Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước - bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam

03:05, 31/05/2016

Cách đây 105 năm, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rời bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước. Đây không phải là một quyết định giản đơn, tình cờ của Nguyễn Tất Thành, mà là kết quả của một quá trình phân tích, lý giải khoa học từ nhiều yếu tố của bối cảnh trong nước và thế giới, cộng với tố chất cá nhân, để lựa chọn đúng hướng đi và xác định con đường cứu nước thành công. 

I. NGUYỄN TẤT THÀNH BÔN BA TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
 
Cách đây 105 năm, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rời bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước. Đây không phải là một quyết định giản đơn, tình cờ của Nguyễn Tất Thành, mà là kết quả của một quá trình phân tích, lý giải khoa học từ nhiều yếu tố của bối cảnh trong nước và thế giới, cộng với tố chất cá nhân, để lựa chọn đúng hướng đi và xác định con đường cứu nước thành công. 
 
Năm 1958, thực dân Pháp xâm lược nước ta, đất nước đắm chìm trong đêm dài nô lệ. Phát huy truyền thống yêu nước, nhân dân ta đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai nhưng đều thất bại. Nhiều chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… đã xuất dương tìm đường cứu nước nhưng không thành công. Thực tế thất bại của lớp cha ông đã chỉ ra sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng tư sản trước nhiệm vụ lịch sử đặt ra lúc bấy giờ. Cách mạng Việt Nam chìm sâu trong khủng hoảng về đường lối chính trị. Câu hỏi lớn: Ai là người lãnh đạo thành công nhiệm vụ giải phóng dân tộc vẫn chưa có lời giải. 
 
Trên thế giới, chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ) vừa tranh giành xâu xé, vừa cùng nhau nô dịch các dân tộc thuộc địa. Trong xã hội tư bản, cùng với những mâu thuẫn cơ bản giữa giai cấp vô sản và tư sản, CNĐQ còn làm phát sinh thêm mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với CNĐQ thực dân. Đời sống nhân dân ở các nước thuộc địa và phụ thuộc vô cùng cực khổ, trong đó có nhân dân Việt Nam dưới xiềng xích của chế độ thực dân Pháp. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc bắt đầu phát triển và có xu hướng lan rộng.
 
Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước, thương dân sâu sắc; trên quê hương có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất. Hoàn cảnh xã hội và sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Hồ Chủ tịch ngay từ thời niên thiếu. Từ nhỏ, Nguyễn Tất Thành đau xót chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị đàn áp, bóc lột cùng cực của đồng bào mình ngay trên chính mảnh đất quê hương; những tội ác dã man của thực dân Pháp và thái độ ươn hèn, bạc nhược của triều đình nhà Nguyễn; nỗi nhục của người dân mất nước… Vốn có tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi, khả năng tư duy độc lập, tính ham hiểu biết, thích khám phá những điều mới lạ và nhạy bén với cái mới, lại được tiếp cận với những tư tưởng khai sáng Pháp đã cho Nguyễn Tất Thành nhiều hiểu biết mới và tư duy, tư tưởng tiến bộ. Từ những trải nghiệm cuộc sống, Nguyễn Tất Thành đã sớm phát hiện ra mâu thuẫn giữa chế độ đàn áp bóc lột dã man của thực dân Pháp ở Việt Nam với cái lý tưởng cao đẹp của nước Pháp “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”. Chính nhận thức ấy đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành sang Pháp và các nước khác để tìm hiểu. Đây không phải là hành động ngẫu nhiên, tự phát mà là sự lựa chọn, trăn trở và một quyết tâm lớn của Người, nhằm đáp ứng đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam. Từ đó, tiếp thêm nghị lực và ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, đánh đuổi thực dân Pháp giải phóng đồng bào. 
 
Ngày 5/6/1911, trên con tàu Latútsơ Tơrevin, tại bến cảng Nhà Rồng, với hai bàn tay trắng, chàng thanh niên 21 tuổi - Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước; mở đầu một thời kỳ mới của lịch sử dân tộc. Một mình lênh đênh trên biển cả, Người đã đi đến nước Pháp và nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, hoà mình vào cuộc sống của công nhân và người dân thuộc địa, làm nhiều nghề để sống, học tập và nghiên cứu các học thuyết cách mạng; tham gia cuộc vận động của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình. 
 
Khi rời Tổ quốc, với một quyết tâm lớn, nhưng sự hiểu biết về thế giới còn hạn chế, với biết bao câu hỏi về đặc điểm, xu thế của thời đại còn bỏ ngỏ; Nguyễn Ái Quốc từng bước một, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập và hoạt động xã hội, rồi dần dần nhìn ra bối cảnh của hành trình tìm đường cứu nước. Từ hoạt động trong nhiều tổ chức chính trị, xã hội, những trải nghiệm cuộc sống trong nhiều quốc gia thập niên 10, 20 thế kỷ XX, Hồ Chí Minh sớm nhìn ra những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam như con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Bắt gặp “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường cứu nước, con đường giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân thuộc địa; Người đã vui mừng thốt lên: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày, đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin như một cuộc “hẹn hò lịch sử”, của một con người mang sẵn trong mình chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa quốc tế vô sản cách mạng và khoa học. Quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc ngày càng có hệ thống và hoàn thiện khi Người tham gia Đảng Cộng sản Pháp, học tập ở Đại học phương Đông, sống trong không khí sục sôi ở trung tâm phong trào cộng sản ở Nga, hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Nhận thức của Người về sức mạnh của nhân dân lao động, về mối quan hệ giữa các dân tộc bị áp bức, giữa cách mạng ở các nước thuộc địa và các nước chính quốc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản của giai cấp công nhân, về chính quyền cách mạng… ngày càng sâu sắc và có những luận điểm bổ sung, phát triển, sáng tạo. Từ thực tế lao động, học tập, thâm nhập đời sống những người lao động, phân tích tình hình chính trị thế giới, tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản". Từ đây, bằng nhiều con đường, Người đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị kỹ lưỡng về chính trị, tư tưởng và tổ chức để đi đến thành lập chính đảng của giai cấp vô sản là Đảng Cộng sản Việt Nam.       
        
Tìm thấy đường lối, con đường cứu nước đã khó, tiến hành tuyên truyền vận động quần chúng và tổ chức thắng lợi đường lối ấy trên thực tế còn khó hơn nhiều. Vì vậy, sau 30 năm tìm ra con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành lại chính quyền về tay nhân dân, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập và dân chủ; tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH, thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Có thể nói, nét đặc sắc nhất cuộc hành trình cứu nước 30 năm của Người là không bao giờ xa rời mục đích về nước cứu đồng bào; là ý chí và nghị lực mang tính nhân văn sâu sắc và được thể hiện ở một tầm cao mới, đã giúp Người vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, vượt qua mọi cám dỗ; kiên định lập trường, giữ vững định hướng cao cả đã được vạch ra là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
 
II. TÌM RA CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ TO LỚN, TẠO RA BƯỚC NGOẶT CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM
 
Trải qua muôn vàn gian nan, thử thách, chịu cảnh đói rét, việc Nguyễn Ái Quốc đến chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, tìm được con đường cứu nước đúng đắn có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, đó là:
 
(1) Đặt nền móng cho lý luận cách mạng Việt Nam trong thời đại mới; chấm dứt khủng hoảng đường lối cứu nước kéo dài mấy mươi năm; tìm thấy đường lối phát triển đúng đắn cho dân tộc, phù hợp với trào lưu phát triển của nhân loại và xu thế của thời đại. 
 
(2) Đem ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường cho phong trào yêu nước, chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, làm cho chủ nghĩa yêu nước vươn lên tầm thời đại, trở thành chủ nghĩa yêu nước thời đại Hồ Chí Minh, mà biểu tượng sáng chói là hai cuộc kháng chiến lừng lẫy của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; là công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo con đường đi lên CNXH. 
 
(3) Đã đóng góp to lớn, thiết thực chuẩn bị cho việc mở ra một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng vô sản nói chung, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới và châu Á nói riêng.
 
Từ đây đã tạo ra những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam:
 
Trước hết, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức cách mạng theo khuynh hướng mác xít để qua đó từng bước truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào quần chúng lao động, thúc đẩy sự phát triển những tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), khởi thảo Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt - Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, xác định con đường của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
 
Thứ hai, bằng nhạy cảm chính trị thiên tài, khi tình hình thế giới có chuyển biến lớn, Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng; triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Tám (5/1941), chỉ đạo chuyển hướng chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam, trong đó xác định nhiệm vụ dân tộc phải được đặt lên hàng đầu “Lúc này nếu quyền lợi của dân tộc không đòi lại được thì quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”; chỉ đạo thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa, tích cực chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền. Đón bắt thời cơ, Người và Đảng ta đã triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc Dân (16-17/8/1945) quyết định Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi.
 
Thứ ba, ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; lãnh đạo tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và ban hành Hiến pháp 1946, sáng lập Nhà nước của dân, do dân, vì dân; luôn phấn đấu vì độc lập tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
 
Thứ tư, những tư tưởng chỉ đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch và Đảng ta trong thời điểm đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” năm 1946; trong Nghị quyết Trung ương 15 (1/1959) về đường lối cách mạng miền Nam; trong thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền Nam - Bắc và cả tinh thần “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”; đặt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trong xu thế thời đại, phát huy được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH…là những nhân tố quan trọng, quyết định làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta, đưa Việt Nam trở thành lương tri và khí phách của thời đại. 
 
Thứ năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo lý luận về CNXH của học thuyết Mác - Lênin vào điều kiện Việt Nam. CNXH - con đường phát triển của dân tộc mà Người đã lựa chọn, đang từng bước được hiện thực hóa sinh động trên đất nước Việt Nam.
 
Không chỉ đối với cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh còn có những đóng góp to lớn đối với chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản thế giới thông qua các hoạt động của phong trào đấu tranh cách mạng trên thế giới như: Tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa; tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp; tham gia Quốc tế Cộng sản, hoạt động trong Quốc tế Nông dân; tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức. Tích cực đưa lý luận Mác - Lênin vào phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa; kiên trì bảo vệ, phát triển sáng tạo những quan điểm của V.I Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; hướng sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản tới phong trào giải phóng dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc và CNXH đã ảnh hưởng sâu sắc tới phong trào cách mạng ở hàng trăm nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh; hàng loạt các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới liên tiếp nổ ra làm cho hệ thống thuộc địa thế giới của chủ nghĩa thực dân đế quốc nhanh chóng sụp đổ. Quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở các nước chính quốc, nhân dân các dân tộc ở các nước thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng chính mình và cuộc cách mạng có thể thắng lợi trước. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; và Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam là sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong điều kiện thực tiễn Việt Nam. Ngoài giai cấp công nhân - giai cấp lãnh đạo cách mạng, nông dân - cùng với công nông là gốc của cách mạng và binh lính như quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, thì Người còn bổ sung thêm tiểu tư sản, trí thức, phú nông, trung, tiểu địa chủ, tư sản dân tộc, các cá nhân yêu nước. Quan điểm này của Người không chỉ đúng trong cách mạng giải phóng dân tộc mà còn trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay... Những đóng góp to lớn của Người - với tư cách nhà chính trị, nhà tư tưởng, người chiến sĩ cộng sản quốc tế đã in dấu đậm nét trong lịch sử cách mạng vô sản thế giới. Hồ Chí Minh thực sự là nhà chính trị, nhà tư tưởng, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của phong trào cộng sản, phong trào công nhân quốc tế.
 
Hồ Chí Minh có những sáng tạo độc đáo trong các bước đi giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc; luận giải khoa học, sâu sắc về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, ưu tiên giải quyết vấn đề dân tộc trước, giải quyết vấn đề dân chủ từng bước. Bảo vệ nền độc lập dân tộc đã giành được bằng biện pháp hòa bình, nhưng khi kẻ thù đã dùng chiến tranh xâm lược, thì cần dựa vào và phát huy sức mạnh của cả dân tộc để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Để bảo vệ nền độc lập dân tộc chân chính, cần xây dựng một xã hội mới là XHCN. Độc lập dân tộc để xây dựng CNXH thành công và xây dựng CNXH để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc. 

III. TIẾP TỤC KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY CON ĐƯỜNG BÁC HỒ ĐÃ VẠCH RA
 
Ra đi tìm đường cứu nước và tìm thấy con đường ấy là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhưng việc bổ sung, hoàn thiện vận dụng nó cho phù hợp với điều kiện cụ thể ở trong nước lại còn khó khăn hơn rất nhiều và Hồ Chí Minh đã làm được điều đó một cách thần kỳ. Những luận điểm cơ bản trong Luận cương của Lênin cũng như những quan điểm của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp chỉ là những nguyên tắc lý luận, định hướng mang tính phổ biến; Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những nguyên tắc, quan điểm ấy vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. Thắng lợi công cuộc giải phóng ở Việt Nam đã mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới; thể hiện dấu ấn của Hồ Chí Minh, của Việt Nam đối với thời đại. Do đó, thế giới đã tôn vinh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất. 
 
Lựa chọn giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, đặt cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, thực hiện mục tiêu giải phóng “dân tộc, giai cấp, con người”; đồng thời Hồ Chí Minh đã xác định một cách tổng quát lộ trình của cách mạng Việt Nam trải qua 3 giai đoạn: Giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân và xây dựng CNXH, gắn độc lập dân tộc và CNXH. Lộ trình đó đã được Người khái quát trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng và thực tế cách mạng Việt Nam gần một thế kỷ qua vận động theo lộ trình này đó đã chứng minh sự lựa chọn đúng đắn của Người.
 
Trải qua 105 năm kể từ ngày Bác Hồ kính yêu rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước cho đến nay, đất nước ta đã đi qua một chặng đường lịch sử vô cùng oanh liệt và hết sức vẻ vang. Để tiếp tục con đường mà Bác Hồ, Đảng ta lựa chọn, được nhân dân đồng tình; công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay, đòi hỏi chúng ta cần hết sức quan tâm những vấn đề chủ yếu sau đây:
 
1. Tiếp tục kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp nối con đường về độc lập dân tộc gắn với CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, như các văn kiện đại hội của Đảng, nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”; nhằm mục tiêu tổng quát là: “xây dựng được về cơ bản nền kinh tế của CNXH với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước XHCN phồn vinh, hạnh phúc”. Từ đó, yêu cầu trong mọi hoạt động của Đảng phải luôn lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động; phải lấy  việc học tập và làm theo tấm gương của Người là công việc thường xuyên, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất; là tiêu chuẩn rèn luyện đảng viên và công tác bồi dưỡng cán bộ. 
 
2. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nêu cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực thực hiện con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn một cách thực sự bền vững: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; thực hiện đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ sống có lý tưởng, có hoài bão, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có lòng yêu nước nồng nàn để tiếp tục sự nghiệp cách mạng của ông cha; tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế…thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.
 
3. Các cấp uỷ, các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, mỗi cán bộ đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với những nhiệm vụ về xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, “nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên…”. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, phát huy dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu... 
 
4. Hiện nay, các thế lực thù địch đang tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người với ý đồ đen tối “lật đổ thần tượng Hồ Chí Minh”, đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phủ định con đường cách mạng Việt Nam đã được Bác Hồ tìm ra, được Đảng và nhân dân ta lựa chọn... Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân là bảo vệ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh bác bỏ mọi luận điệu thâm hiểm của các thế lực thù địch, phản động. Tiếp tục nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Đó chính là sự bảo vệ đúng đắn nhất chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 
 
Kỷ niệm sự kiện 105 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước gắn với kỷ niệm 126 năm Ngày sinh của Người, chúng ta càng hiểu rõ hơn về cuộc đời cách mạng và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc hơn về những cống hiến to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng CNXH đã được Đảng ta đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, được bổ sung, phát triển năm 2011; Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đó là sự thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân ta đối với công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
BAN BIÊN TẬP