tiến hành thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Điều này thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội. 

Liên quan đến giám sát giải quyết kiến nghị cử tri, Phát biểu tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Tạo - Đoà Lâm Đồng kiến nghị: Dưới sự chỉ đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, hướng dẫn về hoạt động giám sát, đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là lần đầu tiên, Quốc hội tổ chức thảo luận về báo cáo giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân, đặt lợi ích của cử tri và Nhân dân lên hàng đầu. 

Qua giám sát, Chính phủ và các bộ, ngành đã nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri, đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước. 

Tuy nhiên, một số kiến nghị của cử tri đã được các bộ, ngành tiếp thu và đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết nhưng chỉ mang tính tạm thời, không giải quyết triệt để nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.

Toàn cảnh  hội trường Diên Hồng - nơi diễn ra kỳ họp thứ năm
Toàn cảnh hội trường Diên Hồng - nơi diễn ra kỳ họp thứ năm

Đơn cử như: Thứ nhất, tuyến Quốc lộ 27 là tuyến đường rất quan trọng kết nối giao thông giữa các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Ninh Thuận; với chiều dài khoảng 282 km, trong đó, đoạn qua địa phận Lâm Đồng dài khoảng 124 km Hai đầu tuyến đường đã được Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải quan tâm nâng cấp, mở rộng. 

Tuy nhiên, đoạn từ Km83 đến Km157 (thị trấn Đinh Văn đến cầu Krông Nô thuộc tỉnh Lâm Đồng) lại không được bố trí vốn. Đây là đoạn đường cấp 4 miền núi nhỏ hẹp có nhiều đèo dốc, dễ bị sạt lở, ách tắc trong mùa mưa lũ, sau vài cơn mưa đầu mùa lại hư hỏng nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn giao thông của toàn tuyến. 

Từ Quốc hội khóa XIII đến nay đã hơn 10 năm, cử tri và Đoàn ĐBQH Lâm Đồng liên tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, nhiều đoàn lãnh đạo Trung ương trực tiếp giám sát, kiểm tra, kiến nghị nhưng vẫn không có trong danh mục được bố trí vốn trung hạn; chỉ được cấp vốn để duy tu, sửa chữa, chỉ giải quyết mang tính tạm thời, khi mùa mưa đi qua thì lại xuống cấp trầm trọng hơn, gây lãng phí nguồn lực. 

Đam Rông là huyện nghèo của tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 74% tổng dân số toàn huyện, cử tri mong mỏi Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm giải quyết triệt để. Khi tuyến Quốc lộ 27 hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng, góp phần quan trọng trong đưa huyện Đam Rông sớm ra khỏi danh sách huyện nghèo một cách bền vững. 

Thứ hai, tuyến đường tránh TP Bảo Lộc khởi công từ năm 2017 thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 trên địa phận hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Tuyến đường có chiều dài 15,6 km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. 

Dự án do Ban quản lý dự án 7 - Bộ Giao thông Vận tải làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư dự án là Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long. Thời điểm khởi công, người dân địa phương rất vui mừng và đặt nhiều kỳ vọng dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng đúng tiến độ trong năm 2019 để giảm áp lực lưu thông cho các phương tiện trên tuyến Quốc lộ 20 đoạn qua địa bàn TP Bảo Lộc. 

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án 7, hiện đã thi công được khoảng 70% khối lượng gồm: Các hạng mục nền đường, móng đường đá dăm, đá dăm gia cố xi măng và hệ thống thoát nước… Tuy nhiên do vướng mắc về nguồn vốn, sau 6 năm thi công, công trình trăm tỷ này vẫn lem nhem, nhếch nhác, lồi lõm, ổ gà, ổ voi; gờ lan can và tay vịn lan can 3 cầu (Âu Cơ, Nausri, Minh Rồng) vẫn chưa được hoàn thiện. Mặc dù Ban quản lý đã chỉ đạo các đơn vị thi công gắn biển cấm, cọc tiêu và rào chắn một số vị trí cấm các phương tiện lưu thông qua lại để đảm bảo an toàn nhưng xe cộ vẫn lưu thông khá nhiều và đã gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; thậm chí còn xảy ra tình trạng người dân tập kết và đốt rác thải ngay trên tuyến đường tránh… 

Để củng cố niềm tin của cử tri, Nhân dân, tôi tha thiết đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tập trung xử lý dứt điểm ý kiến kiến nghị của cử tri, sớm đưa công trình vào sử dụng, tránh gây lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế, chính sách tài chính để có nguồn vốn đầu tư dứt điểm, giải quyết điểm nghẽn của Quốc lộ 27 để giải quyết những bức xúc, khó khăn của cử tri. Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cho địa phương xin tạm ứng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để triển khai thi công, đảm bảo đường giao thông vận hành thông suốt. Địa phương cam kết với trung ương sẽ hoàn trả nguồn vốn này trong thời gian 5 năm.