Bài học kinh nghiệm trong triển khai bầu cử

08:06, 28/06/2016

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng đã diễn ra thành công. Tuy nhiên, việc bầu thiếu 1 đại biểu Quốc hội và 62 đại biểu HĐND cấp xã tại Lâm Đồng cũng cho thấy còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng đã diễn ra thành công. Tuy nhiên, việc bầu thiếu 1 đại biểu Quốc hội và 62 đại biểu HĐND cấp xã tại Lâm Đồng cũng cho thấy còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. 7 bài học kinh nghiệm được Ủy ban Bầu cử tỉnh đúc rút tại cuộc họp tổng kết về bầu cử mới đây đã nhận được sự đồng tình cao từ phía các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh. 
 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến (thứ hai, trái qua) kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại huyện Đam Rông
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến (thứ hai, trái qua) kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử
tại huyện Đam Rông

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, thiếu sót trên, theo ông Trương Văn Hòa - Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh: Do chỉ trong một thời gian ngắn phải tổ chức triển khai nhiều công việc cùng một lúc ở các cấp, các ngành, đòi hỏi phải huy động sự tham gia tích cực, trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị; mặt khác, do điều kiện địa hình miền núi rộng, đi lại khó khăn nên đội ngũ những người trực tiếp tham gia bầu cử gặp không ít trở ngại. Nhiều cuộc họp tại khu dân cư với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân cũng chưa thu hút nhiều người, một phần do người dân phải lao động sản xuất, mặt khác ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh việc đi lại gặp không ít khó khăn,… Tại một số điểm, khu dân cư, việc lập danh sách cử tri, niêm yết danh sách cử tri, tiểu sử tóm tắt ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp chưa trang trọng, còn để hư hỏng. Cá biệt, một số nơi còn để xảy ra tình trạng nhầm lẫn khi phiếu bầu cử lại đóng dấu Ban bầu cử. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến một phần hạn chế là do việc hướng dẫn bổ sung, sửa đổi biểu mẫu nhiều lần từ Trung ương khiến cơ sở gặp không ít khó khăn, lúng túng trong triển khai thủ tục, quy trình bầu cử.
 
Còn theo nhận định của bà Hoàng Thị Khiêm - Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh: Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác tuyên truyền định hướng và mạn đàm tiểu sử của người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp còn có hạn chế nhất định. Từ đó, dẫn đến việc lựa chọn ứng cử viên chưa đảm bảo yêu cầu đề ra, cho nên bầu thiếu 1 đại biểu Quốc hội và 67 đại biểu HĐND cấp xã (về sau bầu thêm được 5 đại biểu). Chúng tôi coi đây là một bài học kinh nghiệm lớn đối hệ thống MTTQ các cấp và các cơ quan, tổ chức liên quan trong chỉ đạo phối hợp triển khai thực hiện công tác bầu cử vừa qua.
 
Bên cạnh những thành công với kết quả nổi bật trong bầu cử tại tỉnh Lâm Đồng thời gian vừa qua, việc nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm đã được Ủy ban Bầu cử xác định rõ ràng. Đó là 7 bài học kinh nghiệm sâu sắc: 
 
Thứ nhất, để triển khai thực hiện thành công công tác bầu cử trước hết phải có sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, HĐND, sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND, UBMTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến cơ sở nhằm đảm bảo công tác chuẩn bị bầu cử được chu đáo, kịp thời, đúng quy trình. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, nhân viên - những người trực tiếp thực hiện công tác bầu cử cần có tinh thần trách nhiệm cao và trung thực, tận tụy phục vụ nhân dân.
 
Thứ hai, trong công tác chuẩn bị nhân sự và vận động bầu cử: Trước hết, cần có sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với việc giới thiệu người ứng cử. Thực hiện đúng quy trình, phát huy dân chủ trong hiệp thương giới thiệu, lựa chọn người ra ứng cử. Vừa phải cân nhắc kỹ lưỡng về cơ cấu, vừa coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng, năng lực người ra ứng cử nhằm tạo ấn tượng tốt và sự đồng thuận từ nhân dân. Để đảm bảo việc vận động bầu cử đạt kết quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân nắm rõ quy định, quyền và nghĩa vụ công dân, tổ chức tốt các hội nghị mạn đàm tiểu sử ứng viên nhằm đảm bảo công bằng, đúng luật về tranh cử. 
 
Thứ ba, về việc tổ chức đoàn kiểm tra của Trung ương và địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa MTTQ và các ngành, đoàn thể để công tác giám sát kiểm tra bầu cử đạt kết quả, tránh chồng chéo, gây trùng lắp, khó khăn cho cơ sở.
 
Thứ tư, trong tuyên truyền nhất thiết phải cần sự thống nhất của cấp ủy Đảng, từ đó các ngành có kế hoạch tuyên truyền đồng bộ, hiệu quả.
 
Thứ năm, về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử cần phải thường xuyên tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chính quyền địa phương phải thường xuyên tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng phương án xử lý kịp thời nếu có sự cố xảy ra.  
 
Thứ sáu, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến bầu cử cần được thực hiện một cách kịp thời, nghiêm túc, sâu sát, đúng quy định pháp luật.
 
Thứ bảy, về đánh giá công tác lãnh chỉ đạo bầu cử ở địa phương cần sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến các địa phương, cơ sở nhằm đảm bảo công tác bầu cử được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, đúng quy trình, kịp tiến độ và đúng quy định của pháp luật.
 
Phát biểu bế mạc tại buổi tổng kết bầu cử, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Tuy hạn chế không nhiều, nhưng việc để bầu thiếu 1 đại biểu Quốc hội và một số đại biểu HĐND cấp xã là rất đáng tiếc. Tôi đề nghị các ngành, các cấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để các cuộc bầu cử sau đạt kết quả tốt hơn. Kết quả lớn từ cuộc bầu cử với tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, đạt 99,70% cho thấy tinh thần trách nhiệm rất cao từ phía cử tri, sự đồng thuận, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Kết quả trên sẽ mở đầu cho một nhiệm kỳ mới với nhiều kỳ vọng về bộ máy chính quyền các cấp “Năng động, sáng tạo, dân chủ - kỷ cương, tận tụy - trách nhiệm, gần gũi, gắn bó với nhân dân” đòi hỏi mỗi đại biểu trúng cử phải phát huy hết tinh thần trách nhiệm, đáp ứng kỳ vọng, mong đợi của nhân dân.
 
Nguyệt Thu