“Cậu có một khoản lương hưu, và tầm 9 triệu đồng mỗi tháng từ lãi gửi ngân hàng. Nhiêu đó là đủ để chi tiêu và phụ giúp mấy đứa nhỏ lo thêm cho gia đình chúng” - cậu tôi nói trong chuyến thăm má tôi ngày gần đây. Kể ra thì đó cũng là một nguồn thu nhập tốt khi sống ở Tam Quan - một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Bình Định. Nhưng giọng cậu lại có phần trầm tư, khi nói giờ lãi suất đang hạ, nên nguồn thu nhập sẽ không được như trước.
Sẽ có rất nhiều người trông mong vào nguồn thu nhập thụ động như cậu tôi. Đó cũng là mong mỏi chính đáng. Sự trầm tư như cậu tôi đang có, cũng phần nào thể hiện nhịp điệu của lãi suất thời gian gần đây nhưng mặt khác, nó cũng là cơ hội đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân có nhu cầu vay vốn để đầu tư và tái đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Trong cái nhìn tổng quan từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện tín dụng đang tăng chậm, tính đến hết tháng 5 đạt 12,3 triệu tỷ đồng, tức tăng 3,17% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp không có đầu ra, không có đơn hàng nên nhu cầu vay vốn thấp là lý giải của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Chúng ta cũng có thể thấy điều này từ sự khá im ắng từ thị trường bất động sản, là việc thị trường trái phiếu vẫn chưa được phục hồi. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng vấn đề lòng tin của nhà đầu tư, người đầu tư vẫn chưa trở lại sau những biến động và nhiều rủi ro trong thời gian vừa qua.
3 lần hạ lãi suất điều hành được xem là giải pháp kích cầu và góp phần vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía NHNN. Đây cũng là một động thái điều chỉnh chính sách linh hoạt, khi thanh khoản hệ thống dồi dào, tỷ giá ổn định; lạm phát toàn cầu dự báo đã đạt đỉnh và bắt đầu hạ nhiệt. Trong nước, lạm phát cũng tăng chậm lại. Giải pháp này của NHNN cũng là cách định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, với việc các ngân hàng thương mại có động lực hạ lãi suất huy động, từ đó làm giảm chi phí vốn của các ngân hàng thương mại và nhờ đó, giảm được lãi suất cho vay. Tất nhiên, đó mới chỉ là giải pháp từ chính sách tiền tệ nhưng là chính sách quan trọng để thúc đẩy và hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Điều được quan tâm nhất, là việc hấp thụ vốn của nền kinh tế. Điều này phải được hoạch định và tháo gỡ bằng nhiều chính sách, trên nhiều lĩnh vực để có môi trường tiếp nhận thông thoáng để đồng vốn được lưu thông.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin