Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đạt nhiều kết quả

04:06, 02/06/2014

(LĐ online) - Vừa qua, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 97-KL/TW về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

* Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể…
 
(LĐ online) - Vừa qua, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 97-KL/TW về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 
 
Bộ Chính trị đánh giá: Nghị quyết Trung ương 7 khóa X là Nghị quyết có tầm chiến lược và mang tính đột phá, được triển khai thực hiện khá đồng bộ, nghiêm túc, sâu rộng; huy động được cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân tham gia. Sau 5 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả rõ rệt. Nông nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định, phát triển tương đối toàn diện, tạo nền tảng vững chắc góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, xã hội. Năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên, xuất khẩu liên tục tăng; trồng và bảo vệ rừng thực hiện tốt hơn. Khai thác hải sản phát triển theo hướng bền vững, giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo. Đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả dựa trên ứng dụng tốt khoa học, công nghệ. Đời sống của nông dân được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh; an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm; các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được cải thiện; dân chủ ở cơ sở được phát huy. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và tương đối đều khắp cả nước; cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được nâng cấp; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng ở nông thôn được tăng cường.
 
Tuy nhiên Bộ Chính trị cũng chỉ ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại; sản xuất nông nghiệp chậm phát triển theo hướng hiện đại, thiếu tính bền vững. Hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực bị giảm; an toàn, vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội. Quan hệ sản xuất chậm được đổi mới, kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa gắn được sản xuất với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm; sự gắn kết giữa công nghiệp, dịch vụ với sản xuất nông nghiệp thiếu chặt chẽ. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Thu nhập và mức sống của dân cư nông thôn còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn ở mức cao, giảm nghèo ở nhiều vùng kém bền vững. Tình trạng người dân bỏ ruộng, trả ruộng có xu hướng ngày một tăng. Chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục ở nhiều nơi còn thấp. Hệ thống hạ tầng nông thôn, nhất là các vùng miền núi còn lạc hậu, chậm được cải thiện. Quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai, rừng, biển kém hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, kém chất lượng; mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 và 2020 khó đạt.
 
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục quán triệt, thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết. Trước hết cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Bộ Chính trị đề ra. Cùng với các nhiệm vụ, giải pháp rà soát, điều chỉnh bổ sung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đổi mới cơ chế, chính sách, huy động đa dạng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp, các cấp ủy đảng và chính quyền, các đơn vị cần đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết đến từng cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu các tổ chức, các cơ quan và mọi người dân hiểu đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; coi phát triển sản xuất là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò  chủ thể trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Quan hệ giữa nông nghiệp – nông dân – nông thôn với phát triển công nghiệp dịch vụ và kinh tế đô thị khu vực nông thôn là quan hệ hữu cơ nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở thực hiện quy hoạch nông thôn mới gắn với quy hoạch nông nghiệp, đô thị. Nâng cao vai trò làm chủ của người nông dân; chú trọng xây dựng và phát triển giai cấp nông dân.
 
Để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn phải tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông dân, ưu tiên trước hết cho các sản phẩm chủ lực. Phát triển nông nghiệp dựa trên đặc điểm, lợi thế của mỗi vùng, miền, địa phương; xác định rõ các cây trồng, vật nuôi, có thị trường. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các loại nông sản chủ lực, các sản phẩm hàng hóa có thương hiệu quốc gia và quốc tế. Chuyển dịch hợp lý cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao. Xây dựng các chương trình, dự án nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái... Chủ động sản xuất và kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm đầu vào sản xuất nông nghiệp. Tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của các vùng, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, công nghệ cao. Hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp trong nước sản xuất được. Ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến, công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp. Khuyến khích phát triển công nghiệp, dịch vụ sử dụng nhiều lao động và nguyên vật liệu tại chỗ ở nông thôn. 
 
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà Bộ Chính trị cũng đã đặt ra là phải tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Do vậy cần đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21 - 2 - 2013 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã. 
 
Với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên, Bộ Chính trị yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương quán triệt sâu sắc các nội dung của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và Kết luận trên. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, các chương trình, dự án… thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của từng vùng, miền, địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.  
 
Bình Nguyên