Ngày hội non sông thành công tốt đẹp

09:05, 26/05/2016

Với tỷ lệ cử tri đi bầu cử gần như tuyệt đối, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, có thể nói, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã thành công tốt đẹp.

Với tỷ lệ cử tri đi bầu cử gần như tuyệt đối, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, có thể nói, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã thành công tốt đẹp.
 
Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết: do sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đã nêu rất đầy đủ mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, quyền công dân nên ngay từ thời điểm khai mạc, cử tri đã hăng hái, tích cực tham gia bầu cử, thực hiện trách nhiệm quyền công dân. Không khí tại các khu vực bỏ phiếu khẩn trương, nhộn nhịp nhưng nghiêm túc. Thông tin liên lạc thông suốt, không gián đoạn trong thời gian diễn ra bầu cử. An ninh, trật tự, an toàn xã hội trong ngày bầu cử ở các địa phương được bảo đảm, không xảy ra vấn đề bất thường. Nhìn chung, dư luận trong nhân dân đều tốt, cử tri phấn khởi, tin tưởng vào sự thành công chung của cuộc bầu cử. Điều đó đã được thể hiện qua việc hầu hết các địa phương đều có tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, nhiều địa phương đạt 100%.
 
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra ngày 22/5 thực sự là Ngày hội của toàn dân. Đây là cuộc bầu cử lớn nhất từ trước tới nay với hơn 69 triệu cử tri đi bầu cử, lựa chọn những người có đức, có tài để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội; 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 24.993 đại biểu HĐND cấp quận, huyện; 294.055 đại biểu HĐND cấp xã, phường. Theo quy định, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, huyện, xã căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử (1/6/2016). Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV chậm nhất ngày 11/6/2016 (20 ngày sau ngày bầu cử).
Đây là lần đầu tiên công tác tổ chức bầu cử ĐBQH và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp được tiến hành bởi Hội đồng Bầu cử quốc gia (thay vì thiết chế Hội đồng Bầu cử Trung ương như các kỳ bầu cử trước). Chính sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, khoa học của Hội đồng Bầu cử quốc gia, cộng với sự tham gia tích cực, chủ động của cử tri thông qua việc tự mình cầm lá phiếu để bầu ra những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình trong nhiệm kỳ tới đã giúp cho cuộc bầu cử thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân. Tuy nhiên, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu với báo giới ngay sau khi thực hiện quyền công dân của mình, mục tiêu quan trọng nhất mà cuộc bầu cử hướng đến là “lựa chọn được những người xứng đáng nhất trong những người xứng đáng để bầu ra những người ưu tú của nhân dân, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ đại diện cho nhân dân, thay mặt cho dân để tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội”. Đó phải là những người sẽ hết lòng vì nước, vì dân, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm mà Hiến pháp, pháp luật đã quy định. Đó cũng chính là những người sẽ củng cố và phát huy vai trò của các cơ quan dân cử trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, với 3 chức năng là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề của đất nước. Bên cạnh đó, Quốc hội phải thực hiện tốt công tác đối ngoại nghị viện, quan hệ thật tốt với các nghị viện trên thế giới” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
 
Trong phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu rõ, khép lại một nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội nhận thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân đã vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần phải nỗ lực khắc phục trong thời gian tới, trong đó có việc thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, nợ công, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, kém hiệu quả; thủ tục hành chính còn phiền hà; công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu; lãng phí, thất thoát còn lớn. Tình hình quốc tế, khu vực và trên biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường…
 
Như vậy, đối với các vị ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đắc cử tới đây, vinh dự thật to lớn, nhưng trách nhiệm cũng sẽ rất nặng nề. Đó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đó còn là đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; chủ động hội nhập quốc tế, giữ gìn hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vững bước trên chặng đường phát triển mới…                  
 
BBT