Chăm lo người có công với nước - trách nhiệm và đạo lý

08:07, 23/07/2015

68 năm qua, Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27 tháng 7 đã trở thành ngày truyền thống tốt đẹp "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" của nhân dân ta. Cứ vào dịp này, lại có nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, thể hiện lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc

68 năm qua, Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27 tháng 7 đã trở thành ngày truyền thống tốt đẹp “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta. Cứ vào dịp này, lại có nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, thể hiện lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và sự bình yên của nhân dân. 
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chăm lo công tác này, Người dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ” (Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 12. Nxb Chính trị quốc gia, tr. 503. Hà Nội, 2000). Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên căn dặn, nhắc nhở: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn chốn ở, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ dần dần tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét (Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nxb CAND. Hà Nội, 2002. Tr, 1425-1426). Với đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và làm nhiều việc tốt để tỏ lòng biết ơn thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước; hàng nghìn văn bản của Đảng, Nhà nước ta về thương binh, liệt sỹ, người có công với nước đã được ban hành; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của các đối tượng. Số người hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, đúng đối tượng, đúng chính sách đã có tác dụng khích lệ, động viên to lớn. Cùng với đó, sự nỗ lực vươn lên của chính cá nhân thương binh, bệnh binh, người có công càng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, trở thành tấm gương tiêu biểu cho các đối tượng, thế hệ khác noi theo. 
 
Ngày nay, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ đã phát triển rộng khắp; hầu hết các địa phương, đơn vị đều quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên cả cộng đồng tham gia chăm sóc, giúp đỡ người có công. Nhiều chương trình tình nghĩa như: xây nhà tình nghĩa, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… đã thực sự mang lại những kết quả to lớn; hàng nghìn công trình nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm ghi tên liệt sĩ được đầu tư xây dựng vừa để tưởng niệm liệt sĩ, vừa là những công trình văn hóa - lịch sử có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc; các chính sách về giáo dục và đào tạo, miễn giảm thuế trong sản xuất, kinh doanh, ưu tiên giao đất sản xuất, xóa đói giảm nghèo,...đã thiết thực hỗ trợ người có công với nước nỗ lực vươn lên, ổn định và từng bước cải thiện đời sống, có mức sống bằng hoặc cao hơn bình quân chung... Chặng đường phát triển của công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với nước, những hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong 68 năm qua là hết sức to lớn; đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục lòng yêu nước, tạo sự ổn định xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN,…
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được rất to lớn, công tác thương binh, liệt sĩ, chính sách đối với người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong những năm qua vẫn còn những hạn chế như: Việc tuyên truyền phổ biến chế độ, chính sách chưa thực sự sâu rộng, kịp thời; một số nội dung nghiên cứu, tham mưu đề xuất chưa đảm bảo tiến độ; trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền các cấp có mặt còn hạn chế; nguyên tắc, thủ tục giải quyết chế độ, chính sách một số nơi thiếu công khai, dân chủ, có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà; một số trường hợp người tham gia cách mạng bị chết, bị thương hoặc mất tích chưa được kết luận, làm sáng tỏ gây cho biết bao gia đình, người thân phải mòn mỏi đợi chờ; chế độ trợ cấp ưu đãi nói chung còn thấp, một số chính sách đã ban hành nhưng văn bản hướng dẫn thực hiện triển khai chậm; phong trào xã hội hóa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người có công với cách mạng; những sai sót, nhầm lẫn, đặc biệt là những tiêu cực trong thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công xảy ra khá nhiều nơi không chỉ gây phiền hà cho người được hưởng chính sách, mà còn tạo dư luận không tốt trong xã hội.  
 
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó còn rất nặng nề đối với đất nước ta nói chung và các đối tượng chính sách nói riêng. Những tồn đọng về chính sách cần phải tiếp tục giải quyết là rất cấp bách; do đó cần phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội cùng thực hiện tốt công tác này. Trong thời gian tới, ngoài việc Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới chính sách, cơ chế, hoàn thiện hệ thống văn bản… nhằm đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đối tượng hưởng chính sách; còn đòi hỏi các cấp, ngành phải tập trung làm tốt những nội dung chủ yếu như: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân về mục đích, ý nghĩa của chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; khẩn trương tiến hành việc khảo sát, tìm kiếm, qui tập mộ liệt sĩ để hoàn thành cơ bản công tác này; tiếp tục giải quyết các tồn đọng chính sách trong chiến tranh theo quy định hiện hành, kiên quyết thu hồi, xóa tên những người không đủ tiêu chuẩn, xử lý nghiêm minh những tiêu cực, tệ nạn trong công tác này; cải cách thủ tục hành chính và công khai chế độ, chính sách, đảm bảo tính chính xác, công bằng cho các đối tượng; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác này, nhất là ở cấp cơ sở, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người có biểu hiện tiêu cực…
 
Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” là nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc; thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta; là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người đã xả thân vì nước, vì dân; từ đó cần tiếp tục khuyến khích, cổ vũ, đẩy mạnh hơn nữa công tác này, tạo nên một nét đẹp truyền thống trong đời sống văn hóa - xã hội, làm cơ sở cho giữ vững ổn định chính trị - xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
VĂN NHÂN