Đạ Tẻh đưa Nghị quyết về DTTS vào cuộc sống

09:04, 25/04/2016

Cuối năm 2015, huyện Đạ Tẻh còn 3 xã và 6 thôn đặc biệt khó khăn thụ hưởng Chương trình 135, nhưng đến nay, theo Quyết định 75/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc thì huyện chỉ còn 3 thôn thuộc 2 xã Quảng Trị và Quốc Oai.

Cuối năm 2015, huyện Đạ Tẻh còn 3 xã và 6 thôn đặc biệt khó khăn thụ hưởng Chương trình 135, nhưng đến nay, theo Quyết định 75/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc thì huyện chỉ còn 3 thôn thuộc 2 xã Quảng Trị và Quốc Oai. Thực tiễn này cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện đã và đang được thay đổi, và sẽ ngày càng rõ rệt hơn từ khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII đi vào cuộc sống. 
 
Một trong những con số thể hiện sinh động sự đi lên của vùng đồng bào DTTS huyện Đạ Tẻh là tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo từng năm: Cuối năm 2011 là 30,21% nhưng đến cuối năm 2015 chỉ còn 10,02%; riêng đồng bào gốc Tây Nguyên từ 52,51% còn 19,46%. Từ kết quả này, Đảng bộ và chính quyền huyện đã đúc kết thành những bài học quý để chỉ đạo, lãnh đạo toàn hệ thống chính trị cơ sở thực hiện hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ mới 2015-2020. Đó là về đầu tư lồng ghép với việc hỗ trợ phát triển kinh tế và nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn; là tăng cường phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực về xã hội: giáo dục, y tế, văn hóa, chính sách, đào tào nguồn nhân lực… Đó còn là những kinh nghiệm về xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh; giữ vững quốc phòng, an ninh… 
 
Lấy một ví dụ cụ thể mà Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Bùi Văn Hùng luôn tâm đắc với tôi bởi sự thành công trong thời gian qua là việc đầu tư quyết liệt, đồng bộ về sản xuất gắn với đặc điểm sinh thái và năng lực lao động vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, Đề án trồng cao su gần 2 tỉ đồng lồng ghép từ nhiều nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và huy động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp ở buôn Đạ Nha, xã Quốc Oai và ở buôn Con Ó, xã Mỹ Đức, mỗi nơi 120ha; đó là Dự án trồng 70 ha tre tầm vông ở buôn Tố Lan, xã An Nhơn, huyện làm trung gian để công ty sản xuất hàng tre xuất khẩu đầu tư giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. 
 
Đạ Tẻh đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Đó là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái cụ thể của từng thôn, buôn. Trong đó, coi trọng sản xuất cây lương thực, thực phẩm; trồng cây công nghiệp, cây ăn quả nơi phù hợp; phát triển chăn nuôi đại gia súc kết hợp trồng cây thức ăn… Để đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo nhanh và đạt được tính bền vững còn cần kết hợp thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi về tín dụng, y tế, giáo dục, đời sống, đất đai,… và công tác nâng cao nguồn nhân lực tại chỗ.
Năm 2015, sau khi Nghị quyết Đảng bộ huyện ban hành, toàn hệ thống chính trị từ cấp xã đến cấp huyện nhanh chóng vào guồng làm việc với sắc khí mới, quyết tâm mới. Bản thân đồng bào các DTTS trong huyện càng tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; càng tự tin vào năng lực của bản thân mình để đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Việt, mục tiêu tổng quát của Đạ Tẻh từ nay đến năm 2020 là “Phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng DTTS, giảm dần thôn, buôn đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh trong vùng đồng bào DTTS”.
 
Để đạt 20% đồng bào DTTS trong độ tuổi được đào tạo nghề và theo đó sẽ giảm nghèo vùng DTTS mỗi năm từ 2-3% hộ, trong đó đồng bào gốc Tây Nguyên 4%; 95% thôn, buôn có đường đi lại trong mùa mưa, nắng đạt chuẩn kỹ thuật tiêu chí nông thôn mới; 99% hộ sử dụng điện; 90% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…, Đạ Tẻh đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Đó là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái cụ thể của từng thôn, buôn. Trong đó coi trọng sản xuất cây lương thực, thực phẩm; trồng cây công nghiệp, cây ăn quả nơi phù hợp; phát triển chăn nuôi đại gia súc kết hợp trồng cây thức ăn… Để đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo nhanh và đạt được tính bền vững còn cần kết hợp thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi về tín dụng, y tế, giáo dục, đời sống, đất đai,… và công tác nâng cao nguồn nhân lực tại chỗ. 
 
Vấn đề phát triển cơ cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Đạ Tẻh đặc biệt quan tâm đến không chỉ ở mức độ huy động mà quan trọng hơn là tính hiệu quả của các chương trình đầu tư 134, 135, 30a và lồng ghép các nguồn lực khác. Mặt khác, để nâng chất lượng cuộc sống trên nhiều phương diện, nhất là trong nhận thức đẩy lùi “nghèo đa chiều” hiện nay trong vùng đồng bào DTTS, Đạ Tẻh đồng thời phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo vệ tài nguyên - môi trường bền vững…
 
Theo báo cáo phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đạ Tẻh quý I/2016 thì kết quả thực hiện “có nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt tỉ lệ khá so với cùng kỳ và kế hoạch năm, sản xuất được duy trì; tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện”. Và một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quý II/2016 là tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện theo Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra thực hiện Kế hoạch số 06 ngày 7/1/2016 của UBND huyện về các nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức thực hiện phát triển kinh tế, xã hội năm 2016. Với những kinh nghiệm hay, những bài học quý của nhiệm kỳ lần thứ VII được đúc kết, với sự quyết tâm của một nhiệm kỳ mới, chúng ta kỳ vọng những thành tựu mới ở vùng đồng bào DTTS huyện Đạ Tẻh sẽ chắc chắn đơm hoa kết trái.
 
MINH ĐẠO