Bác Hồ với thiếu nhi

09:05, 31/05/2016

(LĐ online) - Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm đặc biệt cho thiếu niên nhi đồng Việt Nam cũng như thế giới. Người từng khẳng định: "Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh". Trước lúc đi xa, Người đã "để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thanh niên và nhi đồng".

(LĐ online) - Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm đặc biệt cho thiếu niên nhi đồng Việt Nam cũng như thế giới. Người từng khẳng định: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”. Trước lúc đi xa, Người đã “để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Những lời dạy và bài viết của Bác dành cho thiếu nhi thể hiện đạo đức, tầm nhìn chiến lược và khoa học của Người; là những di sản vô giá của dân tộc và thế hệ trẻ nước ta.
 
Vào dịp Tết Trung thu và ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hàng năm, Bác đều có thư gửi các cháu. Những bức thư của Bác bao giờ lời lẽ cũng âu yếm, ân cần, trìu mến, giản dị, dễ đọc, dễ nhớ; chứa đựng tình thương yêu sâu sắc, thắm thiết đối với các cháu. Bác không chỉ vui mừng, tự hào về thiếu nhi Việt Nam vui tươi, ngoan ngoãn, giỏi giang, mà còn nâng niu, yêu quý các cháu: “Trẻ em như búp trên cành /Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Tuy Bác Hồ đã đi xa 47 năm, song đọc lại những lá thư ấy, chúng ta vẫn bồi hồi xúc động trước tình cảm sâu nặng, thiết tha của Người dành cho các cháu nhỏ. 
 
Trước năm 1945, Bác rất đau xót và cảm thông với cuộc sống cơ cực, tủi nhục của người dân mất nước mà các cháu thiếu nhi là thiệt thòi nhất: “Chẳng may vận nước gian nan /Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng/Học hành, giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa/ Sức còn yếu, tuổi còn thơ/ Mà đã khó nhọc cũng như người già/ Có khi lìa mẹ, lìa cha/ Đi ăn ở với người ta bên ngoài...” (Kêu gọi thiếu nhi - 1941). Và Bác mong muốn "Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng".          
 
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Người đã có nhiều bài viết, ý kiến đề cập đến tuổi thơ. Trong thư gửi các cháu Tết Trung thu năm 1945, Bác viết: "Các cháu vui cười hớn hở, Bác Hồ cũng vui cười hớn hở với các cháu. Đố các cháu biết vì sao? Một là vì Bác rất yêu mến các cháu; hai là vì Trung thu năm ngoái nước ta còn bị áp bức, các cháu còn là một bầy nô lệ trẻ con, mà Trung thu năm nay, nước ta đã tự do, các cháu đã trở thành những tiểu chủ nhân của một nước độc lập". Lá thư vừa bộc lộ tình thương yêu con trẻ, vừa thể hiện niềm tự hào lớn lao khi đất nước giành được độc lập, tự do. 
 
Nhân ngày 1/6/1950, báo Sự Thật số 134 đã đăng bức thư của Bác gửi thiếu nhi toàn quốc. Với lời lẽ âu yếm, giản dị, nội dung bức thư đã thể hiện sự quan tâm, thương yêu hết mực của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta đối với thiếu nhi: "Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô(...). Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến". Đặc biệt, chúng ta vô cùng cảm động trước tình cảm, trách nhiệm của Người đối với thiếu nhi: "Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng...".
 
Thư gửi các cháu thiếu nhi Trung thu năm 1951, Bác đã bộc lộ tâm sự:"Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/Sau đây Bác viết mấy dòng/Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung". 
 
Vẫn những cảm xúc chân thành, Trung thu năm 1952, Bác tâm tình: "Ai yêu các nhi đồng/Bằng Bác Hồ Chí Minh/Tính các cháu ngoan ngoãn/Mặt các cháu xinh xinh/Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành".      
 
Đặc biệt, trong những năm đất nước bị chia cắt, Bác luôn da diết, đau đáu nhớ thương các thiếu niên, nhi đồng miền Nam đang phải chịu bao đau thương, tang tóc dưới ách xâm lược của đế quốc Mỹ và tin tưởng: "Bắc - Nam sẽ sum họp một nhà/Bác cháu ta gặp mặt trẻ già vui chung/Nhớ thương các cháu vô cùng/Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi" (Thư gửi thiếu nhi miền Nam Tết Trung thu năm 1965). 
 
Tình thương yêu sâu nặng của Bác Hồ không chỉ dành cho thiếu nhi Việt Nam, mà còn cho cả thiếu nhi thế giới. Trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước, đã có biết bao thiếu nhi Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ, Tiệp Khắc, Ba Lan… được Bác Hồ dành cho những tình cảm chân thành từ những món quà, lời thăm hỏi, động viên, và những cái ôm hôn thắm thiết. Ngày 1/6/1953, Bác có “Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi”; trong đó nêu rõ: “Các cháu phải đoàn kết, thương yêu nhau, giữa nhi đồng Việt Nam với nhau, giữa nhi đồng Việt Nam với nhi đồng Trung Quốc, nhi đồng Liên Xô, nhi đồng các nước. Đó là tinh thần quốc tế (...), sau này các cháu nhi đồng thế giới lớn lên sẽ không áp bức nhau, xung đột nhau, không chiến tranh đánh giết lẫn nhau. Trái lại các cháu sẽ thân ái, giúp đỡ nhau, cùng nhau giữ gìn và hưởng thụ hạnh phúc hòa bình và dân chủ”. Ngày 7/2/1958, hơn 3.000 thiếu nhi Ấn Độ đồng diễn chào mừng Bác Hồ tới thăm. Các cháu phấn khởi hô vang "Cha, cha Hồ". Đây là điều rất đặc biệt; bởi thiếu nhi Ấn Độ gọi là Bác chỉ có 2 người: "Bác Nê-ru" và "Bác Hồ". 
 
Càng yêu quý thiếu nhi bao nhiêu, Bác Hồ càng quan tâm chăm lo, giáo dục các cháu - người chủ tương lai của nước nhà - bấy nhiêu. Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1969, ba tháng trước lúc đi xa, dưới bút danh T.L, Bác Hồ viết bài trên báo Nhân Dân: "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng". Ðây là bài báo cuối cùng trong tổng số hơn 1.000 bài báo mà Bác đã viết trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Nội dung bài báo đề cập những thành tích của thiếu nhi hai miền Bắc - Nam và những vấn đề tồn tại. Qua đó, Người khẳng định “chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ” và kêu gọi “Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”. Bác cũng lưu ý: “Trước hết các gia đình (tức ông, bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy. Các đảng ủy, đường phố và hợp tác xã phải phụ trách chỉ đạo thiết thực và thường xuyên. Ủy ban Thiếu niên nhi đồng, đoàn thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu ngày càng mạnh khỏe và tiến bộ. Các tỉnh ủy, thành ủy cần phải có kế hoạch chăm sóc, giáo dục các cháu càng ngày mạnh khỏe và tiến bộ. Các tỉnh ủy, thành ủy cần phải phụ trách đôn đốc việc này cho có kết quả tốt”.
 
Trong Di chúc, Người lại nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Những lời dạy của Người thể hiện tầm nhìn sâu rộng của vị lãnh tụ cách mạng đối với thiếu niên nhi đồng - những người chủ tương lai của đất nước, lực lượng cách mạng quan trọng.
 
Những lời dạy của Bác, đặc biệt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng đã được các thế hệ thiếu nhi Việt Nam khắc cốt ghi tâm và hăng hái thi đua tham gia phong trào "Hai tốt", phong trào "Thiếu nhi làm nghìn việc tốt", phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ… Với nhiệm vụ của HS, các cháu đã phấn đấu học tập tốt, lao động tốt, rèn luyện tốt; tích cực tham gia những phong trào tập thể, biết ý thức tuổi nhỏ làm việc nhỏ như giữ gìn vệ sinh trường lớp, khu dân cư mà mình sinh sống luôn xanh sạch đẹp; sống giản dị, hòa đồng, biết yêu thương chia sẻ với bạn bè... xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. 
 
Kể từ ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 1969, thiếu nhi Việt Nam không còn được Bác gửi thư. Nhưng những câu chuyện, bức thư, bài viết của Bác về thiếu nhi; tấm lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị và luôn đồng hành cùng thiếu niên nhi đồng cả nước. Các thế hệ thiếu nhi Việt Nam vẫn luôn cất cao lời hát: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh /Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” và luôn cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, luôn chăm học, chăm làm “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, tích cực công tác Đội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
 
VĂN NHÂN