Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

06:04, 11/04/2016

Trước tình hình diễn biến phức tạp của các vụ vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lâm quyết định tiếp tục ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo.

Bảo Lâm là huyện có hơn 79 nghìn ha quy hoạch rừng và đất rừng, chiếm gần 54% diện tích đất toàn huyện. Trước diễn biến phức tạp của các vụ vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, năm 2008 huyện Bảo Lâm đã ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nghị quyết đã được triển khai đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể trong huyện.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S, (thứ hai, trái qua) kiểm tra rừng tại xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm). Ảnh: HỮU SANG
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S, (thứ hai, trái qua) kiểm tra rừng tại xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm). Ảnh: HỮU SANG

Đồng chí Trương Hoài Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết, sau khi thực hiện nghị quyết, vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã cùng vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng. Trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được gắn với công tác thi đua, khen thưởng, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức chính trị, cán bộ, đảng viên. Công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành các điều luật về bảo vệ và phát triển rừng được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở triển khai đến từng cán bộ, đảng viên. Các xã, thị trấn đều phát động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời, khuyến khích bà con tham gia tố giác các đối tượng xâm phạm về rừng và đất rừng. 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết, tổng số vụ vi phạm về rừng đã được lập biên bản xử lý từ cuối năm 2008 đến tháng 7 năm 2015 là 1.912 vụ. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt hành chính, lâm sản và phương tiện tịch thu là trên 19 tỷ đồng.
 
Nếu như năm 2009 có 268 vụ vi phạm, trong đó diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép trên 269ha thì năm 2015, giảm xuống còn 197 vụ với diện tích rừng bị phá, lấn chiếm giảm còn gần 54ha. Mặc dù số vụ vi phạm và diện tích rừng bị phá, lấn chiếm, tăng giảm không đều trong 7 năm qua, song công tác điều tra, xử lý đã được tiến hành triệt để hơn. Có hơn 1.800 vụ đã được xử lý hành chính, 37 vụ xử lý hình sự. 
 
Trong 7 năm thực hiện nghị quyết, một số vụ vi phạm nổi cộm đã được xử lý. Điển hình như tình trạng bà con đồng bào dân tộc tổ chức phát rừng làm rẫy tại xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Tân ở tiểu khu 454 (thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Đam’ri), tiểu khu 373, 374, 375 (thuộc lâm phần của Công ty Cổ phần cao su Bảo Lâm), tiểu khu 416 (lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc...
 
Huyện ủy, UBND huyện Bảo Lâm đã kịp thời chỉ đạo cho các ngành, Mặt trận và các đoàn thể cùng chính quyền xã tuyên truyền, vận động kết hợp với đối thoại để giải quyết những kiến nghị, yêu cầu chính đáng của bà con để bà con không quay về buôn cũ. Cụ thể, tại xã Lộc Tân, khi vụ việc xảy ra, huyện đã đối thoại và tổ chức rà soát, giải quyết đất sản xuất nông nghiệp cho 32 hộ dân thiếu đất sản xuất với diện tích trên 19ha.
 
Ngoài ra, Ban quản lý rừng phòng hộ Đam’ri đã hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 1.200ha cho 104 hộ gia đình để giúp bà con có thêm nguồn thu nhập từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
 
Tại xã Lộc Bảo, một số hộ dân tổ chức phá rừng tập thể tại tiểu khu 373, 374, 375 diễn ra từ năm 2008, 2009, 2012, 2013. Huyện Bảo Lâm đã tập trung giải quyết giao 650ha rừng tại tiểu khu 375 cho các hộ dân thôn 2, 3 xã Lộc Bảo quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đồng thời, rà soát và giao đất sản xuất cho các hộ dân thiếu đất sản xuất trên 200ha. Đến nay, hầu hết các hộ dân đã ổn định sản xuất và thực hiện theo các quy định của Nhà nước về Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
 
Tại xã B’lá, đồng chí Chủ tịch Nông Viết Cống cho biết, Đảng ủy và Ban Lâm nghiệp của xã thường xuyên phối kết hợp với các đơn vị chủ rừng tổ chức đi tuần tra rừng. Đồng thời gây dựng mạng lưới thông tin trong nhân dân để chính quyền và nhân dân kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành động xâm phạm đến rừng. Trong năm 2015, xã đã phát hiện kịp thời 21 vụ vi phạm cụ thể và chuyển Hạt kiểm lâm xử lý theo quy định.
 
Huyện Bảo Lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với Công an huyện điều tra làm rõ và xử lý các đối tượng phá rừng, các doanh nghiệp để xảy ra vi phạm. Riêng trong năm 2015, các cơ quan chức năng của huyện đã phát hiện và khởi tố bắt tạm giam 10 đối tượng liên quan đến các vụ ken cây đổ hóa chất (tại xã Lộc Ngãi), chặt phá rừng (tại xã Lộc Tân).
 
Bên cạnh đó, trước việc một số cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ của mình đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND huyện Bảo Lâm đã kiên quyết chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra và xử lý đối với 3 nhân viên tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bắc với hành vi cấu kết lấy tài sản (lâm sản lập biên bản khai thác rừng trái phép) đang quản lý đem bán. Tiến hành kiểm điểm Ban giám đốc, xử lý hành chính và chuyển công tác giám đốc công ty. Khởi tố và xử lý phạt tù giam 5 năm đối với một cán bộ tại Ban quản lý rừng phòng hộ Đam’ri với hành vi lợi dụng chính sách giao khoán rừng làm trái quy định của pháp luật. 
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lâm, hiện nay, tình trạng phá rừng, hủy hoại rừng, lấn chiếm đất nông nghiệp, khai thác, vận chuyển mua bán lâm sản, khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn huyện vẫn còn diễn biến ngày càng phức tạp cả về tính chất vi phạm, mức độ thiệt hại.
 
Nguyên nhân do công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân chấp hành pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng chưa tốt. Các phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Nhiều đơn vị chủ rừng còn buông lỏng quản lý nên chậm phát hiện và xử lý không kịp thời các vụ vi phạm về rừng.
 
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lâm quyết định tiếp tục ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo. Tập trung thực hiện quyết liệt nhiệm vụ này với mục tiêu giữ vững diện tích rừng hiện có, phấn đấu độ che phủ rừng đạt 55% vào năm 2020.
 
N. NGÀ - P. NHÂN