Kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên

08:06, 30/06/2016

Đó là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó biến đổi khí hậu vừa được tổ chức tại tỉnh Đắc Lắc.

Đó là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó biến đổi khí hậu vừa được tổ chức tại tỉnh Đắc Lắc.
 
Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển KT-XH gắn với việc bảo vệ rừng, góp phần đưa Tây Nguyên có bước phát triển mới. Việc bảo vệ rừng Tây Nguyên, được coi như nóc nhà Đông Dương là đặc biệt quan trọng và cấp thiết. Thời gian qua, việc Tây Nguyên mất 41% diện tích rừng là rất nghiêm trọng. Theo thống kê mới nhất của Bộ NN-PTNT, rừng Tây Nguyên đang bị suy giảm nghiêm trọng về diện tích và chất lượng. Trong vòng 5 năm (2011-2015), độ che phủ rừng Tây Nguyên giảm tới 6,1%, đưa độ che phủ của rừng giảm từ 51,8% xuống hơn 48,5%. Chất lượng rừng còn lại cũng rất kém. Theo Thủ tướng, nguyên nhân là do các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mức, nhất là đất rừng chưa có chủ; lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ rừng. Mặt khác, tình trạng di dân tự do từ nhiều tỉnh thành đến Tây Nguyên làm trầm trọng hơn vấn nạn phá rừng. Mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều cố gắng nhưng nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề bảo vệ, phát triển rừng chưa thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. 
 
Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên. Không chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp. Ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng. Kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với các dự án thủy điện không chấp hành quy định trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các lực lượng công an, kiểm sát, quân đội vào cuộc, đấu tranh một cách có hiệu quả với nạn phá rừng, làm rõ trách nhiệm người phụ trách từng địa bàn, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Bên cạnh xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, móc nối, bao che dung túng cho hành vi phá rừng, kể cả xử lý hình sự, Thủ tướng cũng yêu cầu phải tôn vinh những tập thể, cá nhân, lực lượng làm tốt công tác bảo vệ rừng. Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên có trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng trên địa bàn, giao nhiệm vụ này tới xã, huyện, cấp kinh phí và bố trí lực lượng kiểm lâm theo quy định. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu giải quyết kịp thời tình trạng di dân tự do, tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng. 
 
Quyết định đóng cửa rừng, ngừng khai thác gỗ rừng tự nhiên sẽ giúp giải quyết được nạn chặt phá rừng trái phép tràn lan; đồng thời giúp cho cơ quan quản lý có thể kiểm soát chặt chẽ tình trạng này. Theo báo cáo tại Hội nghị Tỉnh ủy Lâm Đồng lần thứ 4 tổ chức ngày 29/6, 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 689 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; tổng số vụ vi phạm đã xử lý 653 vụ, thu nộp ngân sách 5.147 triệu đồng; toàn tỉnh cũng để xảy ra 34 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy 118,2 ha. Kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương trong tỉnh cần nghiêm túc thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
Hiện tại, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh Tây Nguyên xây dựng và triển khai Dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2020 sẽ khôi phục và phát triển rừng ở Tây Nguyên đạt 2,71 triệu ha và nâng độ che phủ rừng lên 49,8%. Trồng rừng 58.350 ha; trồng rừng thay thế diện tích đất lâm nghiệp có rừng chuyển sang mục đích khác gần 16.000 ha; khoanh nuôi tái sinh rừng trên 73.000 ha và trồng cây phân tán khoảng 28 triệu ha. Giảm tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng…
 
LAN HỒ