Mỗi năm giảm được 5.868 hộ nghèo

05:07, 21/07/2016

Chiều 21/7, tại Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh; đồng thời, triển khai phương hướng, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Chiều 21/7, tại Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh; đồng thời, triển khai phương hướng, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa đồng chủ trì hội nghị.
 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: PHAN NHÂN
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: PHAN NHÂN

Báo cáo của Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, đời sống và tinh thần của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, các chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh dần theo từng năm.
 
Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là trên 34.570 hộ, chiếm tỷ lệ 12,60% (trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 18.844 hộ, chiếm 32,65%), thì đến hết năm 2015 đã giảm xuống còn 5.236 hộ, chiếm tỷ lệ 1,74% (hộ nghèo là đồng bào DTTS còn 2.531 hộ, chiếm tỷ lệ 4%). Bình quân mỗi năm toàn tỉnh giảm 5.868 hộ nghèo, tương đương với tỷ lệ 2,17%, trong đó: đồng bào DTTS giảm 3.263 hộ (giảm 5,73%/năm); huyện Đam Rông mỗi năm giảm 739 hộ (giảm 9,1%/năm); 29 xã nghèo mỗi năm giảm gần 1.900 hộ (giảm 8,1%/năm). Nếu so với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới điều tra vào đầu năm 2016, thì tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 gần bằng 53% của năm 2011, trong khi chuẩn nghèo về thu nhập giữa hai giai đoạn có tăng lên (chuẩn nghèo thu nhập năm 2016 so với năm 2011 bao gồm trượt giá tăng khoảng 1 đến 2 lần), điều này cho thấy tính hiệu quả, bền vững trong việc triển khai các chương trình giảm nghèo ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.  
 
Ước tính, tổng kinh phí đầu tư thực hiện các chính sách nghèo chung giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Lâm Đồng từ nguồn vốn ngân sách là trên 2 ngàn tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng là trên 135 tỷ đồng. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa cũng đã thừa nhận, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn vướng mắc, đó là: Tốc độ giảm nghèo giữa các khu vực trong tỉnh còn chênh lệch, tỷ lệ hộ nghèo tại các vùng đồng bào DTTS, vùng sâu vẫn còn cao; sự chỉ đạo và kết hợp giữa các cấp, các ngành về công tác giảm nghèo và giúp đỡ các vùng nghèo còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ; một số cán bộ làm công tác giảm nghèo còn hạn chế về năng lực; nhiều nơi không muốn thoát nghèo nhanh vì sợ mất nguồn hỗ trợ cơ sở hạ tầng của nhà nước.
 
Hội nghị lần này cũng đã đề ra mục tiêu chung cho giai đoạn 2016 - 2020, đó là: tiếp tục giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; đảm bảo an sinh, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân ở các địa bàn nghèo. Đặc biệt, phải tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và tiếp cận thông tin).
 
Trong đó, mục tiêu cụ thể đề ra là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,9%, riêng đồng bào DTTS còn 4,8%; không còn xã có trên 15% hộ nghèo, trong đó, đồng bào DTTS không còn xã có trên 20% hộ nghèo. Một trong những mục tiêu đề ra nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, đó là có 70% lao động nông thôn qua đào tạo, trong đó đào tạo nghề khoảng 55 - 60%, 90% lao động thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề; 100% cán bộ, công chức xã, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cán bộ đoàn thể cấp xã phải được tập huấn, đào tạo các kỹ năng về quản lý, tổ chức giảm nghèo.
 
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân đã có đóng góp đặc biệt cho Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân đã có đóng góp đặc biệt cho Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh - Ảnh: PHAN NHÂN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến đánh giá cao sự nỗ lực, ý chí của người dân, bởi đây là nhân tố chủ thể quyết định đến sự thành bại của công tác giảm nghèo; đó là sự năng động, linh hoạt của các địa phương trong việc lồng ghép giữa chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; sự chủ động của các ngân hàng, quỹ tín dụng trong việc cấp vốn, tạo điều kiện cho người dân vay vốn thoát nghèo; sự hỗ trợ của các cộng đồng doanh nghiệp, vào cuộc của toàn xã hội; sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các ban, ngành, địa phương trong công tác giảm nghèo. Công tác giảm nghèo đã góp phần đáng kể vào sự phát triển vượt bậc của địa phương, ổn định tình hình chính trị, an ninh và xã hội. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng, thời gian tới, chương trình giảm nghèo của tỉnh cần phải tạo được sức lan tỏa nhiều hơn nữa, huy động được sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội, qua đó đạt được mục tiêu đề ra, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng, phát triển của tỉnh trong giai đoạn sắp tới. Đồng thời, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cần phải kiên trì, quyết liệt, không chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích trong việc triển khai.
 
Tại hội nghị, Bộ LĐTB&XH đã tặng Bằng khen cho một tập thể và một cá nhân; UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 27 tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc bởi những đóng góp đặc biệt cho Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015.  
           
Tuấn Linh