Phấn đấu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 90% dân số tham gia BHYT

02:06, 03/06/2016

(LĐ online) - Ngày 3/6, tại đầu cầu UBND tỉnh, các đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW - Bí thư Tỉnh ủy, Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên Ban chỉ đạo Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại đầu cầu Hà Nội.

(LĐ online) - Ngày 3/6, tại đầu cầu UBND tỉnh, các đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW - Bí thư Tỉnh ủy, Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên Ban chỉ đạo Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại đầu cầu Hà Nội.
 
Lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Lâm Đồng tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh BHYT toàn dân
Lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Lâm Đồng tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc
về đẩy mạnh BHYT toàn dân

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, năm 2015 cả nước có trên 76,5% dân số tham gia BHYT; đầu năm 2016 cũng đã có trên 70,8 triệu đối tượng tham gia BHYT và ngành chức năng cùng các địa phương đang tích cực triển khai để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ 78% dân số có BHYT đạt theo Quyết định số 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để đảm bảo hoàn thành sớm hơn mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân, Hội nghị đã thảo luận để Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định điều chỉnh chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2016 - 2020 với định hướng phấn đấu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 90% dân số tham gia BHYT.
 
Để đảm bảo đạt độ bao phủ BHYT toàn dân, Hội nghị đã đưa ra một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ: Theo Quyết định số 1584/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương huy động các nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trước mắt là hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại của các đối tượng thuộc hộ cận nghèo nhưng đến nay vẫn còn một số tỉnh, thành phố chưa có cơ chế hỗ trợ; hầu hết các địa phương chưa hỗ trợ được hộ nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình đông con  khó khăn về kinh tế… Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế còn chậm và chưa đảm bảo sự công bằng giữa những người bệnh có thẻ BHYT và người chưa tham gia BHYT, chưa tạo được động lực khuyến khích người dân tham gia BHYT.
 
BHXH Việt Nam đã tính toán chi tiết tổng mức kinh phí hỗ trợ theo nhóm đối tượng. Cụ thể, tại mỗi địa phương theo năm tài chính từ 2016 - 2020 sẽ chủ động nghiên cứu, xem xét, quyết định và đề nghị ưu tiên dùng nguồn kinh phí kết dư (nếu có) để hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Trước mắt hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng nói trên trong năm 2016 là 450,1 tỷ đồng (trong đó: Hộ cận nghèo 61,3 tỷ đồng; Học sinh, sinh viên 76,7 tỷ đồng; Hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp 204,6 tỷ đồng; Hộ gia đình: 107,5 tỷ đồng).
 
 Hướng tới nhằm tăng cường phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT và tin học hóa công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT. Trong đó, tập trung hỗ trợ cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình có đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế, góp phần tăng tỷ lệ tham gia BHYT của các nhóm đối tượng này. Đối với các tỉnh, thành phố có kết dư quỹ KCB BHYT năm 2015, ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính này để hỗ trợ người dân tham gia BHYT.
 
AN NHIÊN